15 ngày giành giật sự sống cho bệnh nhân COVID-19
Bệnh viện Phổi Ðà Nẵng vừa chữa trị khỏi COVID-19 cho bệnh nhân 582, một trong số những bệnh nhân mắc COVID-19 rất nặng ở Ðà Nẵng với nhiều tổn thương ở tim, gan, phổi, phải thở máy ECMO.
Nam bệnh nhân 55 tuổi này nhập viện ngày 31/7 tại khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng bệnh đã nặng, nguy kịch. Bác sĩ Trần Thanh Linh - Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy, người trực tiếp cùng đội ngũ y bác sĩ Đà Nẵng cứu chữa cho bệnh nhân, cho biết: Tình trạng của bệnh nhân lúc nhập viện là “ngàn cân treo sợi tóc”.
Bệnh nhân có bệnh nền suy tim, huyết áp, thiếu máu cục bộ. Diễn biến bệnh rất nhanh, chỉ qua 2 ngày chụp X- quang, phổi bệnh nhân đã tổn thương rất nặng nề. “Đây là tổn thương đặc thù của bệnh nhân COVID-19 hiện nay, nhất là các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền suy giảm miễn dịch”, bác sĩ Linh cho biết.
Ngày 2/8, trước diễn tiến bệnh xấu đi, các bác sĩ quyết định đặt máy thở nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhân để duy trì sự sống và tiến hành lọc máu. Sau khi đặt máy thở ECMO nhịp tim của bệnh nhân rất chậm, do bị tổn thương tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp và suy tim.
“Phải sau 4 ngày chạy máy thở nhân tạo, diễn tiến bệnh mới bắt đầu có xu hướng cải thiện hơn, hình ảnh X-quang phổi, các thông số cải thiện rõ, huyết áp bệnh nhân không còn phụ thuộc vào thuốc vận mạch. Đây là thời gian khó khăn nhất cho bệnh nhân cũng như đội ngũ y bác sĩ. Tuy nhiên mọi người đã nỗ lực hết sức để cứu chữa”, bác sĩ Linh chia sẻ.
Sau khi các thông số ổn định và được cải thiện, bệnh nhân 582 được chuyển về Bệnh viện Phổi. Từ ngày 5/8, Bệnh viện Phổi tiến hành cai máy thở ECMO đối với bệnh nhân. Trong quá trình chữa trị, bệnh nhân có một đợt nhiễm trùng và được lọc máu. Những ngày gần đây bệnh nhân được ngưng máy thở, rút ống nội khí quản và được mở khí quản. Sau khi xét nghiệm, bệnh nhân 582 được xác định 5 lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ tiêu chuẩn xác nhận hết COVID-19.
Sau khi có kết quả âm tính, bệnh nhân 582 được di chuyển đến khu vực riêng, không nằm chung với các bệnh nhân mắc COVID-19 để tránh nguy cơ lây nhiễm. Tuy nhiên, việc di chuyển bệnh nhân nặng gần 80kg này không hề đơn giản vì bệnh viện không có thang máy. Các y bác sĩ mặc đồ bảo hộ phải khiêng bệnh nhân cùng máy móc thiết bị cồng kềnh từ tầng 1 lên tầng 3. “Đây sẽ là những kỷ niệm khó quên trong đời y nghiệp của chúng tôi”, bác sĩ Linh nói.
“Anh em y bác sĩ chúng tôi như đang ở chiến trường. Xông trận, có gì trong tay là cầm lên chiến đấu, xông lên chiến đấu, với quyết tâm làm sao chiến thắng sớm nhất, giải phóng Ðà Nẵng nhanh nhất có thể”.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy