2 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ của cha mẹ vô tình khiến con bị ốm nhiều hơn

Tuấn Minh,
Chia sẻ

Không chỉ yếu tố thời tiết, cha mẹ mắc phải sai lầm trong chăm sóc trẻ cũng vô tình khiến con bị ốm hơn bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), do thời tiết thay đổi thất thường liên tục, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn phát triển mạnh, trẻ rất dễ bị ốm. Không chỉ yếu tố thời tiết, cha mẹ mắc phải sai lầm trong chăm sóc trẻ cũng vô tình khiến con bị ốm hơn bình thường.

2 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ của cha mẹ khiến con bị ốm nhiều hơn

1. Lạm dụng kháng sinh

Có một thực tế là, hễ con bị ho sốt, sổ mũi, nhiều cha mẹ ngay lập tức chạy ngay đi ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống.

2 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ của cha mẹ vô tình khiến con bị ốm nhiều hơn - Ảnh 1.

Hễ con bị ho sốt, sổ mũi, nhiều cha mẹ ngay lập tức chạy ngay đi ra hiệu thuốc mua kháng sinh cho con uống.

Đây là cách xử lý sai lầm. Chuyên gia nhận định, có đến 90% các trường hợp trẻ bị ho sốt, sổ mũi ngoài cộng đồng là do virus. Dùng kháng sinh nhiều sẽ chỉ khiến con bị tăng kháng kháng sinh. Từ đó sẽ khiến con bị ốm nhiều hơn, đồng thời khó điều trị hơn vào những lần tiếp theo.

Chung nhận định, BS Đoàn Hải Đăng (từng làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Thanh Hóa) cho biết, thuốc kháng sinh có vai trò tiêu diệt vi khuẩn. Cho con uống kháng sinh "vô tội vạ" có thể khiến cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của bé bị suy yếu.

Có thể nói, lạm dụng kháng sinh hiện nay trở thành vấn nạn đối với riêng trẻ nhỏ cũng như bất cứ đối tượng nào. Ví dụ như thói quen dùng kháng sinh dù chưa cần thiết, hay là đáng lẽ chỉ cần dùng một loại kháng sinh là ổn thì lại dùng nhiều loại...

Những hành động này vô tình làm xuất hiện vi khuẩn đa kháng, vi khuẩn kháng toàn bộ các loại thuốc kháng sinh. Và kết quả là dẫn tới kháng kháng sinh.

2. Dùng thuốc hạ sốt không đúng hướng dẫn

2 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ của cha mẹ vô tình khiến con bị ốm nhiều hơn - Ảnh 2.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì mới dùng thuốc hạ sốt.

Nhiều cha mẹ cứ thấy con sốt là lo lắng, vội vàng cho dùng ngay thuốc hạ sốt. Đây là cách xử lý sai lầm. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, sốt là một phản ứng có lợi của cơ thể để chống lại virus, vi khuẩn lây bệnh.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, trẻ sốt cao trên 38,5 độ thì mới dùng thuốc hạ sốt. Tuy nhiên, nếu con vẫn ăn, chơi bình thường thì không cần thiết phải dùng thuốc hạ sốt luôn. Ngoại trừ trường hợp bé có tiền sử sốt cao, co giật khi sốt thì phải dùng thuốc hạ sốt ngay khi có cơn sốt.

Nhiều người chia sẻ, do sợ con bị sốt cao rồi co giật nên không còn cách nào khác, phải cho uống hạ sốt ngay. Cha mẹ lúc này cần hết sức chú ý, nếu con có tiền sử hay bị sốt, sốt cao thì mới dùng. Nói chung, chỉ dùng thuốc hạ sốt khi thật sự cần thiết.

Khi nào con sốt thì cần cho đi khám ngay chứ không tự điều trị tại nhà?

Theo BS Đoàn Hải Đăng, dưới đây là những nhóm trẻ bị sốt thì cha mẹ cần cho đi khám ngay, không tự ý điều trị tại nhà theo bất cứ cách nào:

2 sai lầm nghiêm trọng khi chăm sóc trẻ của cha mẹ vô tình khiến con bị ốm nhiều hơn - Ảnh 3.

Những bé sốt trên 39 độ C trên 3 ngày, nhất là sốt liên tục thì nên đi khám ngay.

- Một là trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi nếu sốt trên 38 độ C. Nhóm trẻ này nên cho đi khám ngay. Nguyên nhân bởi, những bé này có diễn biến bệnh rất nhanh, có thể khó kiểm soát.

- Hai là những bé sốt trên 39 độ C trên 3 ngày, nhất là sốt liên tục thì cũng nên đi khám ngay.

- Ba là những bé sốt trên 5 ngày, bất kể là trên bao nhiêu độ, cũng cần đi khám.

"Thông thường, trẻ sốt từ 3-5 ngày là sẽ hạ sốt. Nếu trên 5 ngày rồi vẫn sốt thì mẹ không nên để thêm nữa. Nên đi khám ngay", chuyên gia khuyên.

- Một trường hợp khác, bé sốt mà xuất hiện hiện tượng co giật. Khi bước đầu xử lý co giật xong, cha mẹ cũng nên cho con đi khám ngay.

- Thêm một trường hợp nữa, đó là những bé mắc bệnh hiểm nghèo, ví dụ như tim bẩm sinh, hen, khâu hậu môn... Những bé này xuất hiện sốt cũng cần đưa đi khám ngay chứ không nên tự chữa sốt tại nhà.

"Những bé này rất nhạy cảm với bệnh tật", chuyên gia cho biết thêm. Việc chậm trễ đi khám có thể dẫn đến những biến chứng, hệ lụy đáng tiếc.

Chia sẻ