1001 chuyện kiêng kị đầu năm mới

Lan Anh,
Chia sẻ

Các cụ vẫn nói: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành” cũng vì cái lẽ ấy mà hầu hết mọi người đều làm theo những tục lệ kiêng kị, nhất là những điều cần kiêng trong ngày đầu năm để năm ấy được thuận buồm xuôi gió...

Cái Tết bắt đầu cho một năm mới nên những điều kiêng kị đều là những điều cần phải tránh phạm phải trong những

ngày Tết.

Từ trong sâu thẳm người ta tin rằng Tết đến sẽ mang theo những may mắn, tài lộc cho mọi nhà. Nhà nào được nhều tài lộc dịp Tết sẽ được may mắn trong cả năm. Nhà nào gặp điều xúi quẩy, không kiêng kị được trong mấy ngày Tết thì cả năm sẽ bị vận hạn đeo đẳng. Cũng bởi vậy mà việc kiêng kị trong những ngày Tết được hầu hết các gia đình Việt Nam đặt lên hàng đầu.

Kiêng quét nhà:

Theo các cụ, những ngày cuối năm cần phải dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ bởi từ giao thừa sẽ phải kiêng quét nhà, đổ rác cho đến hết ngày mùng 1 Tết. Nếu có quét nhà thì cũng chỉ nên quét gọn rác vào một góc nhà kẻo quét đi hết mọi tài lộc. Theo tục kiêng quét nhà, nhà nào quét nhà vào ngày mùng 1 cả năm sẽ nghèo khó, khánh kiệt. Sau khi quét nhà cần cất hết chổi đi bởi nếu nhà nào mất chổi, nhà ấy năm đó sẽ bị trộm quét sạch của cải.

Xông nhà:

Xông nhà là một tục lệ ngày Tết rất được chú trọng bởi điều này liên quan đến vận hạn cả năm của gia chủ. Người xông nhà cho gia chủ phải là một người có tuổi không xung với năm đó và hợp với gia chủ. Bởi vậy phần lớn các gia đình đều “nhắm” trước một người thân hữu có đủ mọi điều kiện và mời đến xông nhà để cả năm được thuận lợi, may mắn.

Cách ứng xử:

Ngày Tết khởi đầu cho một năm nên cần hướng đến những điều tốt đẹp. Con người phải thật tươi tắn, vui vẻ, ứng xử hòa nhã, tránh cãi vã, xung đột, tránh làm đổ vỡ chai lọ kẻo bị mất dông... vì theo các cụ những điều không hay đầu năm sẽ ảnh hưởng đến vận hạn của cả năm ấy. Tránh nói năng bừa bãi, nói những lời xui xẻo như: chết rồi, thôi rồi, toi rồi...

Tranh Tết:

Người ta cho rằng, ngày Tết treo các bức tranh tứ quí, vinh hoa phú quí, tranh hoa quả, những bức tranh Đông hồ biểu tượng cho sự sum vầy, đầy đủ sẽ khiến cho cả năm ấy của gia chủ luôn được sung túc. Ngày Tết cần được trang hoàng bởi những gam màu sắc rực rỡ của hoa, đèn điện. 

Kiêng cho lửa, nước:

Những người nào vào đầu năm có vô tình đi xin lửa hoặc nước phần lớn sẽ bị gia chủ tỏ ý không hài lòng bởi theo quan niệm xưa của các cụ: lửa biểu tượng cho sự may mắn, tài lộc, cho lửa nghĩa là cho đi sự may mắn cả năm. Nước biểu tượng cho của cải (của cải như nước) nên nhà ai cũng chứa nước đầy bể, đầy thùng.

Kiêng vay mượn, trả nợ đầu năm

Những việc vay mượn, trả nợ cần phải giải quyết dứt điểm trong năm cũ. Không chỉ kiêng vay mượn, trả nợ trong dịp đầu năm, người ta còn rất kị điều này vào những ngày rằm và mùng 1.

Kiêng ăn một số loại thực phẩm

Đầu năm, kể cả đầu tháng đều phải kiêng ăn thịt chó, thịt vịt, cá mè... kẻo cả năm, cả tháng xúi quẩy.

Kiêng xuất hành vào ngày mùng 5

Ca dao có câu "Mồng năm, mười bốn, hăm ba. Đi chơi cũng thiệt nữa là đi buôn.", bởi theo các cụ đó là những ngày có sao xấu, không thích hợp cho việc xuất hành, trong đó ngày mùng 5 Tết là ngày Nguyệt kỵ.

Kị mai táng

Tết là ngày vui nên rất kỵ mai táng. Những người mà trong gia đình có tang trong năm không được đi chúc Tết. Nếu gia đình nào có người chết vào ngày 30 tháng chạp thì nên chôn cất cho kịp trong ngày đó nếu không phải chờ sang đến ngày mùng 1. Nếu chết vào đúng ngày mùng 1 thì phải chờ đến sáng mùng 2 mới làm lễ phát tang.
 
Những phong tục kiêng kị ngày Tết tạo nên màu sắc đa dạng cho ngày Tết của cả dân tộc. Những điều kiêng kị khiến cho đời sống tinh thần của người Việt được phong phú hơn. Nhưng cũng đừng nên kiêng kị quá hóa mê tín mà làm mất vui trong những ngày Tết
 
 
 L.A (TH)
Chia sẻ