Tôi chết lặng khi đọc một số liệu từ Bệnh viện Nhi Trung ương: Bao nhiêu cha mẹ đã vô tình "hại" con vì lơ là điều này?
Giữa bao cuộc đua thành tích, có khi nào ta đã quên một trong những bài học quan trọng nhất?
Tôi đọc tin này lúc đang chuẩn bị bữa tối cho con. Nồi canh còn đang sôi, mà tim tôi như nghẹn lại.
Theo thông tin từ riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2024, đã tiếp nhận và điều trị cho 66 trẻ bị xâm hại; trong đó, 65,1% là xâm hại thân thể, 28,8% là xâm hại tình dục và 6,1% do bị bỏ mặc.
Báo cáo thống kê của Trung tâm Pháp y Hà Nội về tổng số vụ xâm hại tình dục (XHTD) ở các độ tuổi mà Trung tâm đã tiếp nhận giám định cho thấy, nếu năm 2017 tổng số vụ là 90 (trong đó nạn nhân dưới 13 tuổi là 30 vụ; từ 13 - 16 tuổi là 20 vụ; từ 16 đến dưới 18 tuổi là 16 vụ; trên 18 tuổi là 24 vụ) thì chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024 tổng số vụ là 144 (trong đó nạn nhân dưới 13 tuổi là 11 vụ; từ 13 - 16 tuổi là 31 vụ; từ 16 đến dưới 18 tuổi là 20 vụ; trên 18 tuổi là 82 vụ). Các năm trước đó, số vụ cũng rất cao, năm 2023 là 249 vụ, 2022 là 234 vụ, 2021 là 206 vụ…
Thực tế hiện nay cho thấy mọi trẻ em đều có nguy cơ bị xâm hại tình dục, bất kể giới tính, độ tuổi hay hoàn cảnh sống. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phần lớn thủ phạm là nam giới và đa số các vụ xâm hại xảy ra bởi người quen biết với nạn nhân, như họ hàng, bạn bè của gia đình, hàng xóm, thậm chí là người thân ruột thịt.
Tôi chết lặng.
Không phải vì con số. Mà vì những gương mặt chưa từng được thấy, những câu chuyện chưa từng được kể ẩn sau 6 chữ: "Xâm hại tình dục trẻ em".

Ảnh minh hoạ
Là một người mẹ, tim tôi thắt lại khi tưởng tượng: Nếu một ngày, con gái tôi, đang còn ôm gấu bông, mê truyện công chúa, bị cuốn vào những bi kịch mà lẽ ra chỉ người lớn mới phải đối mặt. Những câu chuyện xâm hại, lừa gạt, ép buộc… hay đôi khi, chỉ là vì con không được trang bị đủ hiểu biết để tự bảo vệ mình.
Chúng ta so kè từng điểm số, từng tấm huy chương, từng suất học bổng. Đầu tư thời gian, tiền bạc để con giỏi toán, giỏi tiếng Anh, chơi đàn, nói ngoại ngữ. Nhưng mấy ai từng tự hỏi: Con mình, khi bước vào đời, đã thực sự hiểu gì về cơ thể chính mình? Về giới tính, về ranh giới, về cách bảo vệ bản thân khỏi những điều không ai mong muốn?
Giữa bao cuộc đua thành tích, có khi nào ta đã quên một trong những bài học quan trọng nhất – bài học về an toàn thân thể và quyền được nói "không"?
Chúng ta không thể chờ đến khi con lớn mới dạy con về giới tính. Bởi xã hội này không đợi con trưởng thành mới có thể làm tổn thương con.

Khi im lặng không còn là yêu thương
Tôi nhớ có lần ngồi chơi cùng nhóm bạn ở lớp học kỹ năng cuối tuần của con. Một người mẹ kể: con gái chị học lớp 4, vừa tham gia một tiết giáo dục giới tính do trường tổ chức. Về nhà, con hỏi: "Vì sao con gái lại có kinh nguyệt?", "Làm sao để biết ai đó đang xâm hại mình?", "Nếu con sợ mà không dám nói thì sao?".
Chị ấy không trả lời. Chỉ bảo: "Lớn rồi sẽ biết. Hỏi mấy chuyện đó kỳ lắm!". Hôm sau, chị nói với tôi: "Con nít lớp 4 mà đã học mấy cái này, thấy lo lo. Không biết có sớm quá không. Nhỡ vẽ đường cho hươu chạy thì sao?".
Tôi không trách chị. Thật lòng. Vì có rất nhiều người lớn cũng từng lớn lên trong những mái nhà chưa bao giờ nhắc đến chữ "giới tính". Với họ, im lặng là giữ gìn. Là yêu thương. Là đạo đức.
Nhưng im lặng không bảo vệ được con.
Nó chỉ để lại một khoảng trống, sớm muộn gì cũng bị lấp đầy bằng tò mò, hiểu lầm, hay thậm chí là những tổn thương không thể chữa lành.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 16 triệu bé gái từ 15-19 tuổi sinh con mỗi năm. Một phần lớn trong số này là nạn nhân của ép buộc, cưỡng bức, hoặc thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản.
Vì vậy, dạy con sớm không phải là "vẽ đường cho hươu chạy".
Chúng ta đang vẽ cho con một tấm bản đồ để con không lạc đường.

Tôi bắt đầu với con gái mình bằng những điều nhỏ nhất
Tối hôm đó, tôi ngồi xuống bên con, ôm con vào lòng và bắt đầu một cuộc trò chuyện.
Tôi nói: "Cơ thể con rất quý giá. Có những vùng chỉ con mới được chạm vào. Kể cả người thân cũng không được đụng nếu con không đồng ý. Nếu có ai làm điều gì khiến con thấy sợ hãi hay khó chịu, con hãy nói ngay cho mẹ biết. Mẹ sẽ luôn tin con". Không giảng giải, không căng thẳng, không dọa nạt. Chỉ là một cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, như khi tôi dạy con đánh răng hay buộc dây giày.
Vì tôi tin: Nếu bắt đầu đúng lúc, đúng cách, giáo dục giới tính sẽ trở thành một phần tự nhiên trong hành trình lớn lên của con.
Tôi không đổ lỗi cho những người mẹ trong các câu chuyện đau lòng.
Không người mẹ nào mong điều tồi tệ xảy đến với con mình. Nhưng nhiều người trong chúng ta từng lớn lên thiếu vắng những hiểu biết căn bản. Không ai dạy ta cách bắt đầu cuộc trò chuyện ấy, nên ta lặng im.
Thay vì trách móc, tôi mong có thêm nhiều mô hình hỗ trợ như "Bồ Công Anh" của Bệnh viện Hùng Vương (TPHCM), nơi phụ nữ và trẻ em được lắng nghe, được hỗ trợ tâm lý, pháp lý kịp thời.
Tôi mong những buổi nói chuyện về giới tính xuất hiện nhiều hơn trong trường học. Không phải để "kích thích tò mò", mà để trang bị cho các em, đặc biệt là bé gái một chiếc áo giáp đầu tiên trong đời: Hiểu biết và kỹ năng tự vệ.

Giáo dục giới tính không giết chết sự trong sáng mà là cách để giữ gìn nó
Chúng ta không thể chờ đến khi con dậy thì mới dạy con về giới. Vì kẻ xấu không chờ. Tai họa không báo trước. Con không cần những lời hù dọa. Con cần sự dẫn dắt bằng tình yêu và sự chuẩn bị vững vàng.
Đừng vì ngại ngùng mà để mạng xã hội, phim ảnh hay lời rỉ tai từ bạn bè trở thành người "thầy đầu tiên" về giới tính của con, nơi đầy rẫy những thông tin lệch lạc và nguy hiểm.
Đừng nói: "Chuyện đó chắc ở đâu xa lắm". Bởi Hà Nội, TP.HCM không xa. Gần một nghìn em bé ấy, từ 2017 đến 2024 không phải nhân vật tiểu thuyết hay tin giật gân báo chí. Đó là sự thật, nhức nhối và đau đớn.
Là người lớn, chúng ta có thể làm gì?
Hãy bắt đầu từ chính ngôi nhà của mình. Từ đứa con của mình. Từ sự dũng cảm để mở một cuộc trò chuyện thẳng thắn nhưng đầy yêu thương.
Để một ngày nào đó, con gái mình có thể nói: "Cảm ơn mẹ vì đã dạy con biết cách tự bảo vệ mình. Con an toàn vì con hiểu rõ giá trị của bản thân".
Vì yêu thương không chỉ là bao bọc mà còn là trao cho con sức mạnh để bước đi giữa đời.