Vợ chồng “giận quá mất khôn”
Nhiều cặp vợ chồng chỉ vì trong lúc tranh cãi không giữ được bình tĩnh đã đẩy chính gia đình mà mình cố công vun đắp rơi vào bi kịch tan vỡ.
Cuộc sống hiện đại với quá nhiều áp lực dễ khiến con người vào tình trạng nóng giận. Tuy nhiên, để giữ gìn hạnh phúc gia đình, những người vợ, người chồng cần kiểm soát cơn nóng giận của mình. Bởi lẽ chính những phút thiếu kiềm chế đó có thể đẩy cuộc hôn nhân tới bờ vực của sự đổ vỡ.
Hễ cãi nhau là đập phá đồ đạc
Bất kì ai tới nhà chị Hiền (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng đều khá ngạc nhiên khi đồ đạc trong nhà chị thứ gì cũng có dấu hiệu của bẹp rúm, méo mó hoặc hư hỏng. Không giấu giếm nguyên nhân, chị Hiền ngán ngẩm tâm sự: “Đồ đạc trong nhà toàn là mua mới cả đấy, nhưng không được bao lâu, hễ hai vợ chồng cãi nhau, dù to hay nhỏ chồng mình đều mang đồ đạc ra đập phá cho hả cơn giận thành ra mới như vậy”.
Theo những lời chị Hiền kể, anh Mạnh chồng chị là người cục súc, nóng nảy và thiếu bình tĩnh. Cuộc sống vợ chồng không thể tránh khỏi những lúc có bất đồng xô xát. Như nhà khác cùng lắm chỉ tranh luận, cãi vã nhau vài câu nhưng đằng này với anh Mạnh dù là ai đúng, ai sai, dù là chuyện quan trọng hay nhỏ nhặt, chỉ nói câu trước câu sau, không được như ý muốn là ngay lập tức anh đập phá đồ đạc cho hả cơn giận. Khi thì tiện trên tay chiếc di động đời mới, anh ném thẳng vào tường. Lúc là cái nồi cơm điện, cái tivi tinh thể lỏng. Đã nóng giận lên, anh Mạnh chẳng kiêng nể, nề hà thứ gì.
Giận chồng - bỏ nhà đi và ly hôn
Cách ứng xử thiếu bình tĩnh và không đúng đắn khi nóng giận của đàn ông thường dễ được thông cảm hơn. Bởi xét cho cùng, phụ nữ cũng là những người dễ bao dung và tha thứ. Nhưng khi người vợ hành xử không suy nghĩ thì hậu quả đáng buồn hơn gấp bội. Đó cũng là bài học mà chị Vân Anh (Gia Lâm – Hà Nội) nhận được sau khi chồng chính thức đưa đơn ly hôn.
Trước thái độ của chị Vân Anh, anh Khải chồng chị đã kiên quyết đưa đơn ly dị mặc cho chị ăn năn, hối hận tới mức nào. Tất cả mọi chuyện cũng chỉ vì cái bản tính ngang bướng, không chịu ai của chị Vân Anh mà ra. Do được bố mẹ cưng chiều từ nhỏ nên khi về nhà chồng, mỗi khi hai vợ chồng cãi nhau, giận nhau là chị Vân Anh đùng đùng khăn gói bỏ đi khỏi nhà. Lần đầu tiên thấy chị Vân Anh bỏ đi, lo lắng vợ xúc động mạnh nên anh Khải đi tìm chị về, dỗ dành, bỏ qua mọi chuyện. Chị Vân Anh lại cho rằng chồng sợ khi mình làm thế nên càng ngày càng tái diễn tình trạng đó. Chị không thể ngờ hành động thiếu suy nghĩ của mình đã vượt quá sức chịu đựng của chồng và gia đình nhà chồng.
Hậu quả từ những hành động thiếu suy nghĩ
Cuộc sống gia đình nhà chị Hiền có lẽ đã khấm khá hơn rất nhiều nếu anh Mạnh kiềm chế được cái tính khi nóng nảy, thiếu bình tĩnh của mình. Lương hàng tháng của hai vợ chồng lẽ ra cũng dư giả nhưng vì cái thói quen đập phá đồ đạc của anh Mạnh mà kinh tế nhà chị Hiền mãi vẫn lẹt đẹt. Cái cảnh chưa kịp làm ra, chưa kịp sắm thêm cái mới thì đã phá sạch những thứ khác khiến gia đình anh chị mãi ở trong cái vòng luẩn quẩn. Không những vậy, hành động của anh Mạnh còn gây ra sự ức chế rất lớn đối với vợ và các con. Nguy cơ tan vỡ gia đình rất lớn.
Riêng với chị Vân Anh, hậu quả nhãn tiền là chị bị chồng và gia đình nhà chồng kiên quyết từ bỏ. Họ không thể chấp nhận một cô con dâu có lối sống vô tổ chức như vậy. Cầm tờ đơn ly dị của chồng, chị Vân Anh mới nhận ra mình đã sai lầm khi không tìm cách hóa giải những bất hòa một cách tinh tế và đúng đắn nhất. Nhưng giờ đây, khi chị hiểu ra thì mọi chuyện đã trở nên quá muộn.
Theo các chuyên gia tâm lý, nóng giận là trạng thái bình thường của con người. Nhưng cảm xúc nóng giận hoàn toàn có thể được khống chế và rèn luyện. Cách thức mà các chuyên gia đưa ra để tránh những hậu quả không tốt do “giận quá mất khôn” sinh ra là khi hai vợ chồng xuất hiện những bất đồng hãy tạm thời dừng cuộc tranh luận lại. Khi hai vợ chồng đã không còn giữ được bình tĩnh, hãy cho cả hai bên một khoảng lặng để suy ngẫm và nói lại vấn đề đóvào một lúc khác thích hợp hơn. Đừng để cảm xúc lấn át lý trí mà tạo ra những hậu quả đáng buồn không thể cứu vãn về sau.