10 năm "tìm con" tại Mỹ thất bại, nữ Việt kiều bật khóc nghẹn ngào khi về nước thụ tinh nhân tạo thành công ở tuổi 44
Ngay khi nghe bác sĩ tại Bệnh viện Hùng Vương báo mình có thai, chị Helen ngỡ ngàng đến bật khóc nức nở vì không tin đó là sự thật. Bởi khi ấy, chị đã 44 tuổi và có 10 năm chữa vô sinh thất bại.
Câu chuyện của chị Helen Thanh Nguyễn (46 tuổi, Việt kiều Mỹ) chia sẻ tại lễ kỷ niệm 15 năm IVF Hùng Vương (khoa Hiếm muộn của Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) khiến những ai đến tham dự và theo dõi không khỏi xúc động.
Chị Helen là một trong những trường hợp hưởng niềm vui có con khi đã có thời gian chữa hiếm muộn dài đằng đẵng. Thậm chí, chính người trong cuộc cũng không tin đó là sự thật.
Ôm cô bé Paula kháu khỉnh trên sân khấu, chị Helen lại một lần nữa bật khóc. Anh Kenp Phùng (45 tuổi) cố giữ bình tĩnh cho vợ rồi mỉm cười chia sẻ: "10 ngày nữa là Paula bé tròn 22 tháng tuổi".
Để có được thiên chức làm cha, làm mẹ, vợ chồng họ phải trải qua 10 năm chữa hiếm muộn ròng rã. Ở đó, sự thất vọng và nước mắt là thứ mà chị Helen Thanh Nguyễn đã bao lần nếm trải.
13 năm trước, Helen và anh Kenp kết hôn. Mãi mà không mang thai họ đi khám và được bác sĩ cho biết tinh trùng của người chồng bị yếu. Thụ tinh trong ống nghiệm là biện pháp cần thực hiện nếu muốn có con.
Một lần, hai lần rồi đến tận lần thứ ba, thụ tinh trong ống nghiệm có, bơm tinh trùng có nhưng tất cả đều dừng ở hai chữ "thất bại". Từ chỗ rất lạc quan, vợ chồng họ dần mất niềm tin, bởi ở Mỹ - nơi có nền y học tiên tiến hàng đầu thế giới mà chữa không thành công thì còn biết trông cậy vào đâu?
Khi mọi thứ tưởng đã được số phận an bài thì đến năm 2016, chị Helen gặp một người bạn đã từng thụ tinh thành công ở Bệnh viện Hùng Vương. Lời khuyên thử tìm con một lần nữa tại Việt Nam được đưa ra.
Không tin tưởng cho lắm, nhưng chị Helen vẫn đánh liều thử một lần với tâm lý cho mình cơ hội còn hơn là phí bỏ. Vả lại tại Việt Nam, chi phí thụ tinh nhân tạo chỉ khoảng 100 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với khoảng tiền 30.000 USD tại Mỹ.
Tháng 2/2017, nỗi đau một lần nữa cứa vào trái tim người phụ nữ khi chuyển phôi lần đầu không thành. Đến lần thứ hai, mọi thứ như đi vào ngõ cụt khi chị không có dấu hiệu gì của việc mang thai.
"Lúc đó, 3 người bạn tôi cùng làm chung thì cả ba đều đã có thai và đều ngén hết rồi. Tôi không có triệu chứng gì cả, vô cùng thất vọng. Tôi nhờ đứa cháu gái đi lấy kết quả thì nó lại đọc nhầm kết quả là mình không có thai.
Lúc đó tôi nghĩ mình đã hết hi vọng, nhắn tin chia tay hết mọi người để chuẩn bị trở về Mỹ. Nhưng đúng lúc này thì bác Tuyết (bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương) nhắn tin báo rằng tôi đã có thai. Tôi nghe mà nổi da gà, không tin đó là sự thật. Tôi nhắc đi nhắc lại là em có thai rồi hả bác ơi, em sắp có con rồi... " - chị Helen lại kể trong nước mắt.
Nụ cười hạnh phúc của người cha với con gái đầu lòng.
Nhưng đó chỉ là khởi đầu. Niềm vui chỉ kéo dài trong chốc lát khi bác sĩ thông báo nguy cơ con chị có thể bị Down vì tuổi mẹ đã lớn.
Ngày chọc ối để xét nghiệm tình trạng sức khỏe của bé, chị Helen lo lắng gọi cho anh Kenp đã quay trở lại Mỹ làm việc. "Chồng ơi, em đau lắm", là câu mà chị nói nhiều nhất khi liên lạc với người chồng đã ở xa nửa vòng Trái Đất.
Trời không phụ lòng người, bé Paula khỏe mạnh cho đến ngày được sinh ra. 22 tháng trời chăm sóc, cô bé đã xinh xắn, rạng ngời như bao bạn đồng trang lứa.
Gia đình họ giờ đã có quả ngọt viên mãn sau 10 năm dài tìm con.
Trên sân khấu của hội trường Bệnh viện Hùng Vương, người mẹ U50 xúc động thốt lên: "Tôi không biết nói gì thêm để cảm ơn bác sĩ Tuyết. Từ nay cho đến hết cuộc đời, tôi sẽ không bao giờ quên được ơn này. Bác sĩ Tuyết giống như người mẹ đã hồi sinh con gái tôi...".