139 xã ngoại thành Hà Nội: Bao giờ có nước sạch?
Theo thống kê, hiện còn 139 xã khu vực nông thôn, ngoại thành Hà Nội chưa có nước sạch sinh hoạt. UBND TP. Hà Nội đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng mạng lưới cấp nước, dự kiến 100% người dân sẽ có nước sạch sử dụng vào năm 2025.
Cử tri lên tiếng
Người dân xã ven đô Hạ Bằng (huyện Thạch Thất) vẫn chưa có nước sạch sử dụng. Để có nước sinh hoạt, các hộ gia đình phải sử dụng nước giếng khoan. Tuy nhiên, nước giếng khoan thường có váng màu vàng, mùi tanh nên người dân phải xây bể lọc, bể lắng. Ô nhiễm môi trường, bê tông hóa đường làng ngõ xóm và giao thông nội đồng, tình trạng san lấp ao hồ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm. Ngoài Hạ Bằng, ở Thạch Thất còn 10 xã chưa có nước sạch sinh hoạt để sử dụng, bao gồm Lại Thượng, Phú Kim, Yên Bình, Yên Trung, Tiến Xuân, Thạch Hòa, Hạ Bằng, Tân Xã, Đồng Trúc, Bình Yên.
Tương tự, huyện Thanh Oai có 10/21 xã chưa có nước sạch sinh hoạt khiến người dân rất bức xúc. Tại buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 6 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, được tổ chức ngày 29/6, bà Ngô Thị Nga (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) cho biết, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ huyện đề ra là đến năm 2025, 100% hộ dân được cấp nước sạch. Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn huyện còn 10 xã chưa có hệ thống cung cấp nước sạch. Cử tri kiến nghị thành phố đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch trên địa bàn huyện để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay tổng nguồn cung nước sạch tập trung cung cấp cho thành phố đạt khoảng 1.530.000 m3/ngày đêm. Tổng công suất các nguồn cấp hiện nay cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% dân số khu vực nội thị và mở rộng cấp nước cho khu vực nông thôn. Thống kê cho thấy, 274/413 xã đã được tiếp cận nước sạch từ nguồn đầu tư xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung của thành phố. Trong đó, 100% các xã thuộc huyện Gia Lâm, Phú Xuyên, Mê Linh, Hoài Đức, Thanh Trì và thị xã Sơn Tây đã được cấp nước sạch.
UBND TP. Hà Nội cho biết, 139 xã chưa hoàn thành cấp nước sạch, vẫn đang tiếp tục được đầu tư hoặc nghiên cứu đầu tư. Cụ thể, huyện Đông Anh còn 2 xã, huyện Sóc Sơn (14 xã), huyện Thạch Thất (11 xã), huyện Đan Phượng (8 xã), huyện Quốc Oai (2 xã), huyện Phúc Thọ (9 xã), huyện Thanh Oai (10 xã), huyện Chương Mỹ (15 xã), huyện Ứng Hòa (22 xã), huyện Mỹ Đức (21 xã), huyện Thường Tín (21 xã) và huyện Ba Vì (4 xã).
Mục tiêu năm 2025
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chậm cấp nước đến các địa phương ở khu vực nông thôn. Trong đó, có thể kể đến như quy hoạch mạng lưới cấp nước sạch còn một số bất cập; năng lực nhà đầu tư; giá bán nước sạch chưa phù hợp nên nhà đầu tư không mặn mà và sự phối hợp của các đơn vị liên quan còn chậm.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 6 để báo cáo kết quả kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV ngày 29/6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói rằng, rất nhiều nơi người dân thiếu cả nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt. Một trong những nguyên nhân là thiếu nguồn cung cấp và thành phố đang tìm các giải pháp tháo gỡ.
Để đảm bảo cấp nước sạch cho toàn bộ người dân, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 311 ngày 28/12/2021. Trên cơ sở đó, đã thống nhất phân vùng cấp nước cho các đơn vị thực hiện tại Văn bản số 3473/UBND-ĐT ngày 18/10/2022. Trong đó, việc mở rộng mạng lưới cấp nước cho 133 xã sẽ do 8 đơn vị đang cấp nước trên địa bàn thành phố thực hiện 10 dự án mở rộng mạng lưới cấp nước sạch cho các khu vực còn lại trong giai đoạn 2022-2025; UBND huyện Ba Vì sẽ triển khai 1 dự án do không thể tiếp cận được hệ thống cấp nước sạch tập trung. Ngoài ra, UBND đã chỉ đạo Sở Xây dựng Hà Nội yêu cầu các đơn vị cung cấp nước sạch đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đảm bảo đến năm 2025 phải hoàn thành mạng lưới cung cấp nước sạch cho người dân. Đặc biệt, mới đây Thành ủy Hà Nội điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư công, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, trong đó có các dự án cấp nước sạch, ông Quyền thông tin.
UBND TP. Hà Nội cho biết, với tiến độ hiện nay, với các huyện Ba Vì, Đan Phượng, Thường Tín, dự kiến mạng lưới cung cấp nước sạch sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2024-2025. Các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Quốc Oai dự kiến đến hết năm 2025 hoàn thành cấp nước sạch. Huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025... Đối với 3 xã của huyện Đông Anh và 11 xã phía Đông Quốc lộ 3 của huyện Sóc Sơn, Công ty Cổ phần Nước sạch số 2 Hà Nội đề xuất đầu tư mở rộng các khu vực. Dự kiến, 3 xã của huyện Đông Anh sẽ hoàn thành mạng lưới cấp nước vào cuối năm 2023; 11 xã của huyện Sóc Sơn sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2023-2025. Với 7 xã còn lại của huyện Sóc Sơn (gồm Tân Dân, Thanh Xuân, Phú Cường, Minh Phú, Minh Trí, Quang Tiến, Hiền Ninh), UBND TP. Hà Nội đang giao Sở Xây dựng lựa chọn đơn vị cấp nước.
Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan báo cáo toàn diện nước sạch từ mạng lưới, quy hoạch, nguồn cung cấp, giá cả để đánh giá và có phương án kịp thời. Ngoài ra, thành phố cũng có thể mua nước sạch từ các tỉnh lân cận để đấu nối, cung cấp cho người dân. Đồng thời, ưu tiên đầu tư các dự án nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân, trong đó có vấn đề nước sạch.