Vợ chồng Trung Quốc sinh vượt kế hoạch, đứa con thứ 7 ra đời rồi thất lạc 32 năm, phía sau là câu chuyện bi thương
Năm 1990, sau khi vợ chồng Đường Nguyệt Anh và Đặng Chấn Sinh nộp phạt 1.340 NDT (gần 5 triệu đồng tính theo tỷ giá hiện tại), đứa con thứ 7 chưa đầy 1 tuổi đã bị bắt đi. Đến nay, đứa bé không rõ tung tích, thất lạc 32 năm.
Vào ngày 5/7, sự việc Cục Y tế và Sức khỏe huyện Toàn Châu (Quế Lâm, Trung Quốc) bác bỏ đơn cáo buộc của vợ chồng bà Đường Nguyệt Anh và ông Đặng Chấn Sinh đã làm dư luận dậy sóng.
Cáo buộc thể hiện rằng: Theo công tác kế hoạch hóa gia đình ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây trong những năm 1990, những đứa trẻ được sinh ra vi phạm quy định trong chính sách kế hoạch hóa gia đình phải chịu sự cưỡng chế của xã hội.
Đứa con thứ 7 của cặp vợ chồng đã bị chính quyền địa phương mang đi, đồng thời không hề lưu lại bất kỳ hồ sơ nào. Song, hành vi này cũng không được xem là tội bắt cóc trẻ em. Do đó, đơn cáo buộc không được chấp thuận. Phía sau ẩn chứa một câu chuyện bi thương ít ai biết.
Năm 1990, sau khi vợ chồng Đường Nguyệt Anh và Đặng Chấn Sinh nộp phạt 1.340 NDT (gần 5 triệu đồng tính theo tỷ giá hiện tại), đứa con thứ 7 chưa đầy 1 tuổi đã bị bắt đi. Đến nay, đứa bé không rõ tung tích, thất lạc gần 33 năm.
Trong thời đại mà chính sách một con được thực thi nghiêm ngặt, nhiều nơi đã sử dụng các loại phương pháp để kiểm soát tình hình sinh đẻ của người dân. Nhưng hành vi bắt con dù đã đóng phạt ở Toàn Châu đã khiến dư luận phẫn nộ.
Việc vợ chồng sinh quá 7 con quả thực đã vi phạm quy định của chính quyền Trung Quốc. Ngay cả thời điểm khuyến khích sinh con thứ 2 và thứ 3 thì việc sinh 7 con đã là quá nhiều.
Nhưng hiện tại trọng điểm của vấn đề không phải là số lượng con cái, mà là cách xã hội văn minh đối xử với một sinh mệnh.
Một sinh linh nhỏ bé, cho dù sự ra đời của nó đã vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình lúc bấy giờ, nhưng cũng không nên bị tước đoạt quyền được sống với cha mẹ, càng không nên tùy tiện gửi vào một gia đình xa lạ nào đó. Đây là quyền cơ bản của con người và chuẩn mực cơ bản nhất của một xã hội.
Sinh đẻ vượt kế hoạch là phạm lỗi và bị phạt, nhưng chính quyền địa phương có quyền gì để bắt đứa trẻ đi?
Vì "điều chỉnh dân số xã hội" là quyết định của huyện, nên trong quá trình thực hiện cụ thể, địa phương cũng cần có những quy định, quy trình và hồ sơ theo dõi tương ứng. Thế nhưng, tại sao bây giờ chính quyền địa phương lại trả lời không có hồ sơ về đứa bé của hai vợ chồng Đường Nguyệt Anh và Đặng Chấn Sinh?
Cưỡng chế bắt con và một mực từ chối trả lời đưa đứa bé đi đâu, cách giải đáp của chính quyền địa phương với người dân không chỉ là vấn đề thái độ, mà còn là sự lệch lạc nghiêm trọng trong công tác quản lý.
Theo tờ Guilin Evening News, chiều ngày 5/7, Văn phòng thông tin chính quyền thành phố Quế Lâm đã ra thông cáo cho biết Cục Y tế và Sức khỏe huyện Toàn Châu đã xử lý không đúng các cáo buộc. Theo đó, cục trưởng và phó cục trưởng ban ngành này đã bị đình chỉ công tác, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng để điều tra chuyên sâu.
Theo một báo cáo, chính quyền Trung Quốc đang tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch đặc biệt chống tội phạm bắt cóc, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tận dụng sức mạnh khoa học công nghệ để chống bắt cóc, tìm người thân. Phía chính quyền đã công bố danh sách hơn 5.000 điểm lấy máu miễn phí trên cả nước, góp phần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho đông đảo người dân trong việc lấy máu kịp thời, giúp các gia đình bị bắt cóc sớm được đoàn tụ.
(Nguồn: Zhongguowang, Redian)