"1.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài thì rất nhiều người làm thuê..." - bài phát biểu của thầy Hiệu trưởng ở Hà Nội gây xúc động
Bài phát biểu đã truyền cảm hứng cho những giáo viên tương lai.
GS.TS Nguyễn Văn Minh là Hiệu trưởng của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trong suốt nhiều năm gắn bó với giáo dục, thầy được đồng nghiệp, học trò vô cùng yêu mến, kính trọng vì sự tâm huyết với nghề. Bên cạnh đó, thầy Minh cũng có nhiều bài phát biểu lay động, truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ.
Mới đây, một đoạn phát biểu của thầy Minh gửi đến những sinh viên sư phạm trong buổi trao bằng tốt nghiệp bất ngờ được chia sẻ lại trên mạng xã hội, chỉ trong thời gian ngắn đã nhận được cơn mưa "thả tim" và bình luận ngợi khen. Trong đoạn video, thầy Minh nhắn nhủ đến những giáo viên tương lai hãy đổi mới cách giáo dục, đồng thời luôn giữ vững cái tâm với nghề, cố gắng đem lại những giá trị tốt đẹp để thay đổi xã hội.
Dưới đây là phát biểu của thầy:
"100 người nước ngoài đến Việt Nam thì hầu hết làm chủ, còn 1.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài thì rất nhiều người làm thuê và các công việc giản đơn"
Có khi nào các bạn đặt ra câu hỏi cho chính mình, rằng: "100 người nước ngoài đến Việt Nam thì hầu hết làm chủ, còn 1.000 người Việt Nam đi ra nước ngoài thì rất nhiều người làm thuê và các công việc giản đơn".
Không biết các bạn cảm nhận thế nào, đành rằng trong lúc nghèo thì phải chịu, nhưng chẳng lẽ cứ thế này mãi sao? Có bao giờ các bạn để ý đến một đất nước khô cằn như Isarel, đất nước không mấy được thiên nhiên ưu đãi như Nhật Bản và Hàn Quốc mà họ phát triển nhanh đến thế và rồi các bạn có nhìn nhận núi rừng của ta bao la, vùng đất rộng lớn, cùng với cao nguyên bất tận, bao quanh là biển cả, tại sao chúng ta không đặt ra câu hỏi thật đúng mức, thật trách nhiệm, thật nặng lòng với quê hương đất nước.
Rằng: Giáo dục để một người lớn lên từ đây, làm chủ từ đây, dám thay đổi từ đây mà phát triển từ đây. Những phương thức canh tác xưa nay, những tư duy thủ công trong sản xuất, những cách thức làm việc quan liêu và cả cách dạy, cách học theo lối thầy đọc trò chép thời đại ngày nay đòi hỏi phải thay đổi.
Chỉ có thế mới mong tiến bộ được. Rất nhiều vấn đề đặt ra, quê hương đang kỳ vọng vào các bạn. Bà con đang kỳ vọng vào các bạn, xã hội đang kỳ vọng vào các bạn. Đừng để lòng tin ấy, tình cảm ấy, khát vọng bị phản.
Hầu hết các bạn sẽ là nhà giáo, và khi đó sẽ đón nhận tác động đa chiều, trong đó không ít những viễn vọng, tâm tư, lo toan sẽ níu kéo bước chân của các bạn. Không ít nỗi lo về miếng cơm manh áo cho chính mình và con cái các bạn.
Tôi cảm thấy xấu hổ khi khuyên các bạn bằng những lời sáo rỗng, rằng "hãy cố gắng lên, khắc phục đi, vượt qua đi". Các bạn đã chọn nghề giáo, hãy dành tình yêu cao quý nhất cho nghề mình và chỉ các bạn mới tự sắp xếp được công việc ưu tiên của mình và làm việc gì nhiều hơn.
Ai cũng mong muốn giàu có chính đáng, ít ra cũng lo toan, trang trải cuộc sống để dành hết tâm trí cho công việc nhưng chúng ta cũng vẫn có không ít khó khăn. Tôi hy vọng rằng trong khuôn khổ của mình, các bạn sắp xếp công việc một cách phù hợp nhất với thực tế để có thể làm tốt nhất công việc trong khả năng.
Chúng ta luôn có niềm tin, một xã hội văn minh theo đúng nghĩa thì sẽ có những cải thiện trong đời sống. Vì rằng một đất nước muốn phát triển bền vững thì chỉ có thể bằng con đường phát triển giáo dục. Và người thực hiện thiên chức cao quý đó chính là nhà giáo.
Tất nhiên, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta có quyền tự hào về nghề của mình, vì rằng giáo dục không chỉ tác động đến thế hệ trẻ thời điểm hiện tại mà còn tới tương lai của các em.
Một đứa trẻ lớn khôn, tiến bộ hơn, lễ phép hơn, trung thực hơn và biết yêu thương ông bà, cha mẹ hơn, trưởng thành hơn để trở thành người tử tế. Đó là hạnh phúc của chúng ta, hạnh phúc này không tiền bạc nào mua được cả.
Các bạn luôn nhớ rằng: Công nghệ mãi mãi là công cụ. Làm chủ công nghệ, dùng nó trong công việc để giáo dục, phát triển con người là điều phải quan tâm, nhất là trong thời đại ngày nay.
Cần phải viết về AI, về Robot, về chat GPT, về các tiện ích và dùng nó một cách hữu ích, chính đáng và trong giáo dục đừng bao giờ và đừng làm gì để biến con người thành robot, đồng thời phải có những tiến bộ công nghệ là xu thế, đừng hoảng loạn, run sợ. Phải biết dùng nó một cách thông minh và chân chính.
Phải coi việc xã hội luôn kêu ca về giáo dục, phụ huynh luôn phàn nàn về giáo dục,... như một đòi hỏi chính đáng, động lực để chúng ta thay đổi chứ đừng nản lòng. Khi không còn ai kêu ca nghĩa là niềm tin đã nguội lạnh.
Lời cuối tôi muốn lưu ý với các bạn rằng, tấm bằng các bạn nhận được hôm nay là cao quý, là giá trị nhưng bản thân tấm bằng không tiếp tục tạo ra giá trị, tạo ra ý nghĩa mà chính chủ nhân của nó, với những gì đã có để hành động mới tạo ra được điều tốt đẹp.
Những gì các bạn có đến nay không bao giờ đủ cả. Đây chỉ là sự đánh dấu cho một chặng đường tiếp theo. Ai đó coi thời gian là sự nghỉ ngơi trong đầu óc thì chính người đó sẽ tạo ra khoảng trống trong hiểu biết của mình. Mong các bạn luôn nhớ rằng, nghĩ bất cứ điều gì, làm bất cứ điều gì, cũng trong sự biết ơn, tình yêu thương thì việc làm sẽ luôn chân chính.