10 loại cây cảnh đẹp nhưng có độc, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trồng trong nhà
Nhiều cây cảnh vừa thanh lọc không khí, giúp trang trí không gian thêm sinh động, lại còn có nhiều ý nghĩa phong thủy khá tốt. Tuy thế, điều gì cũng có hai mặt, một số cây cảnh có độc gây nguy hại đến sức khỏe con người.
1. Xương rồng bát tiên
Cây xương rồng bát tiên hay còn có tên cây hoa bát tiên, cây hoa mão gai. Xương rồng bát tiên có tên khoa học là Euphorbia milii, là một loài thực vật có hoa thuộc Họ Đại kích - Euphorbiaceae (không thuộc họ xương rồng Cactaceae), có nguồn gốc từ Madagascar.
Cây có đa dạng về giống loài, thân cũng đa dạng màu sắc (xanh, nâu đỏ, tím, …) có nhựa mủ và gai chi chít trên thân. Chính những chiếc gai nhọn này có thể đâm vào tay gây trầy xước nếu không cẩn thận. Đồng thời, nhựa mủ của cây sẽ gây bỏng rát tay khi tiếp xúc. Những người trồng cây cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Đặc biệt là gia đình có trẻ nhỏ nên tránh trồng cây này.
2. Hoa tiên ông
Cây có tên chính thức là dạ lan hương bởi nở vào ban đêm và rất thơm. Một tên gọi khác mà người yêu cây cảnh rất thích là hoa tiên ông, được đặt dựa vào đặc điểm rễ trắng muốt như râu của tiên ông.
Tên khoa học của cây là Hyacinth orientalis (chi Hyacinthus), thuộc bộ măng tây (Asparagales). Người ta chứng minh được, củ tiên ông có chứa độc tố Alkaloid gây vọp bẻ, đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy nếu ăn phải.
3. Hồng môn
Cây hồng môn có tên khoa học là Anthurium spp, thuộc họ Araceae (họ Ráy). Theo nghiên cứu của NASA, cây hồng môn thuộc top đầu các loài thực vật có thể lọc khí độc formaldehyde, xylene, toluene, và ammoniac khỏi không khí. Cây rất tốt để trồng trong nhà thanh lọc không khí. Đồng thời cũng mang lại nhiều may mắn cho gia chủ.
Dù lọc được khí độc nhưng bản thân cây lại là chất độc. Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Nếu bình thường thì những chất này không gây ảnh hưởng gì đến chúng ta. Tuy nhiên, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú cưng thì cần lưu ý khi trồng bởi nếu chúng ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng gây ra bỏng rát họng, dạ dày và ruột. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ nổi ban và rộp mụn nước.
4. Trầu bà
Cây trầu bà thuộc họ thực vật Araceae (họ Ráy). Cũng giống như hồng môn, cây này cũng là “máy lọc khí độc” thuộc hàng đầu. Đặc biệt cây dễ trồng, dễ chăm sóc, lại mang đến nhiều năng lượng phong thủy tích cực cho căn nhà.
Trong thân, lá cây có chứa calcium oxalate. Khi nhai phải lá, có thể bị bỏng rát niêm mạc lưỡi, cổ họng và ruột. Đã từng có trường hợp người ăn phải lá của hai loại cây này bị cứng lưỡi, nghẹn họng, hô hấp khó khăn và không thể nói được, nặng hơn là sẽ bị ngộ độc gây chết người.
5. Chuỗi ngọc bi
Cây chuỗi ngọc bi hay sen đá chuỗi ngọc là thực vật mọng nước, có tên khoa học là Sedum morganianum. Cây thích hợp trồng chậu treo trang trí cho cửa sổ nhà bạn thêm xanh tươi, sinh động.
Mặc dù cây cũng góp phần thanh lọc không khí, nhưng nếu bạn quyết định trồng cây này thì cần lưu ý rằng đây là cây cảnh có độc vì chứa chất gucosides. Đây là chất rất có hại cho cơ thể con người, nếu vô tình ăn phải sẽ gây mệt mỏi, tiêu chảy, thậm chí là ảnh hưởng đến hô hấp, gây khó thở, điều tiết nhịp tim khó khăn.
6. Trúc đào
Cây trúc đào có tên khoa học là Nerium oleander, họ Apocynaceae. Cây có nhựa màu kem, vàng ngà rồi hóa lục, chứa chất oleandrin (còn gọi là neriolin) với tỷ lệ 0,7 - 1 phần nghìn. Đây là chất có tác dụng trợ tim nếu dùng đúng liều lượng, vượt quá sẽ gây ngộ độc.
Khi bị ngộ độc từ nhựa cây trúc đào, bệnh nhân sẽ nôn mửa dữ dội, mệt lả, nhức đầu, chóng mặt, không còn sức lực. Nặng hơn thì gây hạ huyết áp, rối loạn nhịp tim, hôn mê sâu. Có trường hợp ngộ độc nguy cấp đến độ khiến não thiếu oxy, dẫn đến tử vong.
Đồng thời, khói đốt từ cây trúc đào hay nguồn nước nhiễm nhựa hoa cây cũng có khả năng gây ngộ độc cho con người và động vật.
7. Đỗ quyên
Cây đỗ quyên có tên khoa học là Rhododendron occidentale. Tất cả các bộ phận của cây đều có chất độc Andromedotoxin và Arbutin glucoside. Triệu chứng của ngộ độc là chảy nước dãi, nôn ói, uể oải, chóng mặt, khó thở. Riêng đối với trẻ em, chỉ cần một lượng nhỏ lá đỗ quyên (100-200gr) đã có thể gây ngộ độc nặng cần cấp cứu.
8. Cẩm tú cầu
Hoa cẩm tú cầu rất được nhiều người ưa chuộng bởi vẻ đẹp đặc biệt độc đáo của nó. Hoa có nhiều màu khác nhau và nở thành chùm tròn, dùng trang trí khá cá tính. Cây có tên khoa học là Hydrangea macrophylla. Tuy nhiên, các bạn nữ khi chưng cây này cần cẩn trọng bởi lá và củ cây có chất Hydragin-cyanogenic glycoside gây tiêu chảy, ói mửa, thở gấp.
9. Cây huỳnh anh
Cây huỳnh anh (Allamanda cathartica) thuộc họ trúc đào, là một trong những loài thực vật độc. Toàn cây gồm vỏ, hoa, lá, hạt và nhựa mủ đều chứa chất độc gây rối loạn tiêu hoá, gồm đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, có khi kèm theo triệu chứng sưng môi, choáng váng.
10. Cây ngô đồng
Ngô đồng (Jatropha podagrica) còn được gọi là vạn linh, sen núi vì cây có hoa lá đẹp, xanh tốt quanh năm và hoa rất bền nên được trồng làm cảnh ở nhiều gia đình. Ngoài thanh lọc không khí và trồng trang trí thì cây còn có thể chữa rụng tóc, lở loét miệng, bệnh ngoài da...
Tuy nhiên, cây ngô đồng có chứa chất Curcin trong thân, củ, lá và đặc biệt là hạt. Chất này có thể gây bỏng rát ở họng, đau bụng, ói, tiêu chảy. Khi đã bị ngộ độc nặng sẽ xuất huyết tiêu hóa, rối loạn tim mạch, ức chế hệ thần kinh trung ương.
Với những thông tin đã cung cấp ở trên, mỗi người cần biết bảo vệ bản thân nếu muốn trồng những cây cảnh có độc này trong nhà. Hãy đeo găng tay trước khi trồng cây, chăm cây và dặn dò con trẻ không được nghịch phá bẻ lá bứt hoa cũng như ăn thử bất kỳ bộ phận nào. Chúc các bạn có được một không gian xanh mát nhưng vẫn mạnh khỏe an toàn.