"Vợ ba" dừng chiếu, Mây đã ngừng bay và đã đến lúc chúng ta ngừng bàn tán về cảnh nóng của Trà My?
Bởi những tranh cãi gay gắt xung quanh những cảnh nóng của diễn viên 13 tuổi, "Vợ ba" đã dừng chiếu tại Việt Nam. Mây đã ngừng bay ở bầu trời Việt, nhưng Trà My - cô bé đã hóa thân thành Mây vẫn còn cả cuộc đời dài để sống, trên đất này!
Mây - Trà My hay ranh giới giữa hiện thực trần trụi và sự hư cấu bằng hình ảnh
Đạo diễn và nhà sản xuất có lẽ đã dồn nén tất cả uẩn ức, tất cả hình ảnh táo bạo nhất, tất cả "xung đột" căng thẳng nhất của các nhân vật trong "Vợ ba" để đặt vào trailer. Vì thế mà bộ phim từ khi chưa ra rạp đã khiến dư luận đặc biệt chú ý - một điều không thường thấy ở dòng phim nghệ thuật.
Rồi từ khi một vài hình ảnh "cảnh nóng" của bộ phim bị rò rỉ, lúc phim bắt đầu công chiếu cho đến giờ - khi nhà sản xuất đã quyết định dừng chiếu để bảo vệ diễn viên nhí Nguyễn Phương Trà My, dư luận liên tục nhắc đến "Vợ ba". Nhiều phần trong đó là những lời gay gắt, phản ứng mạnh trước việc đạo diễn để cô bé tự đóng cảnh nóng.
Những khán giả bình thường từng xem, cư dân mạng - người mới chỉ xem trailer hoặc ảnh chụp từ bộ phim, các Facebooker nổi tiếng, cả một hot mom được nhiều người yêu mến cũng góp ý kiến chê trách bộ phim, xoáy thật sâu vào chi tiết: Tại sao lại để một cô bé 13 tuổi đóng cảnh nóng, không chỉ với 1 bạn diễn nam, mà còn cả cảnh hôn, vuốt ve đồng tính, cả cảnh thủ dâm?
Một Facebooker nổi tiếng còn "tả thực" những cảnh nóng trong phim, và đặt câu hỏi: "Những hành động đó nếu diễn ra trong đời thường, người ta gọi là ấu dâm. Đặt thêm 1 cái camera vào, người ta gọi là nghệ thuật? Nếu không phải là 1 camera chuyên nghiệp quay với ánh sáng và có hậu kỳ, nếu là 1 cái điện thoại cũng quay cảnh đó, người ta gọi đó là clip sex với trẻ con. Tại sao làm nghệ thuật nhất thiết phải dùng trẻ em 13 tuổi đóng cảnh làm tình?".
Trong bối cảnh gần đây có quá nhiều vụ ấu dâm, xâm hại tình dục ngoài đời thực bị phanh phui, trẻ em được quan tâm bảo vệ nhiều hơn, những thước phim về trẻ em làm về đề tài tình dục nữ trở nên thật sự nhạy cảm, kể cả đó có là dưới ống kính nghệ thuật.
Phim là nghệ thuật kể chuyện bằng hình ảnh, bằng sự ước lệ, ai cũng hiểu điều này. Nếu trong phim có cảnh chém giết, không có nghĩa ai đó đang bị làm đau. Bạn nhìn thấy trên màn ảnh cảnh hai nhân vật làm tình, nhưng trên thực tế, trừ một số rất ít phim có cảnh sex thật, còn mọi điều trong quá trình sản xuất đều đã được sắp đặt khéo léo sao cho hình ảnh đạt hiệu quả biểu đạt cao nhất, và những che chắn, thủ pháp hình ảnh, ngôn ngữ cơ thể của diễn viên trong quá trình quay cùng phần hậu kỳ của phim sẽ làm cho chúng như thật.
Nhưng không phải là vô lý khi ai đó lo lắng rằng một bộ phim có những cảnh nóng của trẻ em, do diễn viên trẻ em đóng được công chiếu rộng rãi sẽ kích thích những kẻ ấu dâm. Trong bối cảnh dư luận phẫn nộ với những kẻ tấn công tình dục trẻ em và cùng lên tiếng để đưa những tên yêu râu xanh ra ánh sáng, nỗi lo về việc dư luận yêu mến và đồng tình với một bộ phim sử dụng chính cảm xúc, diễn xuất thật của diễn viên nhí mà không hề có người đóng thế là có cơ sở.
Người ta không bàn về việc phim kể chuyện gì, không chối bỏ sự thật là đã có một thời ở phương Đông, tảo hôn là chuyện được chấp nhận, không phân tích nhiều về diễn xuất của Trà My đỉnh đến mức nào...
Điều khiến người ta băn khoăn hơn cả, là dù Trà My an toàn khi thực hiện vai diễn của mình với sự theo sát bên cạnh của mẹ và sự giải thích rõ ràng cùng những biện pháp bảo vệ cẩn thận từ đoàn phim, những cảnh nóng ấy có THẬT SỰ CẦN phải do chính em đóng hay không?
Bằng logic của đời thực, của bóng tối đau đớn trùm phủ lên những vụ ấu dâm đã hoặc chưa được đưa ra ánh sáng, người ta có lý do riêng để đặt câu hỏi ấy với "Vợ ba".
Phim đã ngừng chiếu ở Việt Nam, nhưng cảm xúc của Trà My và mẹ vẫn cần được tôn trọng
Một câu hỏi nữa cũng được nhiều người đặt ra khi bàn về việc Trà My vào vai Mây năm 13 tuổi, đó là: Nếu đó không phải là My, con gái của 1 người xa lạ mà là con gái của chính bạn thì sao? Bạn có còn gọi đó là nghệ thuật khi con bạn đóng những cảnh chăn gối nóng bỏng mà chỉ nên có ở những người trưởng thành không? Bạn có vỗ tay tán thưởng và tự hào khi da thịt con mình không chỉ bị va chạm mà còn phô bày trên màn ảnh rộng, trước ánh mắt của hàng triệu người không?
Câu hỏi này chạm trúng bản năng "xù lông" của các mẹ. Họ bức xúc thay cho cô bé Trà My vì có một người mẹ "cạn nghĩ", "đem con ra kiếm tiền, kiếm danh", họ nhảy đổng lên trên bàn phím (gay gắt đến mức, tôi nghĩ nếu mẹ Trà My ở trước mặt, chắc nhiều người sẽ nhảy chồm lên mà quát mắng, mà xé chị ấy ra) vì không hiểu chị làm mẹ kiểu gì mà lại thế, họ bảo nhau "nếu là con em thì…"... Họ bảo nhau, làm mẹ nghĩa là phải bảo vệ con, phải lường trước mọi nguy cơ, phải uốn nắn con đến điều đúng đắn chứ không phải chiều theo sở thích nhất thời của con (!)
Những người mẹ đang phản ứng kia, chắc chắn họ yêu thương con mình, và có đòi hỏi rất chính đáng là bảo vệ trẻ em. Nhưng mẹ Trà My, có lẽ chị yêu con theo cách của riêng mình. Các mẹ có quyền bình phẩm về phim, thắc mắc về lựa chọn của Trà My và mẹ của bé, nhưng việc người ta phải làm mẹ như thế nào, phải yêu con như thế nào, phải bảo vệ và chắp cánh cho con ra sao, chẳng phải hơi áp đặt ư?
Cũng sôi nổi không kém chuyện phản đối quyết định của mẹ Trà My, nhiều người đã-làm-đàn-bà khác, lo ngại rằng việc Trà My vào vai này có thể ảnh hưởng đến tâm lý của em. Bằng kinh nghiệm của mình, các mẹ lo rằng năm 13 tuổi em đồng ý vì còn bồng bột, vì thấy thích, nhưng biết đâu năm 23 tuổi, 33 tuổi, em sẽ thấy hối hận vì quyết định của mình, em sẽ bị sang chấn, sẽ khó sống một cuộc đời bình thường... Bằng chứng là đã có nhiều diễn viên nổi tiếng khác đóng cảnh nóng khi chưa tròn 18 tuổi, khi trưởng thành và nhìn lại tác phẩm của mình, đã hối hận...
Trái tim và bản năng người mẹ chẳng bao giờ sai. Trái tim của nhiều người mách bảo, họ cần lên tiếng bảo vệ Trà My, xa hơn là bảo vệ sự trong trẻo, ngây thơ, sự đáng yêu hồn nhiên của trẻ em ở lứa tuổi chập chững bước vào ngưỡng cửa thế giới của người trưởng thành. Nhưng còn một trái tim khác cũng cần được tôn trọng và bảo vệ, là trái tim non nớt của Trà My.
Phim là hư cấu, nhưng những bình phẩm, tấn công Trà My và mẹ em là thật, có thể gây tổn thương thật. Khán giả mải lo Trà My sẽ bị sang chấn vì tham gia một bộ phim mà trong đó mọi thứ, kể cả những cảnh nóng bỏng nhất đều là sắp đặt và công khai, mà quên mất chính mình có thể làm em tổn thương bởi những lời phán xét.
Để bảo vệ cảm xúc của diễn viên, nhà sản xuất quyết định dừng chiếu phim ở Việt Nam. Để giữ con mình không bị áp lực quá lớn trước thềm thi tuyển lớp 10, mẹ Trà My ngăn em đọc những lời bình luận, chê khen về bộ phim, về quyết định táo bạo của mình 2 năm trước.
Phim thì dừng chiếu rồi đấy, nhưng Trà My và mẹ em vẫn còn cả một cuộc đời để sống. My còn phải lớn lên, đi học, tiếp cận những cơ hội mới, khám phá khả năng của em. Phải chăng, đã đến lúc chúng ta cũng nên ngừng bàn tán về cảnh nóng trong phim, ngừng thắc mắc về lựa chọn của Trà My và mẹ em? Nếu không thể đồng cảm với Mây của Vợ ba, bạn cứ lên tiếng, nhưng nếu không thể thấu hiểu Trà My, bạn hãy im lặng. Có ý nghĩa gì nếu chính những người nhân danh một điều tử tế là bảo vệ tâm lý, thân thể cho một cô bé 13 tuổi lại chĩa những lời sắc hơn gươm đao vào em và mẹ em?