1 "lỗi sai" nghiêm trọng trong Tây Du Ký mà hơn 400 năm không ai nhận ra: Cô bé 11 tuổi là người đầu tiên lên tiếng
Trong khi phần lớn người xem không để ý thì cô bé này đã tinh ý phát hiện 1 điểm bất thường.
Từ lâu, tác phẩm kinh điển "Tây Du Ký" của học giả Ngô Thừa Ân đã được xem là một trong bốn kiệt tác vĩ đại nhất của văn học Trung Hoa, bên cạnh "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần, "Thủy Hử" của Thi Nại Am và "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung.
Tuy nhiên, trong khi phần lớn người xem không để ý thì cô bé Mã Tư Tư sống tại Trung Quốc đã tinh ý phát hiện 1 điểm bất thường khi mới 11 tuổi.
Cụ thể, trong "Tây Du Ký", bốn thầy trò Đường Tăng thực hiện hành trình thỉnh kinh từ đông thổ Đại Đường tới Tây phương. Chặng đường kéo dài qua nhiều vùng đất với văn hóa và phong tục khác nhau, đặc biệt là về ẩm thực.
Tuy nhiên, điều mà cô bé Mã Tư Tư nhận thấy là dù đi đến đâu, nhóm thầy trò Đường Tăng vẫn ăn những món giống nhau ngày qua ngày. Thực đơn của họ chủ yếu gồm cơm trắng, rau xanh, nấm, mộc nhĩ, đậu phụ và màn thầu.
"Đây là một điều vô lý", cô bé đã thốt lên khi nhận ra.
Sau khi phát hiện "lỗ hổng" trong tiểu thuyết "Tây Du Ký", cô bé Mã Tư Tư, khi đó mới 11 tuổi, đã viết một bài phân tích chi tiết trên trang cá nhân. Theo quan điểm của nữ sinh này, những món ăn kể trên đều mang đậm phong vị của Giang Tô, Trung Quốc - quê hương của tác giả Ngô Thừa Ân. Cô bé suy luận rằng, do điều kiện thời xưa không cho phép tác giả có cơ hội đi nhiều nơi, nên ông khó có thể thu thập được tư liệu phong phú và chính xác về ẩm thực các vùng khác.
Bài viết của Tư Tư nhận được sự tán thưởng từ cộng đồng độc giả, trong đó có cả các chuyên gia phê bình văn học. Đáng chú ý, trong suốt hơn 400 năm từ khi tác phẩm ra đời vào năm 1590 cho đến khi Tư Tư đăng bài vào năm 2018, chưa ai từng lên tiếng chỉ ra sai sót này.
Một độc giả đã đặt câu hỏi liệu thầy trò Đường Tăng có mang theo lương thực dự trữ hay không, nhưng Tư Tư đã phản hồi đầy thuyết phục. Cô bé lập luận rằng nếu nhóm Đường Tăng mang theo lương thực, chúng hẳn đã cạn kiệt từ lâu, vì hành trình thỉnh kinh kéo dài tới 14 năm, trong khi điều kiện khắc nghiệt của chuyến đi không cho phép bảo quản thực phẩm trong thời gian dài như vậy.
Nhiều chuyên gia giáo dục đã khen ngợi sự quan sát tinh tế và phân tích sắc bén của Tư Tư. Cô bé không chỉ đọc sách để giải trí mà còn áp dụng tư duy logic, tìm ra những điểm bất hợp lý trong một tác phẩm kinh điển – điều mà không phải người lớn nào cũng làm được.
Ngoài đời, Tư Tư là người có niềm đam mê đặc biệt với văn học. Từ nhỏ, cô đã đọc nhiều tác phẩm kinh điển của Trung Quốc – vốn được coi là thách thức đối với lứa tuổi trẻ em. "Tây Du Ký" là một trong những tác phẩm mà Tư Tư yêu thích nhất, cô bé đã đọc đi đọc lại nhiều lần nên mới có thể phát hiện điều bất thường này.
Tại Việt Nam, bộ phim "Tây Du Ký" chuyển thể từ tác phẩm này đã trở thành một phần ký ức tuổi thơ của nhiều thế hệ. Theo thống kê từ các đài truyền hình Trung Quốc, "Tây Du Ký" hiện giữ kỷ lục là bộ phim có số lần tái chiếu cao nhất trên màn ảnh nhỏ.
Cụ thể, tác phẩm này đã được phát lại khoảng 3.000 lần – một con số đáng kinh ngạc mà chưa có bộ phim nào tại thị trường Trung Quốc đạt tới, bao gồm cả các tác phẩm chuyển thể từ "tứ đại danh tác" khác như "Thủy Hử" của Thi Nại Am, "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung hay "Hồng Lâu Mộng" của Tào Tuyết Cần.
Đây cũng là bộ phim có lượng người xem đông đảo nhất tại Trung Quốc. Theo thống kê từ Tân Hoa Xã, 89,4% dân số nước này đã từng xem "Tây Du Ký", và hơn 50% khán giả thừa nhận họ đã xem bộ phim này hơn 10 lần.
Theo QQ, lý do khiến "Tây Du Ký" được khán giả yêu mến là nhờ nội dung hài hước, truyền tải nhiều thông điệp sâu sắc và phù hợp với nhiều đối tượng khán giả khác nhau.
*Nguồn: QQ