2 con trai bỗng nhiên ngoan lạ thường, bà mẹ Hà Nội đi tìm nguyên nhân rồi cười xỉu khi phát hiện ra bản cam kết đặc biệt

Mây,
Chia sẻ

Ngỡ là bản cam kết viết ra cho vui nhưng không ngờ cái kết quá ngọt ngào của hai anh em khiến bà mẹ phải khoe ngay với cộng đồng mạng.

Trong gia đình có hai con trở lên, nhất là những đứa trẻ được sinh ra ở độ tuổi san sát nhau thì việc xưng hô anh chị em là một vấn đề khá nan giải. Bởi, nhiều trẻ sẽ chọn chỉ gọi tên nhau chứ không dùng kính ngữ hoặc thậm chí "mày tao chí tớ" như đôi bạn cùng tuổi. 

Tuy việc xưng hô như vậy có phần thân thiết hơn và khá thoải mái khi các con ở trong nhà. Nhưng khi ra ngoài xã hội nhiều bạn nhỏ sẽ bị nhận xét là thiếu lễ phép. Vì thế, nhiều bố mẹ đã phải rất vất vả để tìm cách uốn nắn con xưng hô đúng.

Mới đây, chị Linh (Hà Nội) đã chia sẻ trên cộng đồng mạng về bản cam kết đặc biệt của hai cậu con trai học lớp 6 và lớp 8 trong việc sử dụng kính ngữ với nhau. Bản cam kết thu về rất nhiều sự chú ý từ cộng đồng mạng bởi cách viết vô cùng thông minh, dí dỏm của cậu anh trai và hiệu quả bất ngờ khi hai anh em vô cùng nghiêm túc thực hiện bản cam kết mà mình đã đặt ra. 

Bản cam kết đặc biệt của hai cậu bé được mẹ chia sẻ trên mạng khiến nhiều bậc phụ huynh vỗ tay thán phục vì cách dạy con quá thông minh - Ảnh 1.

Bản cam kết của hai cậu con trai học lớp 8 và lớp 6 của chị Linh khiến cộng đồng mạng chia sẻ rầm rộ.

Cụ thể chia sẻ của chị như sau: "Một ngày đẹp trời, thấy 2 ông con dùng kính ngữ để xưng hô. Thỉnh thoảng, thằng anh tự vuốt nhẹ lên má, còn thằng em cứ đun nước, đổ rác, rửa bát cả ngày".

Kèm theo là bức ảnh cận cảnh bản cam kết cực kỳ đáng học tập của hai anh em nhà mẹ Linh. Bên dưới là đầy đủ chữ ký của hai anh em thể hiện tinh thần nghiêm túc thực hiện bản cam kết. Cụ thể, bản cam kết được cậu anh Nguyễn Hoàng Minh viết tay như sau:

"Kính gửi ông Nguyễn Hoàng Nam,

Hôm nay, tôi viết bản cam kết này để báo với ông rằng, với khoảng cách 2 tuổi, tôi sẽ được ông gọi bằng "anh", còn khi ông xưng với tôi phải dùng từ "em". Điều này đảm bảo ranh giới mỗi người, và không ai được đi quá giới hạn. Nếu ông vi phạm sẽ phải chịu hình thức kỷ luật như sau:

- Từ 1 - 2 lần/ngày: Đổ rác, đun nước sôi

- 4 lần/ngày: Rửa bát bữa sáng

- 5 lần/ngày: Rửa bát bữa trưa

- 6 lần/ngày: Rửa bát bữa tối

- 7 lần/ngày: Rút/phơi quần áo

Tuy nhiên, nếu tôi mà gọi "mày, tao" với ông thì tôi sẽ tự tát mình một cái".

Sau khi hình ảnh bản cảm kết được chia sẻ, chị Linh cũng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ các bậc phụ huynh trong việc dạy con cách xưng hô với nhau. Có phụ huynh cho rằng việc các con cách nhau 1 - 2 tuổi xưng tên với nhau là chuyện bình thường. Nhưng cũng có phụ huynh cho biết, ở nhà xưng tên thì được còn ra ngoài vẫn phải dùng kính ngữ để thể hiện sự lễ phép chuẩn mực. 

Trò chuyện thêm với chị Linh, được biết, 2 con trai chị là Nguyễn Hoàng Minh, tên ở nhà là Bi, hiện đang học lớp 8. Cậu em là Nguyễn Hoàng Nam, tên ở nhà là Bon, hiện học lớp 6. 

Hai anh em cách nhau 2 tuổi và có tính cách trái ngược nhau: "Cậu anh thì hiếu động, thích thể thao còn cậu em thì điềm đạm hơn, mê mẩn những chương trình khoa học trên truyền hình. Cũng chính vì tính cách như vậy mà trong nhiều cuộc tranh luận, anh Bi luôn giành phần thắng vì nhiều lý lẽ còn em Bon thì xác định nhường luôn không cần tranh cãi".

Khi được hỏi về bí quyết cũng như những tình huống khó khăn trong quá trình nuôi dạy hai cậu con trai đang trong độ tuổi học làm người lớn, chị Linh cho biết: "Mình thường để các con tự xử lý vấn đề cá nhân. Vì hiện tại các con cũng đủ tuổi để hiểu, chỉ có điều, mình thường phải giải thích cho các con khi có trường hợp phát sinh không như thường ngày".

Qua câu chuyện của hai cậu con trai nhà chị Linh, các bậc phụ huynh cũng nhận ra rằng có nhiều vấn đề trong việc nuôi dạy con cái mà bố mẹ chỉ nên là người hướng dẫn và đứng ngoài quan sát để con tự giải quyết chứ không phải can thiệp quá sâu. Điều này cũng giúp các con hình thành tư duy tự lập, khả năng xử lý vấn đề và tự hiểu được cách đối nhân xử thế phù hợp.

Chia sẻ