10 kẻ thù giấu mặt của hôn nhân

,
Chia sẻ

Nếu đến với nhau quá chóng vánh, các đôi thường trở nên dễ dãi và cảm thấy nhanh chán nhau.

Quá vội vàng khi yêu và kết hôn chính là một trong những cách làm cuộc sống gia đình của bạn dễ bị đổ vỡ. Dưới đây là một số lý do khác có thể "giết chết" sự gắn bó và yêu thương giữa bạn với "nửa kia".

Bất đồng với bạn bè và gia đình "nửa kia"

Một phần lớn cuộc sống của bạn dành cho bạn bè và gia đình của mình, dù bạn có thích thế hay không, và cô ấy cũng vậy. Vì thế, việc bạn không hòa thuận với những người thân của vợ/chồng mình có thể đẩy mối quan hệ của hai người đến đổ vỡ. Bạn không thể yêu mọi người nhà hay bạn của cô ấy nhưng biết duy trì một mối quan hệ thân thiện với họ là điều quan trọng để giữ hạnh phúc của hai người.
 


Những bất đồng về quan điểm chính trị gay gắt của bạn với bố nàng hay thái độ bạn không thể chịu nổi người bạn thân nhất của cô ấy sẽ khiến "nửa kia" của bạn phải lựa chọn. Và chẳng có điều gì đảm bảo rằng cô ấy sẽ bỏ tất cả để ở bên bạn.

Những căng thẳng trong cuộc sống

Những vấn đề nảy sinh như chuyện tiền bạc, mâu thuẫn về cách dạy con cái hay những mối quan hệ yêu đương cũ... đều có thể làm bạn cảm thấy quá mệt mỏi. Thậm chí chỉ một việc nho nhỏ trong gia đình (như một người không chịu dọn dẹp hay nấu nướng gì cả) cũng có thể làm sứt mẻ đời sống lứa đôi của bạn.

Những "cây si" dai dẳng

Một cặp tất nhiên là chỉ có hai người. Thêm một người thứ ba vào sẽ khiến mọi chuyện rắc rối hơn nhiều. Khi có người cố tình theo đuổi bạn hay "nửa kia" của bạn, cảm giác thiếu tin cậy, nghi ngờ rất dễ nảy sinh trong mối quan hệ và làm nó rạn nứt. Ảnh hưởng của điều này còn lớn hơn nếu "kẻ phá bĩnh" lại là người tình cũ của bạn hay cô ấy.

Khi rơi vào trường hợp này, bạn hãy cố gắng giải quyết nó càng nhanh càng tốt. Nếu có một người ngưỡng mộ mình, bạn hãy tỏ thái độ dứt khoát cho họ hiểu rằng bạn không quan tâm đến họ. Việc duy trì thái độ thân thiện với người ấy có thể làm cho họ hy vọng, cố bám riết hơn và quấy rầy mối quan hệ hiện giờ.

Những thói quen khó chịu

Trước khi chung sống, hai người toàn nhìn thấy điểm tốt của nhau. Nhưng khi sống dưới một mái nhà, những thói quen xấu nho nhỏ của "đối phương" sẽ lộ ra và làm bạn bực mình: "Sao cô ấy hay nói lảm nhảm khi ngủ thế không biết?" hay "Người đâu mà cẩu thả, lấy kem đánh răng xong chẳng buồn đóng nắp hộp lại"...

Qua thời gian, những thói quen này ngày càng được thổi phồng và bạn cảm thấy hay tức giận với cô ấy hơn. Mối quan hệ của hai người cũng vì thế mà dần đổ vỡ.

Quá tùy tiện

Sau một thời gian sống chung, các đôi có khuynh hướng trở nên thoái mái với nhau, có khi đến mức quá dễ dãi. Họ sẽ giống bạn bè hơn là người yêu khi thân mật, trở nên quá suồng sã và làm mọi thứ theo thói quen hơn là do tình cảm. Cuộc sống chăn gối cũng rơi vào lối mòn nhàm chán. Chính họ đẩy "nửa kia" của mình đi tìm một người khác thú vị hơn để gặp gỡ.

Mục tiêu sống khác nhau

Qua thời gian, nếu như các đôi không cẩn thận, mỗi người sẽ đi theo một hướng khác nhau. Điều này có thể khiến hai bạn ít giao tiếp với nhau hơn hay một trong hai người coi công việc quan trọng hơn cả "một nửa" của mình. Và đây chính là dấu hiệu của một mối quan hệ không êm đẹp.

Nếu hai người theo đuổi những mục đích sống khác nhau, chẳng hạn như một người mong muốn xây dựng gia đình giàu tình yêu thương, còn người kia chỉ biết chạy theo tham vọng của bản thân thì rõ ràng tương lai của họ chẳng sáng sủa gì.

Quá khứ

Nếu một trong hai bạn vẫn luôn so sánh mối quan hệ mới của mình với chuyện yêu đương cũ, tình cảm sẽ không tốt chút nào. Học hỏi từ những sai lầm của chuyện quá khứ là điều tốt nhưng coi nó như khuôn mẫu cho mọi mối quan hệ khác lại chẳng mang lại điều hay. Những thứ bạn có bây giờ khác với bất cứ gì bạn có trước đó, vì thể hãy để quá khứ được ngủ yên. Tương tự như vậy, lôi quá khứ vào cuộc sống hiện tại cũng sẽ phá vỡ quan hệ của bạn.

Quá lệ thuộc hay quá độc lập

Duy trì sự cân bằng giữa sự độc lập và phụ thuộc là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải rất khéo léo. Nếu bị người khác quản lý quá nhiều, bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt. Khi ấy bạn sẽ muốn có một không gian riêng của mình và phẫn nộ người kia vì đã lấy mất sự tự do của bạn.

Ngược lại, khi bạn quá độc lập lại có thể làm cho "nửa kia" cảm thấy cô đơn. Khi một người chỉ say mê công việc hay bất cứ thứ gì khác mà chẳng dành thời gian cho "một nửa" của mình thì làm sao mối quan hệ tốt đẹp được.

Không chung thủy

Phản bội là thứ giết chết mối quan hệ tàn bạo nhất và phần lớn các cặp đều khó có hạnh phúc trọn vẹn nếu được "nó" ghé thăm. Có thể sau chuyện đó, hai người vẫn chung sống với nhau nhưng cảm giác nguội lạnh và mất niềm tin của một người với "nửa kia" đã xuất hiện và làm cuộc sống của các bạn nặng nề.

Theo VnExpress

Chia sẻ