Xem phim Sex Education, nhờ câu này mà tôi khiến con từ đứa trẻ nói xấu bạn bè trở nên biết quan sát và đồng cảm với người khác!
Tôi đã giật mình khi nghe con thao thao bất tuyệt nói xấu bạn.
Cách đây không lâu, lúc đi đón con tan học, tôi thấy con vừa leo lên xe vừa phụng phịu:
– Mẹ ơi, mẹ có biết cái bạn ngồi bàn trên con không? Bạn gì mà kỳ lạ. Không chơi với ai, không bao giờ cười, mặt lúc nào cũng lạnh như nước đá. Kiểu chảnh chảnh sao đó mẹ.
Tôi chưa kịp phản hồi thì con tiếp tục kể một tràng: nào là “thấy ghét”, “kỳ quặc”, “khó gần”, “giả vờ tri thức”… Tôi hiểu, đó có thể chỉ là sự quan sát hồn nhiên của một đứa trẻ tuổi dậy thì, nhưng cách con gán nhãn cho người khác lại khiến tôi chùng lòng.
Tôi không nói gì ngay. Trong đầu bỗng bật lên một câu thoại mà tôi từng nghe trong phim Sex Education, cách đây cũng phải gần một năm.
Đó là khi Eric – cậu học sinh da màu có tính cách nổi bật và từng trải qua không ít kỳ thị – đã nói: “You don’t know what my reality is”. (Dịch: Bạn không biết tôi đang thực sự trải qua điều gì đâu.)
Lần đầu nghe câu đó, tôi thấy hay. Nó vượt khỏi bối cảnh phim học đường. Đó là một lời nhắc nhở cho tất cả chúng ta – những người hay phán xét mà không hiểu tường tận cuộc sống, hoàn cảnh, nỗi đau của người khác.
Nhưng rồi tôi quên. Như bao câu thoại hay khác mà mình từng thích. Cho đến chiều hôm ấy, khi con tôi thao thao nói về một bạn học bằng tất cả những định kiến chủ quan, tôi bỗng nhớ lại.

Phim Sex Education có nhiều câu thoại ý nghĩa
Tôi để con nói hết rồi mới hỏi:
– Con đã bao giờ thử nói chuyện riêng với bạn ấy chưa?
– Dạ chưa. Bạn ấy chẳng nói chuyện với ai cả.
Tôi dừng xe ở đèn đỏ, quay sang nhìn con:
– Con biết không, mỗi người đều có một câu chuyện riêng. Có thể bạn ấy đang buồn, từng bị tổn thương, hoặc có lý do khiến bạn sống khép kín. Mình không nên vội vàng đánh giá khi chưa thật sự hiểu người ta.
Con im lặng. Tôi không nói thêm, cũng không ép con phải “suy ngẫm” ngay. Nhưng một tuần sau, con bất ngờ kể:
– Mẹ, bạn đó vẫn không chơi với ai, nhưng hôm trước con thấy bạn ấy lén lau nước mắt. Tự nhiên con thấy thương.
Tôi chỉ mỉm cười. Không cần nói ra, tôi vẫn biết con đang dần học cách nhìn người khác bằng ánh mắt cảm thông.
Làm cha mẹ, nhiều khi không cần rao giảng thật nhiều. Chỉ một lần đối thoại nhẹ nhàng, một câu chuyện đúng lúc, một cách dẫn dắt khéo léo – cũng có thể gieo vào lòng con một hạt giống.
Từ chuyện nhỏ như vậy, tôi nhận ra: Dạy con học giỏi là cần thiết, nhưng dạy con biết suy nghĩ cho người khác còn quan trọng hơn. Không phải ai cũng bộc lộ khó khăn của mình ra bên ngoài. Có những đứa trẻ lặng lẽ gánh chịu tổn thương. Và nếu con tôi có thể hiểu điều đó, biết sống tử tế, không phán xét ai qua vài hành vi bên ngoài – thì tôi nghĩ mình đã làm đúng một phần trong hành trình làm mẹ.
Bởi trưởng thành không chỉ là học thật giỏi, thi thật cao, mà còn là học cách lắng nghe, biết sống bao dung, thấu hiểu con người. Và đôi khi, để dạy được điều đó cho con, chính người lớn cũng phải học cách nhìn lại mình – học cách ngừng phán xét, biết đặt dấu hỏi trước khi đặt dấu chấm hết.
Tôi nghĩ, nếu mỗi đứa trẻ lớn lên trong một môi trường được thấu hiểu và được dạy cách thấu hiểu, thì dù có khó khăn đến đâu, các con cũng không trở nên lạnh lùng hay khép mình. Chúng sẽ biết cách sống tốt, sống sâu, và biết nâng đỡ người khác – dù chỉ bằng một cái nhìn nhẹ nhàng, một cái gật đầu công nhận, hay đơn giản là: “Con biết bạn đang trải qua điều gì đó. Con không phán xét".