1111 ngày vòng quanh thế giới bằng xe máy, 'phượt thủ' Trần Đặng Đăng Khoa: Càng đi càng thấy mình ‘hai lúa’, kiến thức hạn hẹp...
Ngày 1/6/2017, xuất phát từ cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, người Việt đầu tiên đi vòng quanh thế giới bằng xe máy - Trần Đặng Đăng Khoa vô cùng háo hức về chuyến đi đầy thử thách sắp tới của mình. Ngày 16/6/2020, sau 1111 ngày xa quê hương, anh đã đặt chân trở về nhà và mang theo những câu chuyện về một hành trình kỳ lạ và đầy cảm hứng.
3 năm xa nhà và đi qua tất cả các châu lục trên thế giới, gồm châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, Bắc Mỹ, Úc, Nam Cực và châu Phi. Hơn 1000 ngày đi qua các vùng đất là hơn 1000 câu chuyện khác nhau, hơn 1000 địa danh, con người, văn hóa nhiều không kể xiết ở khắp các nơi trên trái đất này.
Từng đặt kế hoạch sẽ về Việt Nam bằng đường bộ với lộ trình dự định là từ châu Phi về Ấn Độ - Myanmar - Thái Lan - Campuchia - cửa khẩu Mộc Bài, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia ở châu Phi đóng cửa biên giới, Đăng Khoa bị kẹt lại. Vì vậy, anh quyết định gửi xe máy theo đường biển từ Mozambique về Việt Nam, còn người sẽ ở lại chờ chuyến bay về nước.
May mắn thay, 2 ngày sau, đã có chuyến bay hồi hương cho công dân Việt Nam – thông báo từ Đại sứ quán Việt Nam ở Mozambique. Ngày 15/6, anh lên máy bay từ Nam Phi và 16/6, anh chính thức có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khoẻ cũng như phòng chống dịch Covid-19, Khoa được yêu cầu vào khu cách ly tại Trung đoàn 126, Hưng Yên.
Chúng tôi đã có một cuộc trò chuyện ngắn với Trần Đặng Đăng Khoa về những câu chuyện lần đầu được tiết lộ trong chuyến hành trình dài 1111 ngày vừa qua.
Chào mừng anh đã trở về Việt Nam sau một chuyến đi dài. Anh có nhớ cơm Việt Nam nhiều không?
Nhớ nhiều chứ! Bây giờ, ở trong khu cách ly, được các chú bộ đội nấu ăn cho, ngoài ra tôi còn được bạn bè, người quen ở ngoài tiếp tế thực phẩm. Nhiều lắm. Có cả mỳ gói nữa!
Mỳ gói ở Việt Nam là ngon nhất đó! Các nước khác dùng mỳ không chiên, tốt cho sức khoẻ nhưng vị nhạt, sợi nhão nên tôi ăn không quen. Nếu không tìm thấy mỳ Việt Nam, tôi sẽ mua mỳ Thái hoặc mỳ Hàn, giá đắt hơn một chút để tích trữ, lâu lâu mới ăn.
Vậy xem ra mỳ gói chính là đồ ăn dự trữ trong mỗi chuyến đi của anh rồi nhỉ?
Đúng vậy, thường là mỳ gói hoặc socola hay snack địa phương như bánh chuối, bánh gạo… Nhưng tôi ăn mỳ gói ít lắm, tôi ráng làm việc online, có thu nhập để có tiền ăn đồ ăn địa phương. Đụng đâu ăn đấy, tôi là người dễ ăn, bụng dạ cũng tốt. Tôi thường chọn những quán ‘local’ (địa phương - PV) chứ không đi các ‘fancy restaurant’ (nhà hàng nổi tiếng - PV), mắc tiền và mình cũng không thích tới. Tôi ăn vừa đủ, còn phần chừa lại bỏ vào cái hộp hay mang theo để dành tối ăn.
Quan trọng nhất là nước, luôn có ít nhất 1 lít bên người, vừa để phòng thân uống đỡ khát vừa để lỡ có va chạm xe thì rửa vết thương, rửa mặt cho mát…
Đặt chân tới nhiều miền đất, nơi nào mang tới cho anh nhiều cảm xúc nhất?
Nơi lạnh nhất tôi từng đến là Greenland -40 độ, ngủ trong một cái chòi nhỏ dựng trên mặt hồ đóng băng. Đợt đó, tôi đi cùng một chú người Inuit (hay còn gọi là người Eskimo) ở Greenland. Biết tôi không mang đủ đồ, chú cho tôi mượn đôi găng tay làm bằng da hải cẩu do bà vợ may, nguyên bộ đồ chống rét, đôi giày đi trên tuyết rất dày, mang nhiều lớp quần áo, lớp vớ thì cũng ổn thôi.
Xe của tôi rất bé, 97 phân khối, đồ đạc mang đi cũng cần tính toán trọng lượng: đồ y tế, sửa xe, thực phẩm dự trữ, phụ tùng, laptop, máy ảnh, lều bạt, đồ nấu ăn. Ngay cả mua bịch vớ 5 cặp tôi cũng bỏ lại 2. Trời nóng bỏ lại đồ đạc cho hoặc ‘donate’ (quyên góp - PV), trời lạnh mua thêm.
Ở Greenland, khi nhìn thấy máy sưởi, tôi hỏi xung quanh xem là cái gì thì mấy người đó cười quá trời vì mình đã bao giờ thấy đâu (cười). Có nhiều cái mình rất ‘hai lúa’, đi nhiều nơi mới thấy kiến thức con người hạn hẹp.
Rồi trải nghiệm cái nắng nóng đỉnh điểm ở bờ Tây Úc, trúng đợt tháng 11, 12 - cao điểm của mùa hè. Nếu đi một lúc rồi lại nghỉ, e rằng sẽ sớm bị kiệt sức nên tôi cứ ráng đi khoảng 50km nghỉ 1 lần. Đường cao tốc siêu vắng, mấy trăm kilomet không có cây. Con mắt mờ đi, mang 3 cái kính mắt mà vẫn bị chói, nắng quá gắt, gió như thổi lửa, vô cùng khó chịu. Nếu nhỡ may mà bị say nắng, ngã ra đó, bất tỉnh thì sẽ chết thôi, làm gì có ai đi qua đâu.
Rất nhiều người mơ được nhìn thấy cực quang một lần trong đời, vậy còn anh thì sao?
Nhiều người bạn của tôi mỗi năm đều dành 1, 2 tuần đến Bắc Âu như Phần Lan, Thụy Điển, Iceland… mà không năm nào thấy cực quang cả. Họ bỏ công việc 1, 2 tuần, book thêm khách sạn, bỏ/hủy chuyến bay chỉ vì muốn thấy cực quang 1 lần trong đời. Để thấy cực quang phải nhờ yếu tố may mắn rất nhiều, trời phải tối hẳn, và cực kì quang đãng. Theo kiến thức, đêm nào cũng có cực quang cả, nhiều hay ít, hay tuỳ ở vị trí nào mà thôi nhưng trời mùa hè bắc bán cầu sáng cả ngày nên phải đến vào mùa đông mới thấy được cực quang. Có nhiều người lại vô tình ngủ quên mất khi cực quang xuất hiện.
Thế mà, tới Iceland là tôi thấy cực quang liền. Khi ở Greenland, ngay đêm đầu đã thấy. Khi đến Thị trấn Illulisat, đêm đó cực quang rực rỡ luôn đến nỗi tôi nhìn chán rồi vào nhà; ngày thứ 2, thứ 3, cả tuần đều có, tôi lười đến nỗi không xem luôn, vào trong cho đỡ lạnh. Khi qua Na Uy, tôi cũng thấy. Tôi up ảnh lên, bạn bè ghen tị nói sao may mắn quá.
Ngoài chiếc Honda Wave, anh di chuyển bằng những phương tiện nào?
Có những đất nước nằm ở giữa đảo, họ không cho ship xe ra hoặc không có cầu, hay trong thời gian chờ ship xe thì tôi bay qua chơi. Tôi có đi xe lửa tới những thành phố nằm trên núi, không cho xe lên. Ở các thành phố bình thường, tôi đi metro, bus, honda ôm, taxi, xe 3 bánh. Ở Amazon, khi đến thành phố Iquitos bị cô lập thế giới, tôi thử đi xuồng máy len lỏi giữa dòng sông, chạy tốc độ cao trong đêm, không hề bật đèn, mất 12 tiếng từ 9h sáng tới 9h tối mới tới.
Tôi đi bộ cũng nhiều, cả hiking, trekking nữa. Tôi cũng đi thử một số phương tiện vừa phục vụ cho việc trải nghiệm và tham quan như đi trực thăng, máy bay, tôi được thử buồng lái lái máy bay luôn đấy, đi tàu ngầm, đi xe đạp, vừa để biết cách người nước ngoài làm du lịch, lộ trình, tính toán… ra sao. Gần như đến nơi nào, có phương tiện gì là tôi đi thử hết. Trải nghiệm nhiều phương tiện giao thông, thêm cách nhìn một đất nước, một thành phố bằng những lăng kính khác, từ đó cũng biết được văn hóa, cuộc sống ở đó nhiều hơn.
Những lúc phải tạm "rời xa" chiếc xe của mình, có khi nào anh sợ bị mất xe không?
Ở các nước châu Âu, Bắc Mỹ chôm xe cũng nhiều nhưng cũng không đáng sợ như ở Việt Nam (cười). Một phần xe của tôi biển số nước ngoài, có lấy cũng khó tiêu thụ. Và chiếc xe này cũ kĩ, lại yếu nữa. Những khi chạy xe lên cao, địa hình núi đồi, tôi sợ không khí loãng, không đủ lượng hơi vào xe, có xăng đó nhưng phải có khí để đốt cháy động cơ thì xe mới chạy được; chứ càng lên cao xe đã yếu lại càng yếu hơn.
Tôi cũng kĩ, đồng ý trả thêm tiền để xin đẩy xe vào phòng trọ cho an toàn. Còn nếu để xe ở ngoài, tôi mang theo nhiều ổ khóa lắm, tôi khóa cổ, khóa thêm bánh trước bánh sau rồi cột vào cây nào đấy…
Ngày 16/6, khi trở về Việt Nam, Trần Đặng Đăng Khoa đã đăng tải một bài viết chia sẻ cảm xúc của mình sau một chuyến đi dài xa quê hương. Chuyến đi càng đặc biệt hơn khi anh giữ được lời hứa "3 không" đối với bản thân mình:
"Thôi thì xem như một giấc mơ lớn trong đời đã hoàn thành sau bao năm và bao công sức chuẩn bị, rồi 3 năm vừa rồi tưởng lâu nhưng lại vội qua nhanh chóng ngỡ ngàng, hệt như một giấc mơ vội. Giờ mình ngồi trong khu cách ly thẫn thờ như người mất hồn, (tối nay chắc sẽ khóc một trận thật to cho bõ bèn nỗi nhớ quê và cho chuyến đi này, hehe). Mình thật sự không tin là nó đã kết thúc, và kết thúc một cách quá bất ngờ như vậy, giờ này tuần rồi mình còn nằm ở Mozambique ngẫm nghĩ không biết khi nào mới được về mà, vậy mà giờ đã ở đây rồi. Mà thôi, cuộc vui nào rồi cũng tàn, không có gì là mãi mãi, vũ trụ vĩnh hằng kia còn có ngày phải kết thúc kia mà, huống hồ trong cuộc đời ngắn ngủi của con người như vầy, nên một lần dám bước đi không ngại ngần như quãng thời gian ấy thì sau này lúc gần đất xa trời cũng không còn gì hối tiếc.
Cái hài lòng nhất là đến ngày về vẫn giữ được "3 không", mà mình hứa với lòng nếu bị 1 trong 3 cái là đến lúc dừng cuộc chơi:
1. Không bị bất kì tai nạn, va đụng, ngã xe lớn nhỏ nào.
2. Không bị bất kì bệnh gì, kể cả sổ mũi, ho han, ốm đau, bệnh truyền nhiễm gì. Sức khỏe và sức đề kháng tốt thật chớ. Mình cũng không bị chấn thương nào cả (chỉ có lần đạp trúng mấy con nhím biển ở Mauritius sưng hết hai lòng bàn chân rồi tối mua thuốc kháng sinh uống với hơ kim tự nảy mấy cái kim ra, đau chết luôn.)
3. Không bị bất kì giấy phạt chạy xe sai quy định hay bất kì giấy phạt linh tinh nào khi đi lại, đi tham quan, giấy tờ visa hộ chiếu các kiểu luôn đầy đủ đúng hạn, thanh niên nghiêm túc nhứt quả đất mà."
Nhìn lại cả chuyến đi dài, anh thấy điều may mắn nhất là gì?
Mỗi khi bị hư xe, đều có những người tới giúp đỡ mình. Có những lúc băng qua sa mạc hay vùng nguy hiểm, tôi chỉ ước xe có thể hư lúc khác chứ đừng là lúc này. Lâu lâu cũng có chuyện, chẳng hạn như hết xăng, tuy mình đã tính toán mang xăng dự trữ nhưng chỉ tính toán được một phần nào đó thôi. Hết 2 bình dự trữ, cây xăng gần đó đóng cửa, đến cây kế tiếp cũng đóng nốt, thế mà vừa dừng lại có một ông đi ô tô giữa sa mạc chia xăng cho. Tôi cũng là người hay giúp đỡ, nếu ai hư xe thì mình cũng dừng lại giúp vì mình có đồ nghề sửa xe. Duyên số cả.
Nhưng có khi nào, anh gặp phải những người không tốt chưa?
Thượng vàng hạ cám, tôi gặp đủ cả. Có những người cùng chỗ trọ, mình cho mượn đồ mà sáng hôm sau lấy đi luôn. Tôi cũng chẳng để bụng làm gì. À, người Việt mình ở nước ngoài rất dễ thương nhé. Tôi gặp người này cho ở ké ăn chực rồi lại giới thiệu tôi sang thành phố khác, lại tìm host khác cho để tôi ăn chực tiếp. Nên tới giờ tôi có cái tên là "Thánh ăn chực" đó (cười).
Trước chuyến đi này, anh có thể tiết lộ một chút về công việc chính của phượt thủ vòng quanh thế giới Trần Đặng Đăng Khoa không?
Tôi là một nhân viên văn phòng bình thường ở Sài Gòn, sáng xách cặp đi, chiều lại xách cặp về. Lĩnh vực tôi làm liên quan đến máy móc công nghiệp, tôi cũng phải đi công tác nhiều. Cuối tuần, tôi hay lấy xe chạy vòng vòng, hoặc đi hiking, chứ mãi cứ ở trong một thành phố ồn ào đông đúc, tôi sẽ bị trùng xuống. Chính vì thói quen đó nên tôi không ngại chuyện lái xe máy đi xa.
Có những tối thứ 6, tôi ôm đồ chạy lên Đà Lạt chơi, ngủ một xíu, rạng sáng tới, đi cafe, sau đó đi leo núi, tối đi uống sữa đậu nành, nghe nhạc Ngô Thụy Miên, đến chủ nhật về. Tuần sau đi bảo dưỡng xe, cho xe nghỉ, rồi tuần sau nữa lại chạy xe đi Phan Thiết tiếp. Còn với chuyến đi vòng quanh thế giới này, tôi đã ấp ủ cách đó 1 năm. Nếu không chịu đi thì ý chí cũng như một số kĩ năng sẽ bị mai một mất.
Anh có "dự định" gì với riêng chiếc xe máy đã bên cạnh mình 1111 ngày chưa?
Tôi định làm 1 tour xuyên Việt bằng chiếc xe Honda Wave và coi như là chuyến đi cuối của chiếc xe này trên quê hương Việt Nam. Tôi muốn đi từ Nam ra Bắc, ghé thăm những người bạn, cũng như gặp gỡ, giao lưu với người hâm mộ. Nhiều người cứ nhắn tin nói muốn gặp tôi suốt thôi (cười).
Và có thể sau đó, tôi cho ai đó mượn chiếc xe máy này để trưng bày chơi hoặc tôi cất ở nhà thôi. Tôi thấy chuyến đi của mình có gì ghê gớm đâu, cũng chỉ là một chuyến đi bình thường, đi từ nước này sang nước kia, dĩ nhiên người đầu tiên làm thế thì mang điều khác biệt. Ban đầu, tôi chỉ nghĩ đi cho vui, đi vì ước mơ của chính mình và trước khi đi, phải chuẩn bị tài chính, vậy thôi.
Vậy còn dự định cá nhân sau chuyến đi này, anh đã chuẩn bị được những gì rồi?
Ngay từ đầu, tôi đã xác định trước chuyến đi 2 tuần và sau chuyến đi 2 tuần, mình sẽ rất bận rộn. Tôi đã lo đến chuyện có xe đi làm ngay, mua căn hộ chung cư ở Sài Gòn để tiện cho công việc, coi như là "tái hòa nhập cộng đồng". Hy vọng 3 tháng sau mọi việc sẽ giãn ra để có thời gian nghỉ ngơi. Thực lòng, ở Việt Nam, tôi còn nhiều nơi chưa đi lắm, tôi rất hi vọng một ngày nào đó được đến Trường Sa, hay Tây Nguyên, hoặc một số hang động ở Quảng Bình...
Tới cuối năm, hy vọng cuốn sách của bản thân sẽ được hoàn thiện và ra mắt độc giả. Trong 6 tháng tới, tôi cũng ấp ủ khởi nghiệp một số lĩnh vực với những người bạn của mình. Kết thúc chuyến hành trình này là bước sang một chuyến hành trình khác, tôi muốn kết hôn sớm bởi đó chính là chuyến phiêu lưu mới của cuộc đời, nó không mang hình thái của những chuyến phiêu lưu cũ nữa. Chẳng dễ như lấy xe rồi đi khắp thế giới, lấy vợ sinh con là một thử thách cam go khác.
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện!