10 ngày thay đổi kỳ diệu của cậu bé "người cóc" trốn rừng núi xuống Hà Nội chữa bệnh
Ngày mới 2 tháng tuổi, bé Thuyên bất ngờ nổi mụn trên người rồi từ đó mụn lan khắp cơ thể, vỡ nước khiến cậu bé luôn trong tình trạng da sần sùi như da cóc.
Chuyện về cậu bé "người cóc"
Đã 5 năm nay, bé Chung Ngọc Thuyên (5 tuổi trú tại Hà Quảng – Cao Bằng) phải sống trong cảnh khổ sở cả về thể chất lẫn tinh thần bởi căn bệnh vảy nến thể mủ toàn thân.
Sau khi được nhiều người vận động, cũng như hỗ trợ của một số người chị Nông Thị Ốn (38 tuổi) – mẹ của cháu Thuyên mới đây đã đưa con trai xuống BV Da liễu Trung ương để thăm khám. Do bản thân chị Ốn cùng cháu Thuyên không biết tiếng Kinh nên phải mượn một người đi cùng để làm phiên dịch với các bác sĩ cũng như PV.
Bé Chung Ngọc Thuyên và căn bệnh vảy nến thể mủ toàn thân hành hạ suốt 5 năm.
Gặp chúng tôi tại BV, chị Ốn chia sẻ: "Khi cháu được 2 tháng tuổi thì bất ngờ phát hiện trên người xuất hiện những nốt đỏ mưng mủ sau đó vỡ. Khi đi khám thì được cho thuốc rồi bôi cho con nhưng sau đó chưa khỏi hẳn và do không có tiền nên những đám mụn cứ thế lây lan khắp cơ thể".
Quá đau đớn, ngứa khắp người nên mỗi lần mẹ mặc quần áo cậu bé lại khóc lóc.
Chị Ốn cũng cho hay, do nhà nghèo nên không biết phải làm sao và bằng cách nào nên chỉ dùng thuốc lá cây, tắm cho con với mong muốn sẽ phát huy tác dụng.
"Dùng đủ các loại thuốc nam, lá cây truyền miệng thế nhưng con vẫn không khỏi mà có phần bị lây lan trên khắp cơ thể. Cháu càng lớn lên thì lại càng xuất hiện nhiều những đám mụn vỡ ra rồi tróc vảy khiến toàn cơ thể bị sần sùi, ngứa ngáy cả ngày lẫn đêm", chị Ốn cho hay.
Cậu bé không dám giao tiếp với bạn bè cùng trang lứa mà chỉ ở nhà với cha mẹ.
Cũng theo chị Ốn, cháu Thuyên lớn lên nhưng do bị bệnh nên bị bạn bè cùng trang lứa xa lánh, thậm chí không dám đến gần. Thậm chí ở quê mọi người thường gọi Thuyên là cậu bé "người cóc" do da của con trai mình luôn trong tình trạng sần sùi như da cóc.
Căn nhà của cậu bé "người cóc".
Tại bệnh viện, bé Thuyên luôn tỏ ra khó chịu do những cơn ngứa ngáy hành hạ, thậm chí cậu có thể gãi cả ngày, và gãi bất cứ chỗ nào trên cơ thể của mình.
Người mẹ người dân tộc cho hay, do kiến thức có hạn, tin tưởng các loại lá cây và gia đình không có tiền chữa trị nên đành phải nhìn con bị bệnh suốt 5 năm qua.
Bé Thuyên được đưa đi thăm khám tại Hà Nội.
PGS.TS Lê Hữu Doanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, người trực tiếp thăm khám cho cháu Thuyên nhận định, bệnh nhi có thể mắc bệnh vảy nến thể mủ toàn thân ở trẻ em.
Các bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị cho Thuyên.
"Ngoài việc bong tróc, chảy mủ trên da, phần móng tay cũng có mủ, còn phần khớp chúng tôi sẽ đánh giá xem có tổn thương gì hay không. Nhìn chung, chúng tôi cần làm xét nghiệm, cắt da đi sinh thiết rồi mới có thể đưa ra được kết luận chính xác được", PGS Doanh chia sẻ.
Chỉ 10 ngày khiến cậu bé "người cóc" thay đổi kỳ diệu
Ngay sau khi được nhập viện, các bác sĩ tại BV Da liễu Trung ương đã tiến hành thăm khám và đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất đối với bé Chung Ngọc Thuyên.
Theo đó, từ một cậu bé khắp người da sần sùi như cóc, thậm chí ngứa ngáy khắp người và luôn tự ti, xấu hổ mỗi khi tiếp xúc với người ngoài thì hiện nay Thuyên đã được chữa trị thành công.
Bé Thuyên được điều trị tại BV.
ThS.BS Nguyễn Thùy Linh - Phó Trưởng khoa Điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em (BV Da liễu Trung ương) cho biết, sau 10 ngày điều trị tại khoa (điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc bôi, dưỡng ẩm), hiện tại tình trạng bệnh của cháu đã ổn định và được xuất viện trong ngày 26/10.
Sau 10 ngày bé Thuyên đã cơ bản đỡ bệnh, không còn khóc lóc, ngứa ngáy.
BS. Linh cũng lưu ý, bệnh vảy nến là một bệnh da mạn tính, có thể tái phát nhiều đợt, chưa chữa khỏi hoàn toàn nhưng có nhiều phương pháp điều trị có thể kiểm soát tốt bệnh. Người bệnh nhân cần chú ý không tự điều trị, đặc biệt là tự điều trị bằng thuốc nam không rõ nguồn gốc, nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra. Bệnh nhân cần được khám và theo dõi định kỳ theo hẹn của bác sĩ.
PGS.TS Lê Hữu Doanh – PGĐ Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, hiện Việt Nam có khoảng trên 2 triệu người mắc bệnh vảy nến, đây là căn bệnh không lây nhiễm, nên mọi người không nên có sự kỳ thị với người mắc bệnh.
Đặc biệt, người dân khi có bất thường trên da cần đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Đặc biệt, đối với bệnh vảy nến, bệnh nhân không nên lo lắng, vì có thể khiến bệnh nặng hơn.