10 thực phẩm giúp kiềm chế cơn thèm ăn của bạn
Có một số thực phẩm ngon lành, tốt cho sức khỏe có thể kiềm chế cơn thèm ăn và giúp bạn không rơi vào cảnh ăn uống quá đà và phát phì.
Gần như tất cả mọi người đều mơ được ăn uống thoải mái mà không cần lo lắng chuyện tăng cân. Nhưng có vẻ như đây vẫn là "nhiệm vụ bất khả thi" trong thực tế. Tuy vậy, có một số thực phẩm ngon lành, tốt cho sức khỏe có thể kiềm chế cơn thèm ăn, giúp bạn không rơi vào cảnh ăn uống quá đà và phát phì.
1. Cá thịt đỏ
Đây là loại thực phẩm cung cấp nhiều protein và các axit béo omega-3 thiết yếu. Sự kết hợp dưỡng chất như vậy cho phép bạn no lâu hơn. Chưa kể một thực tế là cá cũng rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Theo thông tin trên trang kiến thức y tế Medicalnewstoday, ăn cá thịt đỏ, như cá hồi chẳng hạn, thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường và sự phát triển của bệnh tim.
2. Trái bơ
Bơ không chỉ là nguồn axit béo thiết yếu giàu có mà axit oleic có trong bơ còn đem đến cảm giác no bụng. Nhờ đó, bạn sẽ ăn ít đi sau đó. Các nhà nghiên cứu của Đại học Loma Linda ở California đã thực hiện nghiên cứu tìm hiểu hiệu quả của việc bổ sung bơ hàng ngày vào chế độ ăn uống để xem tác động của nó với lượng đường trong máu và cách cơ thể bạn sử dụng insulin. Trong nghiên cứu của họ, 30 người tham gia được yêu cầu ăn 3 bữa một ngày, trong đó một số ăn thêm quả bơ và số còn lại không ăn thêm bơ. Những người tham gia được theo dõi trong 5 tuần.
Thí nghiệm do các nhà nghiên cứu tại California tiến hành cho thấy, những người ăn bơ vào bữa trưa sẽ ăn ít đi 40% trong 3 giờ đồng hồ tiếp theo.
3. Cà phê
Các thành viên khoa Sức khỏe và Dinh dưỡng, Đại học Brooklyn, Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu và cho thấy caffeine có trong cà phê giúp đốt cháy calo và phân giải chất béo cũng như kiểm soát cảm giác thèm ăn của bạn. Nếu uống cà phê từ 30 phút đến 4 giờ trước bữa ăn, cơn đói sẽ được chế ngự nhờ tác dụng kiềm chế cơn thèm ăn của bạn.
Thông thường, để giảm cân, bạn nên uống 2 ly cà phê được pha ủ một cách tự nhiên mỗi ngày (tương đương hấp thụ 200mg caffeine). Không phải ai cũng hợp với caffeine. Do đó, cần đảm bảo cơ thể bạn có thể xử lý lượng caffeine đó mà không gây ra tác hại nào.
4. Hạt chia
Các nhà nghiên cứu Vázquez-Ovando Alfredo, Rosado-Rubio Gabriel, Chel-Guerrero Luis và Betancur-Ancona David tại đại học Universidad Autónoma de Yucatán, Mexico cho biết: Hạt chia có thể hấp thu lượng nước gấp 11-12 lần so với trọng lượng của mình. Nó có tác dụng làm đầy dạ dày và tạo cảm giác no. Nó cũng giúp giảm cảm giác thèm ăn.
5. Dầu dừa
Điều tạo nên khác biệt của dầu dừa so với các loại dầu khác là nó chứa axit béo chuỗi trung bình (MCFAs). Chúng được cơ thể hấp thụ theo một cách khác mà nhờ đó, tạo ra tác động tích cực lên quá trình trao đổi chất của cơ thể. Ví dụ: dầu dừa giúp đốt cháy calo và loại bỏ mỡ bụng. Nó cũng có tác dụng trong việc kiểm soát cơn thèm ăn.
Điều quan trọng cần ghi nhớ: Dầu dừa dù sao vẫn là dầu. Do đó, bạn không nên dùng nó vào mọi lần nấu nướng. Đơn giản là chỉ nên thay thế một số loại dầu ăn thông thường bằng dầu dừa mà thôi.
6. Trứng
Trứng là nguồn protein đầy dinh dưỡng và không hề đắt tiền, có thể mang lại cảm giác ngon miệng. Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học tại đại học Saint Louis University, được trình bày trên trang International Journal of Obesity, nếu ăn trứng vào bữa sáng, bạn sẽ tiêu thụ ít clo hơn và giảm cân.
Trong thí nghiệm này, những người áp dụng chế độ ăn low-carb được chia làm 2 nhóm. Nhóm đầu tiên ăn trứng vào bữa sáng trong khi nhóm thứ 2 thưởng thức bữa sáng truyền thống như bánh mì với ngũ cốc. Kết quả: những người ăn trứng giảm hơn 65% cân nặng so với nhóm không ăn.
7. Ớt
Ớt chứa capsaicin, một hợp chất giúp giảm cảm giác thèm ăn và đốt cháy mỡ. Nghiên cứu của 2 tác giả Mary-Jon Ludy và Richard D. Mattes tại đại học Purdue University, Mỹ, khám phá ra rằng, ăn 1g ớt có thể giảm thèm ăn và ức chế cảm giác đói, nhờ đó, hỗ trợ giảm cân.
Tuy nhiên, những người thường ăn các thực phẩm cay nóng không bị ảnh hưởng nếu áp dụng chế độ ăn như vậy. Có thể do cơ thể họ đã phát triển khả năng dung nạp thực phẩm cay. Bạn cũng không nên ăn ớt hàng ngày, nhất là trong trường hợp bạn muốn gặt hái được kết quả tốt nhất của tính chất đốt mỡ từ ớt.
8. Rau bina (rau chân vịt)
Nghiên cứu trên trang Wiley InterScience cho biết, rau bina chứa thylacoids giúp làm tăng lượng hormone leptin. Hormone này chịu trách nhiệm điều hòa sự trao đổi năng lượng và kiểm soát cơn đói. Chính vì thế, rau bina giúp ức chế cảm giác ngon miệng và giúp giảm cân. 100g rau bina mỗi ngày là đủ để bạn đạt được hiệu quả mong muốn.
9. Trà xanh
Trà xanh chứa 2 thành phần giúp giảm cân: caffeine và catechin. Caffeine giúp đốt mỡ và ức chế cảm giác thèm ăn. Trong khi đó, catechin có tác dụng củng cố quá trình trao đổi chất và loại bỏ mỡ. Sự kết hợp của 2 thành phần này trong chiết xuất trà xanh tạo điều kiện cho cơ thể đốt mỡ hiệu quả hơn. Ví dụ, theo một nghiên cứu của khoa Sinh học, Khoa Y, Đại học Geneva (Mỹ), tiêu thụ caffeine và catechin làm tăng mức đốt cháy calo lên 4%.
Với những người muốn giảm cân, nên uống 250mg – 500mg trà xanh mỗi ngày.
10. Đậu lăng
Trung tâm nghiên cứu Dinh dưỡng con người về Lão hóa tại Đại học Tufts, Boston (Mỹ) đã nghiên cứu và kết luận rằng, đậu lăng rất tốt cho sức khỏe bởi chúng chứa nhiều axit folic, sắt, kali, thiamine (hoạt chất có trong vitamin B1) và mangan. Chúng cũng rất giàu protein và chất xơ - cả hai đều giúp giảm hiệu quả cảm giác đói. Không những thế, đậu lăng còn chứa ít calo. Điểm đáng lưu ý nữa là: đậu lăng rất dễ chế biến, nếu so với các loại đậu khác.
Nguồn: BS/Ncbi/