18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội và TP HCM
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), tính riêng Hà Nội và TP HCM, có ít nhất khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang. Việc này tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
VARS cho biết, tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang không còn hiếm gặp. Nhiều khu tái định cư có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở.
Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
Chỉ tính riêng Hà Nội và TP HCM , có ít nhất 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, không người đến ở, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để bảo trì, bảo dưỡng mỗi năm.
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội về hiện trạng có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ và khoảng 4.000 căn chung cư vẫn còn "bỏ hoang". Có những dự án tái định cư người dân đã về ở nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại…
Theo thống kê của Sở Xây dựng TP HCM, địa phương này hiện có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ.
Tình trạng này đối nghịch với việc nguồn cung căn hộ đang rất khan hiếm trên thị trường. Kể từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, đặc biệt là phân khúc căn hộ đang sụt giảm nghiêm trọng. Số lượng dự án bất động sản được phê duyệt ít trong khi các dự án đang triển khai cũng bị gián đoạn bởi nhiều vướng mắc liên quan đến pháp lý và nguồn vốn.
VARS thống kê, trung bình mỗi năm, ước tính mỗi đô thị đặc biệt thiếu hụt ít nhất 50.000 căn hộ. Việc hàng chục nghìn căn hộ "bỏ hoang" trong khi nhiều người dân không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý.
Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng thừa nhận nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng.
Hầu hết dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 2014 . Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù Luật Nhà ở đã có quy định về chuyển đổi công năng nhà ở tái định cư sang nhà ở xã hội, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn chưa thể triển khai thực hiện được do vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục thực hiện.
Để giải quyết tình trạng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, VARS cho rằng, c ần có cơ quan giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng các dự án tái định cư. Nhất là việc tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xây dựng để bảo đảm chất lượng và an toàn.
Đồng thời, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai (sửa đổi) với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bảo đảm quyền lợi của người bị thu hồi đất. Ngoài ra, cần có các chương trình hỗ trợ tài chính, tư vấn và đào tạo nghề để giúp người dân thích nghi với cuộc sống mới. Khuyến khích người dân được tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư, bảo đảm các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
“Bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội cùng một phân khúc. Các dự án tái định cư sẽ được tiếp cận nguồn vốn và lãi suất của gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để hoàn thiện các hạng mục về hạ tầng, kỹ thuật, hạ tầng xã hội như các dự án nhà ở khác để thu hút người dân đến sinh sống”, VARS khuyến nghị.