10h30 tối ở Đại học Thanh Hoa, cuộc sống thật của các học bá hàng đầu bị "bóc trần"
Ở nơi mà chúng ta không nhìn thấy, các "học bá" thực sự đã cố gắng rất nhiều.
Cuộc sống của những “học bá” hàng đầu thực ra không hề dễ dàng như chúng ta tưởng tượng. Nếu muốn trở thành người giỏi nhất giữa một tập thể giỏi, điều đó có nghĩa là bạn phải nỗ lực gấp bội người khác.
Nhiều bạn trẻ - những người đã đỗ vào các trường đại học top đầu thường khá rụt rè và khiêm tốn trước ống kính. Khi được hỏi làm thế nào để vào được trường đó, họ sẽ chỉ cười và nói rằng bí quyết của họ là học tập chăm chỉ, ôn luyện đầy đủ.
Thế nhưng chúng ta đều biết, các “học bá” ấy chưa chắc đã nói thật, bởi ở nơi mà chúng ta không nhìn thấy, họ thực sự đã cố gắng rất nhiều.
Mới đây, netizen Trung Quốc đã truyền tay nhau một đoạn video ghi lại khung cảnh bên trong Đại học Thanh Hoa - một trong hai ngôi trường mệnh danh là tốt nhất Trung Quốc, bên cạnh Đại học Bắc Kinh lúc 10h30 tối. Thời điểm này ở các trường khác, khuôn viên hẳn đã vắng tanh khi sinh viên đã ra về hết từ lâu, sinh viên nội trú thì cũng đã yên vị ở trên giường ký túc xá, chuẩn bị nghỉ ngơi. Thế nhưng vào 10h30 tối ở khuôn viên Thanh Hoa khi ấy, không khí dường như vẫn vô cùng “náo nhiệt”.
Hình ảnh trong đoạn clip cho thấy cảnh tượng hàng loạt nam thanh nữ tú đang đạp xe hướng về một địa điểm nào đó. Họ đang đi đâu vào lúc khuya như vậy? Câu trả lời là thư viện và các phòng tự học.
Hóa ra 10h30 tối ở Đại học Thanh Hoa cũng chỉ là một mốc thời gian hết sức bình thường. Các “học bá” tại đây sẽ chẳng vì trời đã vào đêm mà từ bỏ kế hoạch học tập. Dù muộn thế nào, dù ngoài trời lạnh đến đâu, họ vẫn sẽ đeo cặp, ôm đồm sách vở và đi học. Các lớp học sáng sủa, sạch sẽ, gần như không có tiếng động nào được phát ra, thế nhưng nếu bạn đến gần và ngó vào, bạn đều có thể nhìn thấy những nhóm sinh viên đang im lặng ngồi học bài.
Có cậu sinh viên vừa bước xuống cầu thang vừa hí hoáy ghi chép gì đó vào vở. Có tốp nữ sinh không ai quen ai nhưng vẫn thoải mái ngồi xuống đối diện nhau và bắt đầu việc học của mình. Không ai lười biếng, không ai để thời gian trôi qua trong vô ích.
Họ chưa chắc đã là những người chỉ biết học đến chết nhưng họ chắc chắn là những người luôn ưu tiên việc học lên hàng đầu. Và đây chính là sự khác biệt giữa “học bá” và người bình thường. Sự tự giác và khả năng tự nhận thức của sinh viên nơi đây khiến netizen không thể không khâm phục. Bên cạnh đó, mọi người cũng cho rằng Đại học Thanh Hoa đã mang đến cho sinh viên một môi trường học tập hoàn hảo, để những ai yêu thích học tập có thể thỏa thuê theo đuổi đam mê của mình mà không gặp bất kì trở ngại nào.
Đương nhiên, nói đi cũng phải nói lại, không phải ai cũng phù hợp với hình thức học khuya này. Bạn không nhất thiết phải bắt chước cách làm việc và nghỉ ngơi của các “học bá”, bởi mỗi người đều có một thói quen sinh hoạt khác nhau. Điều quan trọng là bạn không được buông thả quá mức và biết cân bằng thời gian giữa học tập và vui chơi.
Bạn cũng có thể bắt chước nguyên tắc 10h30 của sinh viên Thanh Hoa nhưng đừng bắt chước một cách khiên cưỡng. Thay vào đó, bạn cần tự đánh giá bản thân dựa trên những khía cạnh dưới đây để xem mình có phù hợp với hình thức học bài khuya như vậy hay không.
Những người phù hợp với chế độ học khuya cần đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Đánh giá thể lực và chất lượng giấc ngủ của bản thân
Theo một số nghiên cứu, nhiều sinh viên top đầu của các trường đại học thuộc IVY League có cơ địa “ngủ ít” bẩm sinh. Mỗi ngày họ chỉ ngủ 3-4 tiếng nhưng 3-4 tiếng đó lại là giấc ngủ chất lượng cao, có thể dùng làm nguồn năng lượng để hỗ trợ các hoạt động trí óc suốt cả ngày dài. Vì vậy, thoạt nhìn như họ học tập mọi lúc.
Không phải ai cũng có thể học khuya, nhất là đối với những sinh viên thể chất kém, chất lượng giấc ngủ không tốt.
- Đánh giá xem có cần thiết phải chuyển thời gian học sang buổi tối hay không
Trên thực tế, sinh viên đại học bình thường thực sự có thể hoàn thành nhiệm vụ học tập của mình miễn là họ tận dụng tốt thời gian trong ngày và không cần phải tốn thêm thời gian vào đêm khuya. Sinh viên những trường top đầu sở hữu môi trường đặc biệt hơn, áp lực học tập lớn hơn, cần học tập chuyên sâu hơn, đó là lý do đôi khi họ buộc phải bổ sung thêm các khoảng thời gian khác trong ngày vào kế hoạch học tập của mình.