1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai

Minh Nhật,
Chia sẻ

Ngày 29 tháng 10 sắp tới đây đánh dấu tròn 1 năm sau thảm kịch tàn khốc ở Itaewon cướp đi sinh mạng của 159 người. Tờ Straits Times đã đi tìm hiểu về cuộc sống của những người sống sót và người thân của các nạn nhân đã mất. Họ đã đối diện như thế nào sau biến cố kinh hoàng ấy?

Đi tìm con trong giấc mơ

"Mẹ ơi, con về rồi". Đó là cách con gái bà Sunny Kang hớn hở chào mẹ mỗi tối khi cô gái 25 tuổi về nhà.

Tới giờ phút này, điều giản đơn ấy đã trở thành nỗi khát khao đến cháy bỏng của người mẹ 53 tuổi khi đứa con duy nhất của bà, Lee Sang-eun, đã qua đời được một năm.

Người mẹ đau buồn nói với The Straits Times: "Chỉ lời chào thân thương đó thôi, tôi không đòi hỏi gì thêm". Nhớ con, bà Kang đã thử ngủ trên giường của con gái vào ngày sinh nhật của Lee hồi tháng 6 năm nay với hy vọng mơ thấy con nhưng vô ích. Phải đến tháng 8, khi người phụ nữ mệt lả nằm trên giường vì Covid-19, cuối cùng bà mới nghe được những lời mình hằng mong đợi.

"Con bé đến với giấc mơ của tôi và nói: 'Mẹ ơi, con về đây rồi'", bà Kang nhớ lại, đôi mắt đẫm lệ.

Cô Lee Sang-eun là một trong 159 người thiệt mạng trong vụ giẫm đạp ở Itaewon vào khoảng sau 10 giờ tối ngày 29 tháng 10 năm 2022. Đám đông tràn về 2 hướng ngược nhau trong một con hẻm hẹp chỉ dài 40m, rộng 4m khiến một số người bị ngã, gây ra hiệu ứng domino khiến những người khác đè lên họ. Hầu hết các nạn nhân chết vì ngạt thở.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 1.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 2.

Một năm trôi qua, con hẻm yên tĩnh vẫn còn in dấu vết của thảm kịch và bức tường tưởng niệm dày đặc những tờ giấy ghi lời nhắn nhủ của du khách.

Một cuộc điều tra của cảnh sát, kết thúc vào tháng 1 đầu năm nay, cho rằng đám đông chen lấn là do thiếu các biện pháp phòng tránh và phản ứng khẩn cấp chưa hoạt động hiệu quả. Việc thiếu thông tin chi tiết cũng như sự chậm trễ trong việc quy kết trách nhiệm trực tiếp cho bất kỳ cá nhân nào đã khiến gia đình các nạn nhân đau lòng và phẫn nộ.

Trước dịp Halloween năm nay, bắt đầu từ ngày 27/10, chính phủ Hàn Quốc đã công bố một số biện pháp an toàn nhằm ngăn sự việc tương tự có thể xảy ra. Ngoài các dịch vụ khẩn cấp ở chế độ chờ, cảnh sát Seoul thông báo rằng hơn 1.000 nhân viên của lực lượng này sẽ được triển khai để kiểm soát đám đông tại các điểm nóng câu lạc bộ như Itaewon, Hongdae và Gangnam.

Thành phố Seoul cũng đã triển khai hệ thống giám sát đám đông bằng cách sử dụng camera giám sát được lắp đặt trên đường phố. Nếu phát hiện tình trạng quá tải, cảnh sát, sở cứu hỏa và trung tâm quản lý thiên tai sẽ được thông báo ngay lập tức.

Nhưng đối với cha mẹ các nạn nhân thiệt mạng trong thảm kịch 1 năm về trước, những biện pháp như vậy đã quá muộn rồi.

Bà Kang, người làm việc trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, nhớ về lễ Halloween năm 2022 như thể nó mới xảy ra ngày hôm qua.

Bà và chồng đã đến tỉnh Gangwon để tham gia chuyến đi bộ đường dài qua đêm vào thứ Bảy ngày 29/10, trong khi con gái họ dự định đi Itaewon vào tối hôm đó với một người bạn.

Cô Lee Sang-eun vừa vượt qua kỳ thi chứng chỉ kế toán ở Mỹ và đang chuẩn bị tìm việc làm ở bên đó.

Lần cuối cùng cô nhắn tin cho bố mẹ mình trong cuộc trò chuyện nhóm gia đình là lúc 9h20' tối 29/10, chúc họ vui vẻ và trở về nhà an toàn. Bà Kang chia sẻ những bức ảnh chụp tán lá mùa thu kèm theo câu nói hào hứng: “Hẹn gặp lại con gái yêu vào ngày mai” trước khi tắt điện thoại đi ngủ.

Sáng hôm sau, khi bật TV lên, bà thấy tin tức về thảm kịch Itaewon. Hoảng hốt, bà gọi vào di động của con gái. Một sĩ quan cảnh sát đã trả lời và nói với bà rằng chiếc điện thoại nằm trong số những đồ vật được cảnh sát thu giữ từ hiện trường vụ giẫm đạp ở Itaewon.

Bà Kang đã gọi điện nhờ hàng xóm kiểm tra căn hộ của mình. Khi ấy bà vẫn tin rằng con không sao. Bà nói: “Tôi nghĩ có lẽ con bé đã bị mất điện thoại di động nhưng vẫn ở một nơi an toàn”. Nhưng hàng xóm không thấy ai ở nhà.

Vợ chồng bà Kang hoảng sợ vội vã quay trở lại Seoul thì nhận được điện thoại từ cảnh sát vào khoảng giữa trưa, thông báo tin sét đánh.

Đôi khi tôi tự hỏi liệu mọi chuyện có khác đi nếu chúng tôi không đi xa…

BÀ SUNNY KANG, NGƯỜI CÓ CON GÁI THIỆT MẠNG TRONG THẢM KỊCH Ở ITAEWON KHI BÀ VÀ CHỒNG THAM GIA CHUYẾN ĐI BỘ ĐƯỜNG DÀI CUỐI TUẦN

Kể từ ngày hôm ấy, vợ chồng bà Kang không tham gia bất kỳ chuyến đi bộ đường dài nào nữa và họ cũng không rời khỏi nhà qua đêm. Họ quyết định mỗi tối phải về nhà trước 11 giờ đêm - thời điểm con gái thường trở về nhà.

Đêm nào bà Kang cũng ngồi trên giường con gái chờ đợi. "Bởi vì không biết khi nào tôi có thể nghe lại câu nói 'Mẹ ơi, con về rồi'", bà nói trong nghẹn ngào.

Nỗi đau của một người cha

Ông Lee Jung-min đang xem một trận bóng đá trên TV thì nhận được cuộc gọi từ chồng sắp cưới của con gái ông, cô Lee Joo-young.

Giữa những tiếng nức nở cuồng loạn, nam thanh niên giục ông Lee và gia đình hãy đến Itaewon ngay nhưng không giải thích được lý do.

Tôi nghĩ có lẽ đã có một vụ tai nạn giao thông. Chúng tôi không bao giờ ngờ rằng thảm họa như vậy lại xảy ra ở Itaewon.

ÔNG LEE JUNG-MIN, CHA CỦA MỘT NẠN NHÂN THIỆT MẠNG TRONG VỤ GIẪM ĐẠP Ở ITAEWON

Đến ga tàu điện ngầm Itaewon, ông Lee cùng vợ và con trai lớn chứng kiến cảnh hỗn loạn khi xe cứu thương kêu inh ỏi, đám đông hoảng loạn và lực lượng ứng cứu khẩn cấp điên cuồng thực hiện hồi sức tim phổi cho những người nằm bất động trên mặt đất.

Quá lo lắng, ông Lee chen qua đám đông để đến cuối con hẻm. Bên trong một cửa hàng, ông nhìn thấy cô con gái 28 tuổi của mình nằm trên sàn, trong khi vị hôn phu liên tục ấn vào ngực cô. Ở tầng một của tòa nhà này, có hơn 30 thi thể.

Ông Lee cố gắng vào cửa hàng để giúp đỡ nhưng bị cảnh sát chặn lại và nói với ông rằng con gái ông sẽ sớm được chuyển đi. Ông Lee sau đó đi theo xe cứu thương vì nghĩ rằng cô đang được đưa đến bệnh viện.

Nhưng khi đến một phòng tập thể dục gần đó, nơi được chuyển thành nhà xác tạm thời cho các nạn nhân, ông Lee mới biết rằng con gái mình đã qua đời. "Tôi gần như kiệt sức và thật khó để chấp nhận sự thật".

Gia đình không được phép vào trong thăm con, và phải đến chiều hôm sau, ông Lee mới nhận được cuộc gọi đến đưa thi thể con mình về từ nhà xác bệnh viện ở Uijeongbu, cách Seoul 22km về phía Đông Bắc.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 5.

Cô Lee Joo-young là một trong 159 người thiệt mạng trong thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon vào tháng 10/2022.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 6.

Ông Lee Jung-min và con gái trong bức ảnh cuối cùng chụp vào mùa xuân năm 2022.

Vụ giẫm đạp kinh hoàng ở Itaewon là thảm họa chết người nghiêm trọng nhất ở Hàn Quốc kể từ thảm họa phà Sewol năm 2014, khiến 304 người thiệt mạng, trong đó có 250 học sinh trung học từ 16 đến 17 tuổi đang đi dã ngoại.

Để tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch giẫm đạp ở Itaewon, các gia đình nạn nhân và nhiều người dân đã cùng nhau đi bộ vào thứ 7 hàng tuần trong tháng 10, từ bàn thờ tưởng niệm các nạn nhân tại Tòa thị chính Seoul đến các địa danh nổi tiếng như Tháp Namsan và Cung điện Changdeokgung. Quãng đường đó là 10,29 km.

Tìm kiếm sự an ủi

Bà Ahn Young-song, 48 tuổi, người đã mất cậu con trai 17 tuổi Kim Dong-gyu trong thảm kịch, hiểu cảm giác của ông Lee.

Đừng bận tâm rằng tôi không thể ngủ được nữa vào ban đêm, và cũng đừng nghĩ ngợi rằng những ngày này công việc thật khó khăn. Điều đau đớn nhất của người mẹ là không biết nguyên nhân cái chết của con mình.

BÀ AHN YOUNG-SONG, MẸ CỦA MỘT NẠN NHÂN TRONG THẢM KỊCH GIẪM ĐẠP Ở ITAEWON

Bà Ahn là chủ một quán ăn. Bà đã không thể gặp bất kỳ người bạn nào kể từ đám tang của con trai. Bà nói: "Sau khi tôi tiễn con tôi theo cách như vậy… tôi không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào của những người bạn".

Thay vào đó, bà Ahn tìm kiếm niềm an ủi tại bàn thờ tưởng niệm của Tòa thị chính Seoul. Bà đến đó 2-3 lần/tuần.

"Ở cùng không gian với các tang quyến khác, tôi cảm thấy được an ủi mà không cần phải nói gì", bà Ahn tâm sự.

Nỗi ám ảnh người ở lại

Trong nhiều tháng, vị hôn phu của Lee Joo-young, anh Seo Byeong-woo, thường thức dậy vào lúc nửa đêm, toát mồ hôi vì ác mộng về đám đông tiến đến gần anh, khiến anh nghẹt thở và hét vào tai anh.

Để bình tĩnh lại, người đàn ông 32 tuổi lấy chiếc chăn của vợ sắp cưới và quấn quanh người.

"Tôi có cảm giác như cô ấy đang ôm tôi… chiếc chăn vẫn còn lưu giữ mùi hương của cô ấy, thứ mà tôi rất nhớ", anh nói, giọng nghẹn ngào khi rơi nước mắt.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 8.

Bức ảnh Seo Byeong-woo chụp cùng vị hôn thê quá cố. Nó được chụp trong chuyến đi đến thành phố Georgia vào năm 2021.

Giờ đây, dù những cơn ác mộng đã ít xuất hiện hơn nhưng Seo vẫn phải dùng thuốc chống trầm cảm để chìm vào giấc ngủ ban đêm. Anh cũng phải đến gặp chuyên gia tâm lý 3 tuần một lần.

Thời gian không chữa lành được nỗi đau của anh.

"Mặc dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và an ủi nhưng tôi cũng không cảm thấy khá hơn. Thực sự, tôi còn cảm thấy tồi tệ hơn", Seo nói tại bàn thờ tưởng niệm ở Tòa thị chính Seoul, nơi anh thường xuyên đến để tỏ lòng nhớ thương với vị hôn thê của mình.

Tôi đã mất đi một người rất quý giá với tôi vào đêm hôm đó dù cô ấy ở ngay bên cạnh tôi. Tôi nghĩ điều đó còn tồi tệ hơn vì tôi cảm thấy rất có lỗi khi không thể bảo vệ người con gái mình thương.

SEO BYEONG-WOO, MỘT NGƯỜI SỐNG SÓT SAU THẢM KỊCH GIẪM ĐẠP Ở ITAEWON, KỂ VỀ LÝ DO ANH CẢM THẤY TỒI TỆ HƠN MỘT NĂM SAU THẢM HỌA

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 10.

Seo Byeong-woo và Lee Joo-young trong một trong những bức ảnh cuối cùng họ chụp cùng nhau trước khi cô qua đời.

Ngày 29 tháng 10 năm 2022 đáng lẽ là một ngày hạnh phúc đối với đôi trẻ. Họ đã đính hôn được 3 tháng. Đám cưới của họ được lên kế hoạch tổ chức vào ngày 10 tháng 9 năm 2023. Sau cuộc gặp với người tổ chức đám cưới, họ đến Itaewon để ăn tối và tham gia lễ hội Halloween.

Seo kể lại việc bị mắc kẹt trong đám đông này, bị đẩy “từ trái, phải, trước và sau”. Trong lúc chờ đợi sự giúp đỡ, Seo có cảm giác như mình đang hôn mê rồi bất tỉnh, cuối cùng khi tỉnh lại, anh thấy vị hôn thê của mình đang nhắm mắt.

“Tôi lắc cô ấy, hét vào tai cô ấy và tạt nước vào mặt cô ấy nhưng cô ấy không tỉnh dậy”, anh nói và cho biết thêm rằng anh vẫn tiếp tục hồi sức tim phổi cho cô mặc dù biết rằng Lee không còn thở nữa.

Ngay cả khi cô ấy chỉ có 1% cơ hội sống lại, tôi vẫn sẽ tiếp tục cố gắng.

SEO BYEONG-WOO KỂ VỀ CÁCH ANH CỐ GẮNG “ĐÁNH THỨC” VỊ HÔN THÊ CỦA MÌNH

Seo thừa nhận, cảm giác tội lỗi và hối tiếc vẫn "gặm nhấm" anh mỗi ngày. Anh chỉ đơn giản là đang cố sống qua ngày và không thể nghĩ về tương lai.

Khi anh thỉnh thoảng có ý định tự tử, cả gia đình anh và gia đình vợ sắp cưới đều tập trung lại động viên anh tiếp tục sống.

Chị gái của Seo rất quan tâm đến việc đi cùng anh đến các buổi tư vấn vì cô không muốn anh ở một mình.

Chủ nhật hàng tuần, hai gia đình phải di chuyển 2 giờ đồng hồ để đến thăm nhà Lee ở Pocheon, phía Đông Bắc Seoul. Họ cùng nhau ăn tối và kết thúc một ngày viếng thăm bàn thờ tưởng niệm ở Tòa thị chính Seoul.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 12.

Ông Lee Jung-min đến thăm "ngôi nhà" của con gái, Lee Joo-young, vào Chủ nhật hàng tuần cùng gia đình, vị hôn phu của cô.

Nỗi tuyệt vọng của những người chủ cửa hàng

Từng là trung tâm mua sắm, ăn uống và câu lạc bộ sôi động được người nước ngoài cũng như người dân địa phương thường xuyên lui tới, nay Itaewon trầm lắng và yên tĩnh đến lạ. Hầu hết du khách vẫn chưa thể quay trở lại đây sau 1 năm.

Trong con hẻm chật hẹp nơi xảy ra cảnh đám đông chen lấn, xô đẩy, chỉ có 2 cửa hàng mở cửa kinh doanh.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 13.

Một bức tường tưởng niệm chứa đầy những tờ giấy nằm ở lối vào con hẻm ở Itaewon.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 14.

Hoa được đặt dưới chân bức tường tưởng niệm dành riêng cho các nạn nhân.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 15.

Những lời chia buồn do du khách viết đầy trên bức tường tưởng niệm ở lối vào con hẻm.

Con hẻm này những ngày này không có nhiều người qua lại, ngoại trừ một vài người qua đường tò mò dừng lại để xem những tờ giấy dán trên bức tường tưởng niệm gần lối vào.

Một lối vào nhỏ dẫn xuống tầng hầm cửa hàng bán quần áo và phụ kiện của bà Kim Soon-ok (58 tuổi). Bà đã đóng cửa sớm vào ngày xảy ra vụ việc. Bà đã nhiều lần khóc khi xem những đoạn video đưa tin về thảm kịch.

Với doanh số bán hàng giảm xuống mức tồi tệ hơn so với thời kỳ đại dịch Covid-19, những ngày này, bà đóng cửa sớm 2 tiếng. Bà Kim lo ngại cửa hàng của mình không thể cầm cự thêm 2 năm nữa.

Giờ chúng tôi chỉ mở cửa bán hàng 1-2 lần mỗi tuần. Tình hình rất khó khăn.

CHỦ CỬA HÀNG THỜI TRANG KIM SOON-OK KỂ VỀ VIỆC THẢM KỊCH ĐÃ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CÔNG VIỆC KINH DOANH CỦA BÀ NHƯ THẾ NÀO

Tại cửa hàng tiện lợi bên cạnh, một người đàn ông lớn tuổi làm việc bán thời gian đang ngồi trên sân hiên nhỏ của cửa hàng xem video trên điện thoại di động.

Ông nói: “Hoạt động kinh doanh của chúng tôi hoạt động tốt khi khai trương vào tháng 7 năm ngoái, nhưng doanh thu sụt giảm nghiêm trọng sau thảm kịch”.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 17.

Con hẻm nơi xảy ra thảm kịch giẫm đạp.

Dọc theo con đường chính ở Itaewon, những tấm biển “cho thuê” được dán nổi bật trên những tấm kính của những mặt tiền các cửa hàng trống huơ trống hoác.

1 năm sau thảm kịch giẫm đạp Itaewon: Cha mẹ tìm con trong giấc mơ, nỗi đau đớn tột cùng chưa khi nào nguôi ngoai - Ảnh 18.

Mặt tiền một cửa hàng trống rỗng ở Itaewon.

Tuy nhiên, nhiều chủ cửa hàng không muốn nói về công việc kinh doanh ảm đạm khi dư luận đang đặt vấn đề thiệt hại về người lên hàng đầu.

Chủ cửa hàng đồ cổ Kim Chang Hyun, 61 tuổi, thường đi bộ qua con hẻm trên đường về nhà. Ông nói rằng bây giờ ông không thể đi theo con đường đó.

"Thật quá buồn. Những người đã chết, họ bằng tuổi con trai và con gái tôi", ông nói.

Đại lý bất động sản Lee Jumi, 50 tuổi, sống và làm việc ở Itaewon suốt 18 năm qua, cho biết bà chưa bao giờ thấy tình hình tệ đến thế. Nhiều hộ kinh doanh chỉ có thể trông chờ vào những người mua sắm cuối tuần.

"Thật khó để các cửa hàng – đặc biệt là những cửa hàng trên con phố chính có giá thuê cao hơn – có thể tồn tại chỉ nhờ vào lượng khách vào cuối tuần. Người ta sẽ không kiếm đủ tiền để bù đắp chi phí thuê mặt bằng", bà nói.

Trong nhiều ngày sau thảm kịch, các cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa để bày tỏ sự tôn trọng đối với các nạn nhân và cũng vì bất an trước một vụ việc bi thảm như vậy.

Ông Chris Tuter, chủ sở hữu của nhà hàng Braai Republic, cho biết đã có “tác động lớn” trong gần 4 tháng sau thảm kịch, nhưng hoạt động kinh doanh đang phục hồi.

Ông tự coi mình là người may mắn khi có lượng khách hàng thường xuyên nhưng cho biết một số nơi vẫn đang phục hồi sau đại dịch đã bị ảnh hưởng gấp đôi bởi thảm kịch.

Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp (MSS) của Hàn Quốc đang cố gắng giúp đỡ các hộ kinh doanh. Bộ trưởng MSS, bà Lee Young, nói rằng cơ quan của bà đã thành lập một trung tâm hỗ trợ một cửa để giải quyết các vấn đề của chủ doanh nghiệp và cung cấp hỗ trợ tài chính.

Kể từ tháng 3 năm 2023, MSS đã triển khai các sáng kiến bao gồm triển lãm đường phố, cửa hàng tạm thời và các chiến dịch truyền thông xã hội để thu hút đám đông quay trở lại Itaewon.

Bà Lee cho biết họ đang nỗ lực biến Itaewon thành một điểm đến nơi “mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể có trải nghiệm mới đồng thời tưởng nhớ và gửi lời chia buồn về quá khứ của nó”.

Dù các thương gia Itaewon mong chờ sự phục hồi sau thảm kịch, họ biết rằng cuộc chiến đấu này của họ không thể so sánh với nỗi đau của những người mất đi người thân.

Tôi biết những gia đình và bạn bè có người thân bị ảnh hưởng bởi thảm kịch. Làm sao tôi có thể nói về tình trạng kinh doanh của mình khi họ còn phải trải qua nhiều khó khăn hơn thế?

MỘT BÁC SĨ THÚ Y CÓ PHÒNG KHÁM NẰM TRÊN CON ĐƯỜNG CHÍNH CỦA ITAEWON

Nguồn: Straits Times

Chia sẻ