Vụ án nữ ca sĩ "rẽ hướng" làm phù thủy rồi giết người vì lòng tham vô đáy, ra tòa với nụ cười bí hiểm và câu nói trước khi bị hành quyết gây ám ảnh
Đây là một trong những tội ác ghê tởm nhất ở Malaysia mà cho đến tận ngày nay người ta không khỏi rùng mình ớn lạnh mỗi khi nhắc đến.
Nhắc đến những vụ án giết người khét tiếng nhất Malaysia, người ta nghĩ ngay đến cái tên Mona Fandey, bởi ả đàn bà tàn ác này cùng chồng đã ra tay sát hại một chính trị gia, phân xác, chôn dưới hố sâu 2m rồi đổ đầy bê tông... tất cả hành vi tàn độc ấy bắt nguồn từ lòng tham vô đáy. Những tình tiết xoay quanh vụ án này đã tốn không ít giấy mực của báo chí và cũng trở thành nỗi khiếp đảm của người dân Malaysia cho đến tận ngày nay...
Mona Fandey là ai?
Quay ngược thời gian, trở về giai đoạn đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Người phụ nữ tên Maznah binti Ismail (sinh ngày 1 tháng 1 năm 1956 tại Kangar, Perlis) có nhan sắc không phải hạng tuyệt thế giai nhân nhưng cô ta may mắn sở hữu chất giọng khá tốt.
Luôn mơ ước trở thành ngôi sao nhạc pop, Maznah kết hôn với Mohamad Nor Affandi Abdul Rahman, người tự nhận là người hâm mộ lớn nhất của cô ta. Người đàn ông này cũng hứa sẽ tài trợ và giúp đỡ cho Maznah trở thành ngôi sao nhạc pop lớn nhất của Malaysia. Để thúc đẩy sự nổi tiếng của mình, Maznah đã lấy nghệ danh 'Mona Fandey', được cho là lấy cảm hứng từ biệt danh của chồng cô ta.
Cặp đôi này đã cùng nhau làm việc thực sự chăm chỉ để khởi động sự nghiệp nhạc pop của Mona Fandey. Họ đã sản xuất và tung ra một album phòng thu có tựa đề "Diana". Đến nay, người ta vẫn có thể tìm thấy một số bản ghi âm các buổi biểu diễn của cô ta trên Youtube.
Ả phù thủy đáng sợ gây ra vụ án ám ảnh Malaysia
Tuy nhiên, sau vài năm hoạt động nghệ thuật, họ nhận ra sự nghiệp nhạc pop của Mona Fandey không bao giờ phất lên được, vì vậy Mona Fandey quyết định từ bỏ ước mơ và chuyển sang nghề sinh lợi hơn: phù thủy. Cô ta được cho là có nhiều khách hàng thuộc hạng giàu có và quyền lực.
Một trong số họ là dân biểu bang Batu Talam, ông Datuk Mazlan Idris. Người đàn ông này vì muốn thăng quan tiến chức thật nhanh nên đã sẵn sàng trả cho "mụ phù thủy" Mona Fandey 2.500.000 RM (tương đương hơn 14 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) và sang tên vài mảnh đất, đổi lại cô ta phải giúp ông vụt sáng như một ngôi sao trên vũ đài chính trị.
Tuy nhiên, theo tờ tin tức New Straits Times, vì một số thỏa thuận nhượng quyền sử dụng đất không diễn ra theo ý muốn nên Mona Fandey cùng chồng tên Nor Affendi Abdul Rahman và trợ lý của họ tên Juraimi Husin đã lên kế hoạch giết người, chiếm đoạt tài sản.
3 người bọn chúng hứa rằng chúng có thể khiến ông Datuk Mazlan Idris trở thành một nhân vật "bất khả chiến bại" và đã mời ông đến nhà để thực hiện một nghi lễ "tẩy rửa".
Đầu tháng 7 năm 1993, thay vì nghi lễ, ông Datuk đã bị sát hại. Mona Fandey hướng dẫn người đàn ông nằm xuống và dùng dao đoạt mạng ông. Sau đó, với sự hỗ trợ của chồng và trợ lý, ả đàn bà phân xác rồi đem chôn cất trong một ngôi nhà chưa hoàn thiện thuộc sở hữu của chính ông Datuk ở Kampung Lata Jarum, bang Pahang, Malaysia.
Vào ngày 22 tháng 7 năm 1993, Cục trưởng Cục Điều tra Hình sự Liên bang Malaysia lúc bấy giờ là Datuk Zaman Khan đã chỉ huy một chiến dịch tìm kiếm và phát hiện ra thi thể không còn nguyên vẹn của ông Datuk bị chôn sâu 2 mét trong một cái hố lấp đầy bằng xi măng.
Cảnh sát cũng tìm thấy một bàn thờ và tượng các vị thần, cũng như dao và rìu tại hiện trường. Hơn nữa, một khẩu súng lục thuộc về ông Datuk đã được tìm thấy trong khu vực.
Mona Fandey, Affendi, Juraimi và 2 người khác sau đó đã bị bắt và giam giữ tại Bentong và Kuala Lumpur.
Điều tra của cảnh sát cho thấy khoảng 3.000 RM (tương đương 17 triệu đồng theo tỷ giá hiện tại) đã được rút từ tài khoản của ông Datuk ở Kuantan và Kuala Lumpur, và nó được cho là do một trong những nghi phạm đã mua và trả tiền mặt cho một chiếc Mercedes-Benz 280S.
Vào ngày 3 tháng 8 cùng năm, Mona Fandey, Affendi và Juraimi bị buộc tội trước tòa án của thẩm phán Raub về tội giết ông Datuk. Lúc này, chúng vẫn không chịu cúi đầu nhận tội. Chúng đã bị đưa ra xét xử tại Tòa án Tối cao Temerloh bởi một bồi thẩm đoàn gồm 7 người. Tổng cộng 70 nhân chứng và 295 tang vật được đưa tới phiên tòa. Cuối cùng, thẩm phán kết án tử hình bằng cách treo cổ.
Dù bị kết tội giết người và nhận án tử hình nhưng người phụ nữ này vẫn luôn nở nụ cười bí hiểm.
Trong cả quá trình xét xử, Mona Fandey được cho là có biểu hiện rất kỳ lạ. Thay vì che mặt khỏi máy ảnh và tránh giao tiếp bằng mắt như những tên tội phạm thông thường, cô ta lại mỉm cười và tạo dáng chụp ảnh. Cô ta luôn xuất hiện trong các phiên tòa với trang phục hào nhoáng, rực rỡ và nụ cười luôn hiện hữu.
3 kẻ giết người này đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Liên bang nhưng vào năm 1999, tòa án đã bác bỏ và giữ nguyên bản án tử hình.
Mona Fandey bị treo cổ vào ngày 2 tháng 11 năm 2001 tại nhà tù Kajang. Một ngày trước khi cuộc hành quyết diễn ra, cả Mona Fandey và Nor Affandi đều được phép gặp người nhà lần cuối. Chúng cũng được thưởng thức một bữa ăn cuối cùng của KFC.
Sau đó, vào lúc 5h59 sáng ngày 2 tháng 11 năm 2001, Mona Fandey, Nor Affandi và Juraimi bị hành quyết trên giá treo cổ, chính thức kết thúc vụ án kinh hoàng nhất lịch sử Malaysia. Thế nhưng, phần rùng rợn nhất trong màn hành quyết này là ba từ mà Mona Fandey bình tĩnh thốt ra ngay trước khi cô ta bị treo cổ: "Aku takkan mati" (Tôi sẽ không bao giờ chết)".
Dù rằng ả đàn bà tàn ác này đã phải trả giá cho hành vi phạm tội nghiêm trọng của mình nhưng người đời vẫn chưa hết ám ảnh về những gì ả đã làm. Thậm chí tin đồn được lan truyền rộng rãi rằng trong khi Mona Fandey ở tù, có lần lính canh đã nhìn thấy cô ta lơ lửng, đi bằng bốn chân trên tường và có lúc còn biến mất khỏi phòng giam.
Vào năm 2018, một bộ phim kinh dị của Malaysia có tựa đề "Dukun", do nhà làm phim từng đoạt giải thưởng Dain Iskandar Said đạo diễn, đã được phát hành. Nhân vật chính của bộ phim, do Datin Seri Umie Aida thủ vai, được cho là lấy cảm hứng từ Mona Fandey.
Bộ phim "Dukun", với sự tham gia của Datin Paduka Umie Aida và Adlin Aman Ramli, được quay từ năm 2006. Ban đầu bộ phim được dự kiến phát hành vào tháng 12 năm 2006, nhưng cuối cùng đã bị chính phủ Malaysia cấm do tính chất nhạy cảm của bộ phim. Tuy nhiên, một bản sao chưa bị cắt của bộ phim bằng cách nào đó đã được chia sẻ trên mạng vào đầu năm 2018, làm tăng sự quan tâm của công chúng đối với bộ phim bị cấm này. Và sau đó nó chính thức được công chiếu vào ngày 5/4/2018.
(Nguồn: New Straits Times)