Vũ công xinh đẹp bị ung thư cổ tử cung dù 5 lần xét nghiệm tế bào cổ tử cung mà không phát hiện ra
Kết quả xét nghiệm không thể giúp bác sĩ phát hiện khối u to bằng trái cam chặn đứng cổ tử cung của cô gái trẻ Laura Woolley, 31 tuổi.
Thời điểm phát hiện ra máu rất nhiều trong và sau khi "quan hệ" với bạn trai, Laura Woolley đang biểu diễn tại Mexico. Lo sợ có gì đó không ổn, cô đã tới gặp một bác sĩ phụ khoa vào tháng 5 năm 2015, ngay gần nơi làm việc của mình.
Nhưng mãi tới 1 năm sau, các bác sĩ mới phát hiện khối u kích thước 4x4 cm "chặn đứng cổ tử cung" của Laura. Ở tuổi 30, cô đã mãn kinh sau nhiều đợt hóa trị và xạ trị để thu nhỏ khối u khiến Laura ngày càng kiệt quệ. Điều này có nghĩa là cô không còn khả năng sinh nở và sẽ không thể có con một cách tự nhiên.
Vũ công kiêm nghệ sĩ biểu diễn nhào lộn Laura Woolley được chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung sau 5 lần xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung không phát hiện bất thường.
"Tôi không biết bất thường đó là gì, nhưng tôi biết chắc có gì đó không ổn", Laura nhớ lại. "Phụ nữ hiểu rõ cơ thể mình và nên lắng nghe dấu hiệu của cơ thể. Tôi đã làm tới 5 xét nghiệm tế bào cổ tử cung nhưng kết quả không phát hiện thấy gì".
Vào tháng 12 năm 2014, trong một kỳ nghỉ ở Anh, Laura làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ tại Leicester và kết quả bình thường. Nhưng tới tháng 4 năm 2015, cô bắt đầu chảy máu rất nhiều trong và sau khi quan hệ tình dục. "Tôi có bạn trai mới và bất cứ khi nào chúng tôi làm ‘chuyện đó’, sau khi kết thúc, tôi đều cảm thấy đau rất nhiều, cứ như tôi bị thương vậy", Laura kể. "Việc này khiến tôi bối rối và nó không hề tốt hơn. Do đó, tôi ngay lập tức tới gặp bác sĩ ở Mexico. Một số người nói đó có thể do hormone của tôi. Nhưng việc có một công việc thực sự chân tay, tôi hiểu cơ thể mình và biết có gì đó không ổn".
Quyết tâm tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, trong năm tiếp theo, Laura đã tự trả tiền để được khám với những bác sĩ phụ khoa khác nhau ở Mexico, tổng cộng khoảng 1.000 bảng Anh.
Mỗi lần, Laura đều được khám và thực hiện xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung để phát hiện dấu hiệu bất thường. Nhưng kết quả lần nào cũng hoàn toàn bình thường và các bác sĩ đau đầu không hiểu nguyên nhân gây ra tình trạng chảy máu của Laura là gì.
Cô gái 31 tuổi được thông báo đã mắc dạng hiếm gặp của ung thư cổ tử cung, 1 năm sau khi phát hiện những triệu chứng đầu tiên.
"Tôi hoàn toàn tuyệt vọng", Laura tâm sự. "Tôi đã gặp nhiều bác sĩ, đi khám ở nhiều bệnh viện khác nhau, nơi tôi được kê những loại thuốc khác nhau nhưng không loại nào hiệu quả. Tôi bị đẩy tới chỗ không thể có những mối quan hệ thực sự. Nếu tôi quan hệ tình dục, tôi sẽ bị ra máu suốt 3 ngày sau đó. Cuối cùng, tôi chỉ dám quan hệ với bạn trai sau khi uống rượu bởi nó khiến tôi đỡ đau đi rất nhiều.
Tôi không muốn kể cho gia đình biết bởi vì tôi muốn tự mình hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra với mình. Tôi luôn là người độc lập".
Tháng 5 năm 2016, lần đầu tiên, một xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung cho kết quả bất thường. Do đó, Laura, sau thời gian dài mệt mỏi vì dùng kháng sinh, đã yêu cầu lấy sinh thiết riêng ở Mexico. Vài tuần sau, cô nhận được thông báo sét đánh qua e-mail từ bác sĩ tại Bệnh viện Galenia, thành phố Cancun: ở tuổi 30, Laura Woolley đã mắc ung thư cổ tử cung.
"Tôi luôn làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung định kỳ. Do đó, thực sự là một cú sốc lớn khi tôi được chẩn đoán bệnh ung thư", Laura cho biết.
Laura đang làm việc tại Mexico khi phát hiện bị ra máu nhiều trong và sau khi quan hệ tình dục.
Đặt vé một chuyến bay trở về nhà, mẹ Laura, bà Jo, 60 tuổi, đã giúp con gái lên lịch hẹn với một bác sĩ địa phương, người lập tức giới thiệu cô tới Bệnh viện Hoàng gia Leicester ngay lập tức.
2 tuần sau, Laura trải qua cuộc phẫu thuật cắt bỏ mô bất thường cũng như tiến hành lần sinh thiết thứ hai, chụp cộng hưởng từ và chụp cắt lớp vi tính.
Trước nỗi kinh hoàng của Laura, bác sĩ thông báo cô bị ung thư biểu mô tuyến mức độ 2, giai đoạn 1b1 - một dạng hiếm gặp của ung thư cổ tử cung. Khối u có kích thước 4x4 cm, chặn đứng cổ tử cung Laura và cô cần hóa trị, xạ trị cũng như liệu pháp phóng xạ - tức là xạ trị bên trong cơ thể.
"Các bác sĩ nói ung thư cổ tử cung dạng biểu mô tuyến rất hiếm gặp, thường phát triển cao hơn hẳn so với phần lớn các dạng ung thư cổ tử cung khác, vì thế mà vô cùng khó phát hiện qua chụp chiếu cổ tử cung", Laura giải thích. "Cảm giác thật suy sụp khi nghe như thế. Bác sĩ nói, tôi có thể đông lạnh phôi của mình, để cứu khả năng sinh nở nhưng khi khám kỹ hơn, họ cho biết, làm vậy là quá mạo hiểm vì khối u rất to. Chưa có ai từng chiết xuất trứng từ một khối u cỡ đó và tôi sẽ phải đối mặt với việc mất máu tới chết nếu chọc vào khối u.
Ở tuổi 30, Laura đã mãn kinh, một tác dụng phụ của liệu trình xạ trị và hoá trị khắc nghiệt.
Mất đi khả năng sinh nở là chuyện vô cùng khó khăn bởi tôi luôn muốn một gia đình và có cảm giác gia đình ấy đã bị cướp đi khỏi tôi. Tôi bắt đầu mãn kinh và thường xuyên đổ mồ hôi, bốc hỏa - điều thật lạ lùng đối với một phụ nữ mới bước sang tuổi 30".
Laura không cần phẫu thuật, do đó, cô bắt đầu 5 tuần điều trị khủng khiếp vào tháng 8 năm 2016 trước khi được nghỉ ngơi 12 tuần tiếp theo.
Thế rồi, vào tháng 1 năm nay, các bác sĩ xác nhận, bệnh ung thư của cô đã không di căn. Laura chia sẻ: "Tôi đã cực kỳ lo lắng về tác dụng phụ của liệu pháp điều trị. Nhưng tôi đã không bị rụng tóc. Tôi chỉ thấy ốm, mệt do không ngủ và tăng cân do tác động của streroid. Và còn có những tác dụng phụ khác để lại ảnh hưởng lâu dài và thật khó khăn để sống chung với chúng.
Giờ đây, tôi lo bệnh ung thư sẽ tái phát. Tôi không khóc chút nào trong suốt quá trình điều trị. Nhưng lúc này, tôi phải nghĩ về tương lai và cố gắng trở lại cuộc sống. Cuộc đời tôi đã thay đổi quá nhiều".
Laura Woolley cũng cho biết, cô thực sự muốn nâng cao nhận thức của mọi người về căn bệnh ung thư cổ tử cung, đồng thời cảnh báo những phụ nữ khác phải tìm hiểu cơ thể mình. "Tôi đang cố gắng để trở lại cuộc sống bình thường và mặc dù tôi không còn làm việc nữa, tôi bắt đầu tập luyện trở lại, bắt đầu tới phòng thể hình. Là một vũ công, tôi đã quen với việc tập luyện rất nhiều. Tôi vẫn tập yoga mỗi ngày khi thực hiện hóa trị và xạ trị. Tôi thậm chí còn tới lớp tập yoga sau cả 1 ngày điều trị. Nó thực sự giúp tôi cả về mặt thể chất và mặt tâm thần".
Vào tháng 1 năm nay, Laura được bác sĩ xác nhận bệnh ung thư của cô không di căn nhưng cô luôn lo sợ nó sẽ quay trở lại.
Robert Music, giám đốc điều hành quỹ từ thiện Jo’s Cervical Cancer Trust, cho biết: "Ung thư cổ tử cung dạng biểu mô tuyến hiếm gặp hơn trong các loại ung thư cổ tử cung và rất khó phát hiện. Đó là lý do tại sao việc quan trọng cần làm là phụ nữ phải nắm rõ những triệu chứng của ung thư cổ tử cung, phổ biến nhất là chảy máu âm đạo bất thường. Hãy tới gặp bác sĩ ngay nếu chị em trải nghiệm bất cứ dấu hiệu nào".
Ung thư cổ tử cung là gì?
Được mô tả là "kẻ giết người thầm lặng", bệnh khởi phát từ cổ tử cung. Khoảng 3.000 ca mắc mới được chẩn đoán tại Anh hàng năm.
Phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi đều có thể mắc ung thư cổ tử cung. Nhưng nó chủ yếu ảnh hưởng tới những người trong độ tuổi hoạt động tình dục, từ 30 đến 45. Ung thư cổ tử cung rất hiếm gặp ở phụ nữ dưới 25 tuổi.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung là gì?
Virus HPV ở người là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra ung thư cổ tử cung. Hai chủng HPV gồm HPV 16 và HPV 18 được biết là thủ phạm của 90% trường hợp mắc bệnh.
Triệu chứng của ung thư cổ tử cung là gì?
Được gọi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi phần lớn phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung không có dấu hiệu rõ rằng, nhất là trong những giai đoạn đầu..
Tuy nhiên, dấu hiệu thường gặp nhất là chảy máu âm đạo giữa các chu kỳ kinh nguyệt.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau khi bước vào giai đoạn mãn kinh
Một số dấu hiệu khác:
- Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu
- Cảm giác khó chịu hoặc đau trong khi quan hệ tình dục
Những phụ nữ trải nghiệm bất cứ triệu chứng nào trong số những triệu chứng được liệt kê ở trên được khuyên nên tới gặp bác sĩ ngay.
Sàng lọc ung thư cổ tử cung
Ở Anh, tất cả phụ nữ có đăng ký khám bệnh với một bác sĩ đa khoa sẽ được mời làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung để phát hiện ung thư cổ tử cung 3 năm một lần, kể từ 25 tuổi đến 49 tuổi và cách 5 năm một lần, từ 50 tuổi đến 64 tuổi.
Phụ nữ trên 65 tuổi chỉ cần kiểm tra phát hiện ung thư cổ tử cung nếu họ không được làm xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung khi 50 tuổi hoặc có kết quả bất thường.
Quỹ từ thiện Jo’s Cervical Cancer Trust ước tính việc kiểm tra sàng lọc ung thư cổ tử cung giúp cứu 5.000 mạng người mỗi năm.
Xét nghiệm để phát hiện điều gì?
Xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung không phải là xét nghiệm để phát hiện ung thư cổ tử cung. Đó là một xét nghiệm nhằm kiểm tra sức khỏe của tế bào cổ tử cung. Phần lớn phụ nữ có kết quả bình thường.
Nhưng, cứ 20 người lại có 1 người có những thay đổi bất thường. Điều này thực sự không có nghĩa là họ bị ung thư và trong phần lớn trường hợp, những thay đổi này không dẫn tới ung thư.
Một số phụ nữ cần trải qua một quá trình để loại bỏ tế bào bất thường, nhằm giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung trong tương lai.
(Nguồn: Thesun)