15 năm sau vụ khủng bố 11/9, hơn 1.000 gia đình vẫn không nhận được thi thể người thân

Vân Anh,
Chia sẻ

Đã 15 năm kể từ khi xảy ra thảm họa 11/9 chấn động thế giới, vẫn còn khoảng 1113 nạn nhân không thể xác định được danh tính và thi thể họ hiện đang được cất giữ trong Bảo tàng tưởng niệm thảm họa.

Ngày 11/9/2001, hai chiếc máy bay bị khủng bố khống chế đã đâm thẳng vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới tại New York, Mỹ khiến 2753 người thiệt mạng. Cho đến nay, vẫn còn 1113 nạn nhân chưa xác định được danh tính. Trong khi đó, gia đình của các nạn nhân gần như vô vọng không thể tìm lại được thi thể con em mình.
 
Sally Regenhard, có con trai là Christian Regenhard – một lính cứu hỏa tập sự - đã thiệt mạng vào ngày định mệnh. Cho đến nay, bà Regenhard vẫn chưa nhận được hài cốt của con trai mình. Đó là “một nỗi đau không ngừng dày vò trái tim” của bà. Hiện thi thể của con trai bà Regenhard đang được đặt cùng với hơn 11 hài cốt khác bên trong Bảo tàng tưởng niệm được đặt ngay tại khu vực tòa tháp đôi tai nạn ngày xưa.
 
Hơn 1000 thi thể vẫn chưa xác minh được danh tính sau vụ đánh bom 11/9.

Hài cốt những người không xác định danh tính được đưa đến Bảo tàng tưởng niệm vào tháng 5/2014. Toàn bộ thi thể của 1113 người được đặt trong 7930 bao bì nhựa từ một phòng thí nghiệm pháp y đến thẳng Bảo tàng Tưởng niệm Quốc gia ngày 11/9. Phòng lưu trữ hài cốt được thiết kế dưới lòng đất.
 
Các gia đình có người thân thiệt mạng cho rằng nên xây dựng một tượng đài trên mặt đất thì sẽ tốt hơn. “Căn phòng đó không có không khí, không trong sáng, không được nguyện cầu hàng tuần như một đài tưởng niệm trên mặt đất” – bà Regenhard chia sẻ.
 
Hài cốt của các nạn nhân đã được chuyển xuống hầm tưởng niệm ngay tại nơi xảy ra vụ khủng bố.
 
Chồng của Monica, Michael Patric Iken, tử vong khi đang làm việc tại tầng 84 tòa tháp đôi đúng ngày xảy ra tai nạn. Thi thể của ông cũng không được xác định. Hàng năm, Monica đều đến Bảo tàng viếng chồng.
 
Tôi không còn nơi nào để đi cả. Vào cái ngày định mệnh đó, Michael đến bên tôi, hôn tôi và chào tạm biệt trước khi đi làm. Tôi quá buồn ngủ và không nhận ra được tình cảm đó của anh” – Monica nhớ lại. Sau đó, Michael gọi điện cho Monica để thông báo về sự cố, trấn an vợ, nói với vợ rằng anh vẫn an toàn. Nhưng đó cũng là những lời cuối cùng của người chồng đáng thương.
 
Thân nhân các nạn nhân không đồng ý với hầm tưởng niệm.
 
Ông Russel Mercer, người có con trai là lính cứu hỏa thiệt mạng trong vụ khủng bố, đã lập một hòn đá tưởng niệm tại Queens, quê hương của ông. Tuy nhiên, điều đó không giúp ông cảm thấy thanh thản hơn. Ông Mercer cần một điều gì đó gần gũi hơn, thiết thực hơn.
 
Thực tế thì ngay sau khi có thông tin không thể nhận diện được 1113 nạn nhân, đã có hàng nghìn người mang theo tất cả giấy tờ có thể chứng minh thân nhân của người bị nạn đến báo tin với cảnh sát. Đó là có thể là ảnh chụp, là dấu vân tay, hồ sơ nha khoa… tuy nhiên, tất cả đều vô vọng.
 
Nhiều gia đình nói rằng, bên cạnh việc tìm lại thi thể, họ cũng mong muốn có thể nhận lại ít nhất là những vật dụng cá nhân của người đã mất sau 15 năm.
 
Nhiều gia đình cung cấp thông tin để nhận lại vật phẩm của người thân.
 
Có khoảng 3500 vật phẩm vô chủ được tìm thấy tại hiện trường vụ khủng bố. Tuy nhiên, các quan chức thành phố New York đã không trao trả lại cho các gia đình người bị nạn. Chính điều đó khiến thân nhân các nạn nhân càng thêm bức xúc và đau khổ.
 
Thay vì lưu giữ rồi lãng quên, cơ quan an ninh nên tìm cách để xác định gia đình thân nhân gặp nạn để trả lại tài sản cho họ” – Debby Jenkins, người có anh trai thiệt mạng trong vụ khủng bố nói.
 
Tất nhiên, với số lượng vật phẩm lớn, cảnh sát New York lo lắng có thể bị trao trả nhầm lẫn gây nên những sự cố đáng tiếc. Đó là lý do cảnh sát New York từng mở chương trình trả lại vật phẩm nhưng sau đó phải đóng cửa gấp.
 
Còn thân nhân các nạn nhân, cho đến lúc này, sau từng ấy năm mòn mỏi, họ vẫn không thể tìm lại được bất kỳ thứ gì về người đã khuất. Thi thể không, đồ đạc cũng không.
 
Nguồn: Dailymail
Chia sẻ