10 món ăn, bài thuốc từ dạ dày dê

Theo Sức khỏe Đời sống,
Chia sẻ

Theo Y học cổ truyền, dạ dày dê và các bộ phận khác như thịt, xương, nội tạng của dê đều có thể dùng làm thuốc...

Theo Y học cổ truyền, dạ dày dê và các bộ phận khác như thịt, xương, nội tạng của dê đều có thể dùng làm thuốc... Dạ dày dê được chế biến phối ngũ phù hợp làm tăng thêm phần ngon bổ và trị bệnh. Dạ dày dê (dương đỗ) vị cam, tính ấm, không độc, tác dụng bổ hư, kiện kỳ, ích vị..., chủ trị chứng tỳ vị hư hàn, hay bị ói, nhiều mồ hôi, tay chân lạnh, tiểu đêm nhiều lần.

Nhiều tài liệu còn cho biết, dạ dày dê có chứa protid, lipid, glucid, vitamin A, B1, B2 và một số men rất cần cho tiêu hóa. Sau đây là một số món ăn tiêu biểu từ dạ dày dê:



Dạ dày dê xào dứa trị chứng đầy bụng chậm tiêu, viêm tiết niệu, tiểu buốt, dắt.

1. Canh dạ dày dê hạt sen: dạ dày dê mới lớn, hạt sen, đậu phụng, táo đỏ, nấm mèo, gừng, hành lá, mắm, muối gia vị vừa đủ hầm nhừ ăn. Công dụng: trị các chứng ǎn ngủ kém, hay bị tiêu chảy, viêm dạ dày ruột, di tinh mộng tinh, tiểu đêm, trẻ em nhiều mồ hôi.

2. Canh dạ dày dê hầm ngũ đậu: dạ dày dê 1 cái, đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ, đậu phụng, đậu trắng, gừng, hành mắm, muối gia vị vừa đủ hầm ăn tuần vài lần. Công dụng: bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe, phòng trị chứng thiếu máu, nhiều mồ hôi, người lớn gầy khó lên cân, trẻ em còi cọc chậm lớn.

3. Canh dạ dày dê nấm hương: dạ dày dê, nấm hương, cà rốt, hành tây, hành lá, mắm, muối, đường, tiêu gia vị vừa đủ nấu ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, ích khí, lợi ngũ tạng, giúp trị chứng đầy bụng, nôn ói, kiết lỵ, viêm gan vàng da thấp nhiệt, đái tháo đường, tiêu chảy, sa dạ dày, rối loạn tiểu tiện, các chứng ăn kém, hư nhược.

4. Dạ dày dê xào cần tây: dạ dày dê, cần tây, hành lá, mắm, muối, tiêu gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị bụng đầy chậm tiêu, viêm gan vàng da thấp nhiệt, đau thượng vị, tức ngực sườn do huyết ứ khí trệ.

5. Dạ dày dê xào dưa chua: dạ dày dê, dưa chua, cà chua, thì là, tỏi, hành ngò, dầu ăn, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị chứng miệng lợi sưng lở, viêm đại tràng, viêm gan vàng da, đau thượng vị miệng đắng, các chứng đau do nhiệt tích trệ.

6. Súp dạ dày dê: dạ dày dê, cà rốt, khoai tây, khoai lang, sữa, nước dừa, cà ri, tỏi, muối gia vị vừa đủ nấu súp ăn. Công dụng: bổ tỳ thận, cầm tả lỵ, trị chứng táo bón, tiêu chảy, tả lỵ, viêm gan vàng da, đái tháo đường, huyết áp, thiếu máu.

7. Dạ dày trộn củ kiệu: dạ dày dê luộc thái, củ kiệu muối chua, hành tây thái, rau răm, rau húng, đậu phụng rang, mắm, muối, chanh, đường, tiêu gia vị vừa đủ trộn ăn. Công dụng: trị chứng đau tức ngực sườn, thượng vị, tiêu chảy kiết lỵ, chứng tay chân lạnh do dương khí hư.

8. Canh dạ dày dê rau củ: dạ dày dê, nấm hương, cà rốt, khoai tây, hành, mắm muối, gia vị vừa đủ hầm ăn. Công dụng: bổ khí huyết, ích tạng phủ, hỗ trợ trị chứng hư nhược tiêu hóa kém, chức năng gan thận yếu, tăng huyết áp, đái tháo đường, thiểu năng tuần hoàn não rất hiệu quả.

9. Dạ dày dê xào ngũ nấm: dạ dày dê, nấm hương, nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, nấm mèo... cà rốt, hành tây, dầu ăn, hạt tiêu, hành ngò, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: bổ tỳ vị, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể, giải độc, bảo vệ tế bào gan.

10. Dạ dày dê xào dứa: dạ dày dê, dứa chín, ớt chuông, dưa leo, thì là, tỏi, hành ngò, dầu ăn, mắm muối, gia vị vừa đủ xào ăn. Công dụng: trị chứng bụng đầy chậm tiêu, viêm tiết niệu, tiểu buốt tiểu dắt, sỏi tiết niệu...

Ngoài ra, dạ dày dê nấu với khoai từ, khoai sọ, khoai mỡ, khoai sáp, củ đậu, củ dền, hoặc nấu với rau cải, rau ngót, đều tốt. Tuy nhiên, dạ dày dê có tính ấm, bổ dương khí, người nội nhiệt, người nóng bứt rứt, răng lợi hay chảy máu không nên dùng nhiều. Người hay bị lưng chân nóng, đi tiểu vàng do “thận nhiệt”, chứng ngoại tà đang viêm nhiễm, sốt nóng, chứng thống phong (gút) nên kiêng ăn.

Lương y Minh Phúc

Chia sẻ