Xài 3G kiểu bà nội trợ
Theo các chuyên gia, nếu khéo chọn gói cước mobile internet phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhiều người vẫn được "dùng vừa đủ" mà có thể tiết kiệm đến 50%, thậm chí 70% cước so với giá gói không giới hạn.
Một chuyên gia nghiên cứu về các dịch 3G cho biết, hiện nay, dịch vụ Mobile Internet được các thuê bao của các nhà mạng sử dụng nhiều nhất là gói không giới hạn bởi tâm lý “thừa hơn thiếu”, dùng thoải mái không lo phát sinh cước. Nhưng thực tế, gói cước này chỉ phù hợp với những người có nhu cầu sử dụng nhiều. Còn với các bà nội trợ nói riêng và khách hàng lướt web ít, không cần nghe nhạc, xem phim thì điều đó không cần thiết.
“Không phải cứ đóng khung cước là rẻ nhất, nếu khéo chọn gói phù hợp với nhu cầu sử dụng, nhiều người vẫn được ‘dùng vừa đủ’ mà có thể tiết kiệm đến 50%, thậm chí 70% cước so với giá gói không giới hạn. Ban đầu chưa rõ lượng data sử dụng, khách hàng có thể vừa dùng vừa thăm dò xem mỗi tháng phát sinh bao nhiêu Mb, căn cứ vào đó để chọn gói sát nhất với nhu cầu của bản thân”, ông tư vấn.
Chỉ lướt web đọc báo và vào facebook, không nghe nhạc trực tuyến hay push mail nên mỗi tháng chị Khánh ở Cầu Giấy, Hà Nội tốn khoảng 30.000 đồng tiền cước 3G là có thể dùng gói 3G MI30 của Viettel một cách thoải mái.
Xây một dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng trọ cho sinh viên thuê trong ngõ 68 Cầu Giấy, chị Khánh nghỉ việc ở nhà để trông nom và cơm nước, chăm sóc chồng con. Đang quen môi trường công sở nên khi nghỉ ở nhà, chị vẫn giữ thói quen lướt web đọc tin tức hay truy cập mạng xã hội “update” tình hình của bạn bè. Những khi có phòng trống do sinh viên chuyển ra, chị còn lên Facebook đăng tin để nhanh có người đến thuê. Do đó, mặc dù ở nhà nhưng 3G là dịch vụ không thể thiếu với chiếc “dế” của chị Khánh.
Trước, để bảo toàn chi phí trong khung, tránh phát sinh cước nên chị Khánh sử dụng gói Mobile Internet không giới hạn Mimax của Viettel. Nhưng gần đây, thông tin dịch vụ này tăng giá khiến chị cân nhắc lại. “Không phải đắt đỏ, vì họ tăng thêm 20.000 đồng nhưng cũng cộng thêm 100Mb data ở tốc độ cao. Vấn đề là tôi dùng ít, nghỉ làm rồi nên cũng chẳng đụng đến mail nữa, nghe nhạc, xem phim thì TV, đầu đĩa ở nhà sẵn có, ngày chỉ lướt web với vào mạng xã hội vài lần nên thấy xài thế hơi phí”, chị Khánh nói.
Gọi điện lên tổng đài của Viettel, chị Khánh được tư vấn là có thể sử dụng những gói data tính cước theo lưu lượng để tiết kiệm chi phí. Hiện nay, hãng có khá nhiều gói dịch vụ phù hợp với nhu cầu sử dụng của chị. Đơn cử như với cước MI10 dành cho người nội trợ, lao động tự do sử dụng điện thoại phổ thông của Viettel, chị Khánh chỉ tốn 10.000 đồng/tháng cho 50Mb miễn phí, data phát sinh là 25 đồng cho mỗi 50kb. Nếu dùng nhiều hơn, chị có thể chọn gói cước MI30, 30.000 đồng cước thuê bao cho 200Mb miễn phí.
“Cước thuê bao gấp 3 mà dung lượng miễn phí được gấp những 4 lần nên nghe cô tổng đài tư vấn xong, tôi đăng ký luôn gói MI30. Tháng vừa rồi, dùng thấy thoải mái mà kiểm tra vẫn chưa hết 200Mb miễn phí, tính ra tốn có 30.000 đồng cước 3G mỗi tháng”, chị chia sẻ.
Nhà lắp Wi-Fi nên chị Liễu ở Định Công, Hà Nội còn chỉ tốn 10.000 – 15.000 đồng cước 3G mỗi tháng. Chị kể, sau khi sinh cô công chúa thứ 2, sức khỏe yếu nên chị nghỉ hẳn ở nhà để chăm con và nội trợ gia đình. Bẵng đi thời gian dài, chị cũng không update tình hình công nghệ. Nhưng khi cô con gái lớn bước vào cấp 3, nghe theo khuyến cáo của một vài người bạn, chị Liễu mới tập vào mạng, lập Facebook, kết bạn với con gái và bạn bè của cô. “Vừa để hiểu hơn về bọn trẻ bây giờ, vừa để kịp thời biết mà định hướng, uốn nắn con. Các bạn ý bây giờ chia sẻ trên đó còn nhiều hơn tâm sự với ba mẹ”, chị nói.
Vì nhu cầu công việc nên cách đây hơn một năm, chồng chị Liễu đã lắp đặt mạng Internet của Viettel rồi dùng thiết bị Wi-Fi phát khắp nhà. Do đó, khi dùng Mobile Internet, chị Liễu chỉ cần học cách sử dụng thành thạo trên “dế”, còn Wi-Fi lúc nào cũng sẵn sãng.
Vào mạng thành quen nên những hôm có việc ra ngoài, về nhà ngoại hay thỉnh thoảng đi du lịch, không có sóng Wi-Fi, chị “cảm thấy thiếu thiếu, thế nên tôi mới đăng ký gói Mobile Internet MiMin không tính cước thuê bao để khi nào cần thì dùng thôi”. Sử dụng đều đặn đến nay đã nửa năm, chị Liễu nhẩm tính trung bình mỗi tháng hết khoảng 10.000 – 15.000 đồng. Điều khiến chị thích nhất là đăng ký dịch vụ này, chị không cần tốn tiền đầu tư “dế” xịn, chỉ cần loại máy có hỗ trợ 3G, màn hình nhỏ như chị đang dùng là có thể vào mạng tốt.