Xem Như Ý truyện ghét Càn Long làm gì khi chính trong nhà mình cũng có 1 “ông vua” như thế, chỉ là người làm vợ có chịu thừa nhận?
Độc đoán, ích kỉ, gia trưởng, vũ phu, ham của lạ… đâu chỉ có riêng Càn Long trong Như Ý truyện. Càn Long xuất hiện hàng ngày, nhan nhản trong cuộc sống của chúng ta, trong chính cuộc hôn nhân mà chúng ta đang cố gìn giữ.
Những ngày qua, sau khi bộ phim nổi đình nổi đám Như Ý truyện đã đi đến chặng cuối thì người ta đột nhiên nhận ra rằng: những màn đấu đá giữa các phi tần chẳng đủ để khán giả căm phẫn cái tên một cô nương như những bộ phim cung đấu khác. Mà thay vào đó là nam nhân đã gián tiếp gây ra bao sóng gió, hội tụ đủ mọi yếu tố của một người chồng, người cha tồi tệ. Đó chính là Càn Long.
Nhưng nếu các chị em đang không ngừng chửi rủa, căm ghét và lên án những hành động bỉ ổi của Càn Long thì hãy lắng lại một chút. Độc đoán, ích kỉ, gia trưởng, vũ phu, ham của lạ… đâu chỉ có riêng Càn Long trong Như Ý truyện. “Bóng dáng” Càn Long xuất hiện hàng ngày, nhan nhản trong cuộc sống của chúng ta, trong chính cuộc hôn nhân mà chúng ta đang cố gìn giữ.
Cảnh trong phim Như Ý truyện
Nếu như Nhàn Phi trong Diên Hi công lược từng uất hận mà nói với đấng phu quân của mình rằng: "Người yêu thương ngài thì ngài không chăm lo. Người không yêu ngài thì ngài giữ như bảo bối" thì câu nói này lại hoàn toàn đúng trong Như Ý truyện - một bức tranh đầy đủ và chính xác nhất về bi kịch hôn nhân.
Khoan bàn đến việc Càn Long bị chính người đầu ấp tay gối với mình lên án thế nào mà hãy nhìn vào thực tế cuộc sống chúng ta. Đã có bao nhiêu phụ nữ coi một người đàn ông là cái rốn của vũ trụ, là chân lý, là lẽ sống? Thế rồi, bao ước mơ, hoài bão thời thanh xuân cuối cùng cũng chỉ gói gọn trong tình yêu dành cho một người đàn ông. Yêu hết lòng, hi sinh hết dạ, kết quả nhận được chỉ là có mình nghĩ cho người ta.
Đã có không ít những chị từng sáng dậy sớm chuẩn bị bữa ăn sáng cho chồng? Là từng chiếc áo sơ mi, lau từng đôi giày, nấu từng bữa cơm, chăm từng giấc ngủ. Thế rồi, chồng mình lại đem cái sự bảnh bao mà các chị dày công chau chuốt ấy để đi tán tỉnh một cô gái khác. Mang những âu yếm, quan tâm lẽ ra người được nhận là các chị để ban phát bừa bãi cho những nhân tình trẻ đẹp ngoài kia? Nếu có trót chăm chỉ quá thì "lười" bớt lại đi các chị à, chăm sóc bản thân mình nhiều hơn, san sẻ bớt việc nhà cho chồng để mọi thứ được cân bằng lại.
Đừng nghĩ mình đàn ông biết ích kỉ. Ích kỉ là bệnh mãn tính của con người, quan trọng mức độ ích kỉ trong mỗi người nhiều hay ít mà thôi. Càn Long trong Như Ý truyện có ba nghìn giai nhân hầu hạ hàng đêm nhưng vẫn giở thói ghen tuông để những người hết lòng nhất cũng bỏ ông mà đi. Người như Càn Long, có trong tay cả thiên hạ nên lúc nào cũng phải được sở hữu tất cả. Kể cả dù có thừa nhưng đồ thừa ấy vẫn phải do mình đứng tên và cai quản. Ấy là thời phong kiến. Còn ngày nay thì sao?! Cũng có không ít những đức ông chồng coi việc mình “léng phéng” là chuyện thường tình. Nhưng khi vợ có tỏ ra thân thiết với người khác phái thì lên gân đe nẹt.
Yêu hết lòng, hi sinh hết dạ, kết quả nhận được chỉ là có mình nghĩ cho người ta (ảnh chụp từ phim Như Ý truyện)
Có những người vợ vẫn ngô nghê cho rằng, chồng mình yêu mình nên mới ghen, ghen là một cách thể hiện tình cảm. Xin thưa! các chị sai rồi, đôi lúc ghen chỉ là một hành động chứng minh quyền sở hữu, tính ích kỉ và nhiều khi nó còn là một cách đánh lạc hướng những bà vợ dễ bị "xỏ mũi".
Đàn bà muôn đời đánh ghen vẫn là tìm cách hành hạ lẫn nhau. Còn đàn ông, họ cũng như Càn Long, mang cái chuyện vợ chồng thiêng liêng, tinh tế để "tra tấn" xác thịt, đày đọa về mặt tinh thần.
Trong cái xã hội bình đẳng ngày nay, vợ bị chồng ép đi "dụ" gái như việc Càn Long bắt Như Ý thuyết phục Hàn Hương Kiến thị tẩm hẳn không nhiều nhưng cũng không phải không có. Ấy thế nên mới có những trường hợp vợ biết mười mươi chồng ăn nằm với người phụ nữ khác nhưng chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Dù có cay đắng, tủi nhục những vẫn phải nín nhịn không dám giãi bày cùng ai. Nỗi khổ của Như Ý không chỉ của riêng nhân vật mà nó còn là nỗi lòng của nhiều người phụ nữ từng trải qua bao giai đoạn từ ngọt ngào đến bi thương chỉ bởi một người đàn ông quyết định.
Thiết nghĩ, nếu người đàn ông nào cũng thể hiện bản chất nguỵ quân tử của mình ngay từ đầu thì không biết các cô có dấn thân vào biển lửa không?!
Quyền lực, địa vị khiến người đàn ông Như Ý hết lòng yêu thương năm nào thay đổi. Hành động cắt tóc của Như Ý như để khẳng định: Hoằng Lịch trong mắt nàng năm xưa đã chết, đã chết thật sự. Những nỗi uất ức xen lẫn sầu thảm rồi bất lực. Người vợ đắm đuối vì chồng chẳng còn cách nào khác ngoài việc chôn chặt những kí ức đẹp, cố giữ một hình ảnh Hoằng Lịch trong tim.
Đấy, đàn bà vẫn luôn cố chấp như vậy, lúc nào cũng sống bằng những hoài niệm. Thực tại có tồi tệ đến thế nào vẫn chẳng thể lấn át nổi quá khứ khi nó đã quá tươi đẹp.
Nhưng một người đàn bà quyền uy, mạnh mẽ sắc sảo trải qua biết bao trầm luân như Như Ý mà còn phải buông bỏ thì hà cớ gì những phụ nữ bé nhỏ hết sức đời thường như chúng ta cứ phải gồng mình tỏ ra cứng rắn? Còn nhớ Càn Long từng nói với Như Ý cái gọi là niềm tin chỉ như trăng soi đáy nước mà thôi: "Trăng đẹp lắm, trong trẻo, điềm tĩnh và khi trăng soi dưới đáy nước kia mơ hồ nhìn thấy chúng hiện ngay trước mắt nhưng mãi mãi ta không thể chạm tay vào. Niềm tin lẽ nào đúng là một thứ xa xỉ đến vậy sao?".
Thực tại có tồi tệ đến thế nào vẫn chẳng thể lấn át nổi quá khứ khi nó đã quá tươi đẹp (ảnh chụp từ phim Như Ý truyện)
Niềm tin đúng là một thứ xa xỉ, vô hình và không hề dễ gây dựng cũng như phá bỏ. Đàn ông reo rắc niềm tin để đàn bà ấp ủ, hi vọng. Thứ niềm tin ấy vừa khiến người ta cố gắng lại vừa khiến người ta trở nên mù quáng.
Nên các chị em à, đừng biến mình thành Như Ý bởi chúng ta không phải sống trong Tử Cấm Thành. Chúng ta có quyền yêu và được yêu. Cho đi phải được nhận lại. Thực tế nhưng không phải thực dụng, phụ nữ có quyền được đòi hỏi, đòi hỏi nhận lại những thứ còn quý giá hơn cả vật chất. Cam chịu lâu ngày đồng nghĩa với thỏa hiệp. Yêu mà cứ hi sinh mãi, không đòi hỏi chút gì cho bản thân thì chẳng khác nào sống trong vô vọng, không chút mưu cầu rồi đừng hỏi tại sao kết cục ta lại tay trắng.
Chị em hãy nhớ, không ai có quyền làm cho chúng ta đau khổ trừ khi bản thân chúng ta cho phép họ. Mạnh mẽ, cứng rắn không phải việc ai cũng dũng cảm gạt bỏ tổn thương để làm được. Nhưng giữ cho bản thân sáng suốt nhìn nhận mọi việc thì chúng ta chắc chắn phải hơn một đáng mày râu.