13 ngân hàng trả lãi suất tiết kiệm từ 6%/năm trở lên: 'Sóng' tăng lãi suất trở lại
Theo thống kê tính đến thời điểm hiện, 13 ngân hàng thương mại đang áp dụng lãi suất huy động từ 6%/năm trở lên.
Nằm trong danh sách các ngân hàng áp dụng lãi suất tiết kiệm từ 6%/năm, ABBank đang trả lãi lãi suất 6,3%/năm cho khoản tiền gửi trực tuyến kỳ hạn 24 tháng và 6,2%/năm cho kỳ hạn 15-18 tháng.
Ngân hàng IVB cũng trả lãi tiết kiệm 6,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng, áp dụng cho hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến và 6,1%/năm cho kỳ hạn 18 tháng.
SHB áp dụng lãi suất huy động trực tuyến 6,1%/năm cho tiền gửi kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.
Saigonbank cũng áp dụng mức lãi suất này với cho kỳ hạn 36 tháng. Ngân hàng Saigonbank trả mức lãi suất 6%/năm cho kỳ hạn từ 13-24 tháng.
Oceanbank vẫn giữ lãi suất tiết kiệm 6,1%/năm cho kỳ hạn 18-36 tháng.
Tương tự, đây là mức lãi suất mà DongA Bank áp dụng cho kỳ hạn tương tự. Ngoài ra, nhà băng này đang niêm yết lãi suất 6%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 13 tháng. Đối với khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, Dong A Bank trả lãi đến 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng.
GPBank mới đây cũng đưa lãi suất huy động lên đến 6,05%/năm cho tiền gửi trực tuyến các kỳ hạn từ 13-36 tháng, qua đó trở thành ngân hàng duy trì lãi suất tốt nhất cho tiền gửi dưới 18 tháng.
Trong khi đó, Viet A Bank mới đây cũng đã đưa lãi suất kỳ hạn 36 tháng chạm ngưỡng 6%/năm.
Ngân hàng BVBank trả mức lãi 6%/năm khách hàng gửi tiền online, lĩnh lãi cuối kỳ, áp dụng cho kỳ hạn 18-24 tháng.
Tại kỳ hạn 18-36 tháng, Bac A Bank niêm yết lãi suất 6,35%/năm với số dư tiền gửi trên 1 tỷ đồng và lãi suất 6,15%/năm với số tiền gửi dưới 1 tỷ đồng.
Ngân hàng Nam A Bank áp dụng lãi suất 6%/năm cho khách hàng gửi tiết kiệm từ 500 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 24 tháng và 6,2%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng HDBank trả lãi tiết kiệm 6,1%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi online ở kỳ hạn 18 tháng và 6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng. Đối với khách hàng gửi tại quầy, lãi suất tiết kiệm tại kỳ hạn 18 tháng là 6%/năm. HDBank vẫn giữ nguyên mức lãi suất đặc biệt tại quầy với 7,7%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, và 8,1%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Điều kiện để khách hàng nhận được lãi suất đặc biệt là có số dư tiền gửi tối thiểu từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
Ngân hàng số Cake by VPBank cũng nằm trong danh sách các ngân hàng trả lãi tiết kiệm cao khi niêm yết lãi suất 6,1%/năm cho khách hàng gửi tiền từ 24 - 36 tháng.
Theo thống kê, có 13 ngân hàng tăng lãi suất huy động từ đầu tháng 11 gồm: BaoViet Bank, HDBank, GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank và VietBank.
Xu hướng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu xuất hiện và lan rộng kể từ nửa cuối tháng 4. Đà tăng của lãi suất kéo dài liên tục đến tháng 8. Nhiều ngân hàng còn ghi nhận diễn biến tăng lãi suất đến 2 - 3 lần trong một tháng. Đáng chú ý như trong tháng 6, có hơn 20 ngân hàng điều chỉnh lãi suất và hơn một nửa trong số đó tăng lãi suất 2 lần trong tháng.
Kể từ tháng 9, đà tăng đã có dấu hiệu giảm khi chỉ còn 12 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Tình trạng này kéo dài đến nửa đầu tháng 11. Tuy nhiên, 2 tuần gần đây, sóng tăng lãi suất tiết kiệm lại bắt đầu có xu hướng lan rộng.
Trong đó, một trong 4 ngân hàng Big 4 là Agribank có động thái tăng mạnh lãi suất tiết kiệm trong tháng 11 áp dụng cho cả hình thức gửi tiền ở quầy và online.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, lãi suất huy động vẫn sẽ duy trì ở mức cao so với hồi đầu năm và việc giảm lãi suất trong thời gian tới là khó khả thi. Lý giải điều này, ông Hiếu cho rằng: Huy động vốn theo thông lệ thường tăng mạnh vào cuối năm khi doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Điều này đòi hỏi các ngân hàng phải có lãi suất hấp dẫn để thu hút vốn, khiến lãi suất khó giảm thêm. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tăng cao buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và làm giảm khả năng giảm lãi suất.