2 vợ chồng mắc chung 1 loại ung thư: Thủ phạm chính là kiểu ăn rau mà họ đã thực hiện suốt nhiều năm qua

Bảo Nam,
Chia sẻ

Bác sĩ cho biết, cặp đôi không có tiền sử gia đình, nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống của hai vợ chồng giống nhau.

1 kiểu ăn rau khiến cặp vợ chồng cùng mắc ung thư

Ngày 23/11/2021, tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) đưa tin: Chị Lý Ái Hoa (55 tuổi) và chồng là Vương Chí Phong (58 tuổi) đều mắc cùng căn bệnh ung thư trực tràng. 

Bác sĩ cho biết, cặp đôi không có tiền sử gia đình, nguyên nhân chính là do thói quen ăn uống của hai vợ chồng giống nhau. Bác sĩ Yu Guanyu (Khoa Phẫu thuật tiêu hóa của Bệnh viện Trường Hải, Thượng Hải) chia sẻ: Gia đình Lý Ái Hoa ăn rất nhiều thịt, ngược lại không bao giờ ăn rau. Nếu ăn quá ít chất xơ, nhu động ruột sẽ chậm lại, điều đó khiến cho độc tố tồn tại trong ruột ngày càng lâu. Theo thời gian, chúng sẽ làm tăng gánh nặng cho hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ ung thư trực tràng.

1131601_0_600.jpeg

Hình minh họa

Ngoài ra, ăn nhiều thịt và ít rau còn có thể gây thừa cân, béo phì. Trong khi đó, béo phì cũng được coi là yếu tố nguy cơ gây ung thư trực tràng. Một phân tích tổng hợp cho thấy, cứ tăng 5kg trọng lượng cơ thể thì nguy cơ ung thư trực tràng sẽ tăng 2%.

Bác sĩ Yu Guanyu cũng nói, hệ tiêu hóa có thể bị tổn thương nhiều hơn nếu loại thịt mà các gia đình tiêu thụ thường xuyên là thịt chế biến sẵn. Lý do là bởi loại thịt này chứa nhiều muối, đường, cũng như chất bảo quản... sẽ dễ dẫn đến việc gia tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.

2620554_20200723112156679031_0.jpg

Ăn nhiều thịt, ít rau gây hại cho đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, phản đối ăn thịt quá nhiều không có nghĩa là chúng ta nên từ bỏ thịt. Bác sĩ Yu Guanyu nhấn mạnh: Một chế độ ăn uống cân bằng là cơ sở để đảm bảo sức khỏe đường tiêu hóa. Do đó, nên ăn đầy đủ cả thịt lẫn rau, theo đúng chuẩn "tháp dinh dưỡng". 1 người lớn 1 ngày nên ăn khoảng 300g rau xanh, 200g trái cây, 150-200g thịt/trứng/đậu...

Những dấu hiệu ban đầu của bệnh ung thư trực tràng

Tín hiệu ung thư trực tràng của vợ chồng chị Lý Ái Hoa có liên quan đến việc đi đại tiện. Chị thấy phân loãng, dính và có màu đen. Khi đến bệnh viện nội soi thì được chẩn đoán mắc bệnh ung thư trực tràng.

Tiến sĩ Yu Guanyu khuyên chúng ta nên chú ý đến ba triệu chứng ban đầu sau đây:

Có máu trong phân

Máu trong phân là biểu hiện sớm nhất và phổ biến nhất của bệnh ung thư trực tràng, nguyên nhân chủ yếu là do sự ma sát giữa phân và khối u. Ung thư giai đoạn đầu có thể thỉnh thoảng xuất hiện một lượng máu nhỏ, trong khi giai đoạn muộn có thể thấy chất nhầy và có máu khá rõ ràng khi đại tiện.

Bác sĩ Yu Guanyu nhấn mạnh: "Bệnh nhân ung thư thường nhầm triệu chứng có máu trong phân là bệnh trĩ, điều đó khiến họ bỏ lỡ cơ hội điều trị y tế kịp thời".

20211201_dai-tien-mat-kiem-soat-1.jpg

Hình minh họa.

Thay đổi tính chất phân

Phân sẽ trở nên mỏng hơn, dài hoặc phẳng hơn do khối ung thư đã xâm lấn, từ đó làm thay đổi hình dạng của phân. Đồng thời, người bệnh sẽ có hiện tượng đi ngoài nhiều hơn, hoặc bị táo bón, tiêu chảy. 

Buồn đi đại tiện nhưng không đi được

Người bệnh luôn có cảm giác muốn đi đại tiện nhưng không có gì để đi, hoặc đi vệ sinh ra rất ít, thường có cảm giác sưng tấy ở hậu môn. Nguyên nhân là do khối u phát triển ở trực tràng sẽ gây kích ứng, gây ra cảm giác buồn đi đại tiện.

Bác sĩ chia sẻ 3 cách sàng lọc sớm ung thư trực tràng

Anh Vương Chí Phong phát hiện bệnh sau vợ 3 tháng, tuy nhiên anh đã bị di căn gan, việc điều trị và tiên lượng bệnh tệ hơn nhiều so với vợ. Bác sĩ Yu Guanyu nhắn nhủ, ung thư nên được phát hiện càng sớm càng tốt. Để làm được điều đó thì thăm khám định kỳ là rất quan trọng.

Tiến sĩ Yu Guanyu cho biết, có ba phương pháp giúp phát hiện ung thư trực tràng sớm.

1. Siêu âm hậu môn

Bác sĩ sử dụng một đầu dò chuyên dụng cùng sóng siêu âm đưa qua hậu môn trực tràng để khảo sát, kiểm tra xem có bất thường gì hay không. Phương pháp này đơn giản, dễ dàng và cũng rất hữu ích, có thể phát hiện polyp, trĩ cho đến các bệnh nghiêm trọng như ung thư.

2. Xét nghiệm phân

Có lẫn máu trong phân là dấu hiệu ban đầu của nhiều bất thường ở đường tiêu hóa. Những bệnh nhân nghi ngờ ung thư nên xét nghiệm phân, nhằm sàng lọc sớm các khối u ác tính trong đường tiêu hóa.

3. Nội soi

Mặc dù quá trình nội soi không thoải mái nhưng nó vẫn là tiêu chuẩn vàng để sàng lọc và chẩn đoán ung thư trực tràng. Nó cũng có thể phát hiện và loại bỏ các tổn thương tiền ung thư, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh.

Chia sẻ