1 thứ "chạm" vào da mặt bạn hàng ngày nhưng lại chính là ổ vi khuẩn, không làm sạch sẽ gây ra cả ổ bệnh
Khi dọn dẹp, nhất định không được quên vệ sinh vật dụng này vì chúng rất bẩn, gây hại trực tiếp đến làn da của cả nhà.
Việc quét dọn nhà cửa giúp loại bỏ bụi bẩn và các tác nhân gây dị ứng, tạo không gian sạch sẽ, tốt cho hô hấp. Ngoài ra, dọn nhà là một hình thức vận động giúp đốt cháy calo, tăng cường lưu thông máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm căng thẳng.
Đáng chú ý, có một vật dụng trong nhà mà bạn nhất định phải vệ sinh thật kỹ, nếu cần thì bỏ đi thay mới vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến làn da. Đó chính là khăn lau mặt hoặc khăn tắm.
Tác hại của khăn mặt bẩn với sức khỏe
Khăn mặt là vật dụng quen thuộc trong việc chăm sóc cá nhân. Có tác dụng loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và tế bào chết trên bề mặt da, giữ cho da luôn sạch sẽ. Khi sử dụng khăn mặt với nước ấm, lỗ chân lông được giãn nở, giúp làm sạch sâu hơn và giảm nguy cơ tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tuy tốt là vậy nhưng nếu không thường xuyên vệ sinh hoặc thay mới, khăn lau mặt sẽ trở thành "ổ chứa" vi khuẩn và nấm mốc. Lâu dần, bụi bẩn và dầu thừa tích tụ trên khăn có thể quay lại da mặt, gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Bên cạnh đó, khăn mặt bẩn còn làm da nhạy cảm dễ bị đỏ hoặc tổn thương, ảnh hưởng trực tiếp đến ngoại hình lẫn sức khỏe. Theo các chuyên gia, sau đây là một số tác hại trực tiếp nếu không vệ sinh khăn mặt thường xuyên:
1. Gây mụn trứng cá và tắc nghẽn lỗ chân lông
Đây là tác hại đến nhanh nhất và dễ thấy nhất khi sử dụng khăn mặt bẩn. Lúc này, các loại vi khuẩn gây mụn trứng cá có thể sinh sôi nhanh chóng. Nếu bạn sử dụng khăn bẩn để lau mặt, các tác nhân này dễ dàng bám lại trên da, kết hợp với dầu nhờn tự nhiên, mồ hôi và tế bào chết… sẽ gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Đặc biệt, nếu da bạn vốn đã nhạy cảm hoặc đang có mụn, việc tiếp xúc với khăn mặt bẩn càng làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn, khiến da khó phục hồi và dễ bị tổn thương. Do đó cần giữ khăn mặt sạch sẽ, mềm mại và khô thoáng để bảo vệ da khỏi các vấn đề này.
2. Gây các bệnh về mắt
Khi khăn không được giặt sạch hoặc khô thoáng, các loại vi khuẩn và nấm mốc sẽ dễ dàng phát triển. Khi dùng khăn bẩn lau vùng mắt, các vi khuẩn có thể xâm nhập vào niêm mạc hoặc tuyến lệ, gây ra các bệnh như viêm kết mạc (đau mắt đỏ) hoặc nhiễm trùng tuyến bã nhờn.
Đặc biệt, với những người có thói quen dùng chung khăn mặt hoặc không thay khăn thường xuyên, nguy cơ lây nhiễm bệnh từ người khác hoặc từ khăn bẩn càng cao hơn. Các bệnh về mắt không chỉ gây khó chịu, đau đớn mà còn có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị kịp thời.
3. Làm da mất độ ẩm
Các tạp chất như bụi bẩn, dầu thừa, vi khuẩn… hoặc hóa chất còn sót lại từ bột giặt ở khăn bẩn có thể bám vào bề mặt da, làm tổn hại lớp màng bảo vệ tự nhiên của da. Hơn nữa, khăn mặt bẩn thường có kết cấu thô ráp hơn do không được giặt sạch và bảo quản đúng cách, dễ dàng lấy đi lớp dầu tự nhiên giúp giữ ẩm trên da.
Thêm vào đó, kết hợp với việc lau mạnh tay, da không chỉ mất độ ẩm mà còn trở nên dễ bị kích ứng và bong tróc. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng hơn trong môi trường khô hanh hoặc khi da đã nhạy cảm từ trước.
4. Gây kích ứng và viêm da
Khi khăn không được giặt thường xuyên hoặc để ẩm ướt trong thời gian dài, vi khuẩn, nấm mốc, và bụi bẩn tích tụ trên bề mặt khăn. Khi sử dụng loại khăn này để lau mặt, các tác nhân gây hại sẽ tiếp xúc trực tiếp với da, gây ra tình trạng kích ứng như đỏ da, ngứa ngáy, hoặc cảm giác nóng rát.
Bên cạnh đó, đối với làn da bị tổn thương hoặc đang trong giai đoạn phục hồi, khăn mặt bẩn có thể làm tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến các vấn đề như viêm da tiếp xúc hoặc bùng phát mụn viêm.
Cách vệ sinh và giữ khăn mặt luôn sạch sẽ
Để giữ khăn mặt luôn sạch sẽ và đảm bảo an toàn cho da, bạn cần thực hiện việc vệ sinh, bảo quản khăn đúng cách. Cụ thể như sau:
- Cần giặt khăn mặt sau mỗi 1-2 lần sử dụng để loại bỏ bụi bẩn, dầu thừa và vi khuẩn tích tụ. Sử dụng nước ấm để giặt khăn, vì nhiệt độ cao có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm mốc.
- Hãy phơi khăn ở nơi có ánh nắng mặt trời hoặc nơi thông thoáng để khăn khô nhanh, ngăn vi khuẩn và nấm mốc phát triển.
- Thay khăn mặt mới mỗi 1-2 tháng để đảm bảo vệ sinh và ngăn ngừa các vấn đề về da. Nếu khăn có dấu hiệu sờn, thô ráp, hoặc không còn sạch sau khi giặt, nên thay ngay để tránh gây tổn thương da.
- Đảm bảo mỗi người trong gia đình sử dụng khăn mặt riêng để tránh lây nhiễm vi khuẩn, nấm hoặc các bệnh về da.
Theo Indiatimes, Healthline