Vụ án Đường "Nhuệ": Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, nếu có tình trạng bảo kê, chống lưng sẽ xử lý ngay
Trả lời Báo điện tử Tổ Quốc chiều tối 14/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, "Kể từ hôm xảy ra vụ việc, Bộ Công an đã có chỉ đạo liên tục đối với công an tỉnh Thái Bình".
Những ngày này, thông tin Công an tỉnh Thái Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 vợ chồng Giám đốc Công ty TNHH Đường Dương (Nguyễn Thị Dương và Nguyễn Xuân Đường (Đường "Nhuệ"), ở 366 Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá, TP Thái Bình, Thái Bình) và 4 đồng phạm về tội "cố ý gây thương tích" đang được dư luận quan tâm, đánh giá rất cao, ghi nhận những chiến công bước đầu của lực lượng Công an nhân dân, Công an Thái Bình.
Điều đáng nói là từ vụ việc này, dư luận đang mong chờ cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hàng loạt các hành vi có dấu hiệu phạm pháp khác của cặp vợ chồng đại gia này như: cho vay nặng lãi, bảo kê, mua bán bất động sản không minh bạch... vốn gây nhiều bức xúc cho người dân tỉnh Thái Bình nhiều năm qua.
Chia sẻ nhanh với Báo Điện tử Tổ Quốc về những chỉ đạo của Bộ Công an đối với vụ án trên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, đấu tranh với tội phạm là công việc của ngành công an nên ngay khi vụ án xảy ra lãnh đạo Bộ Công an đã có chỉ đạo ngay và liên tục đối với Công an tỉnh Thái Bình. Hiện vụ án đang trong quá trình điều tra. Lực lượng công an đang tập trung khẩn trương điều tra theo quy định của pháp luật.
Về câu hỏi phóng viên đặt ra là liệu có vấn đề bảo kê, chống lưng cho băng nhóm Đường "Nhuệ" hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết:
"Sự việc đang được điều tra, nếu có tình trạng này sẽ phải xử lý ngay. Người dân có thể đặt ra rất nhiều tình huống nhưng tất cả đều phải làm việc, điều tra theo quy định của pháp luật".
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, lực lượng công an đang trực tiếp điều tra các vụ án cần phải chấp hành các quy định trong quá trình điều tra để ngăn chặn tội phạm, giữ gìn cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho người dân để làm sao giảm được tội phạm trong xã hội.
"Đối với vụ việc đã xảy ra rồi thì phải khẩn trương đấu tranh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu.
Trước đó, trao đổi với Báo Điện tử Tổ Quốc về vụ việc này, một lãnh đạo Công an Tỉnh Thái Bình cũng cho biết, vụ án đang trong quá trình điều tra. Đặc biệt, hai đối tượng trong băng nhóm này rất cộm cán, đàn em của chúng ở bên ngoài còn rất nhiều nên lực lượng công an phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ phức tạp.
Lực lượng công an tỉnh đang tập trung củng cố các chứng cứ liên quan đến vụ việc gây thương tích, bắt tất cả những trường hợp có liên quan đến vụ việc, còn những vấn đề, vụ việc khác thì sẽ tiếp tục nghiên cứu sau.
"Vụ việc được phát hiện qua đơn thư tố giác của người bị hại, nhưng thực tế chúng tôi đã có chủ trương, sự chủ động xử lý từ trước", lãnh đạo này nói.
Còn về việc liệu có cán bộ chống lưng, bảo kê cho băng nhóm này hoạt động hay không, lãnh đạo công an cho hay, hiện lực lượng công an anh em đang tiến hành điều tra tích cực với tinh thần là làm kiên quyết, đúng pháp luật, tội đến đâu sẽ bị xử đến đấy và chắc chắn sẽ không có ai can thiệp được việc này.
Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an):
Việc một số quan chức tỉnh, lãnh đạo các các Bộ ngành bảo kê cho doanh nhân, công ty tư nhân... trong các hoạt động làm ăn, kinh doanh là không hiếm. Bởi nếu không có quan chức bảo lãnh thì ai dám ngông nghênh.
Trên thực tế, một số vụ việc có tính chất bảo kê cũng đã được đem ra xử lý, gần đây nhất là vụ đường dây đánh bạc nghìn tỷ có sự bảo kê từ ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát (Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao.
Còn đối với băng nhóm Đường "Nhuệ", tôi đặt câu hỏi là tại sao những nhân vật này hoạt động công khai như: cho vay nặng lãi, bảo kê, mua bán bất động sản không minh bạch... trong thời gian lâu như vậy mà không bị xử lý sớm?
Theo tôi, vụ việc xảy ra trên địa bàn quận huyện, hoặc tỉnh thì phải xác định rõ trách nhiệm của những người đứng đầu. Lãnh đạo tỉnh Thái Bình phải có trách nhiệm chỉ đạo cấp dưới xem xét, xử lý việc này.