Vì sao khi căng thẳng, nhiều người lại uống nước liên tục?

Phạm Trang,
Chia sẻ

Căng thẳng không chỉ khiến tay run, tim đập nhanh hay đổ mồ hôi – mà còn âm thầm làm khô miệng, khô cổ họng. Lúc này, một ngụm nước không đơn thuần để giải khát, mà là một "công cụ sinh học" giúp làm dịu hệ thần kinh, tạo khoảng nghỉ cho tâm trí và giúp người nói giữ kiểm soát.

Khi rơi vào trạng thái căng thẳng, dù là lúc thuyết trình, đối thoại trước đám đông, nhiều người có xu hướng uống nước liên tục. Hành động tưởng chừng vô thức này thực chất lại có nhiều cơ sở khoa học liên quan đến hoạt động của hệ thần kinh, nội tiết và cả cơ chế phòng vệ tâm lý tự nhiên của con người.

1. Căng thẳng gây khô miệng và nước trở thành phản xạ đầu tiên

Căng thẳng là phản ứng sinh học kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, khiến cơ thể tiết ra adrenaline và cortisol – các hormone giúp bạn “chiến đấu” hoặc “bỏ chạy”. Một trong những tác dụng phụ ít ai để ý là làm giảm tiết nước bọt, dẫn đến khô miệng, khô cổ họng – cảm giác gây khó chịu và khiến bạn lập tức muốn nhấp nước.

Trang Virtual Orator, chuyên nghiên cứu tâm lý người nói trước công chúng, nhận định: “Khô miệng là một trong những triệu chứng đầu tiên khi bạn lo lắng. Việc uống nước là cách đơn giản và trực tiếp nhất để phá vỡ vòng luẩn quẩn của lo âu và triệu chứng khô miệng."

Vì sao khi căng thẳng, nhiều người lại uống nước liên tục? - Ảnh 1.

2. Uống nước giúp làm dịu hệ thần kinh

Nước không chỉ làm dịu cổ họng, mà còn tác động tích cực đến toàn cơ thể khi đang căng thẳng. Nhiều nghiên cứu cho thấy cơ thể thiếu nước có thể khiến mức cortisol – hormone căng thẳng – tăng cao, từ đó làm tăng cảm giác lo âu, hồi hộp, cáu kỉnh.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Journal of Nutrition (Mỹ, 2012), mất nước nhẹ (chỉ 1,5% khối lượng cơ thể) cũng đủ để làm giảm khả năng tập trung, tăng mệt mỏi và khiến con người nhạy cảm hơn với stress.

3. Hành vi trấn an bản năng

Từ góc nhìn tâm lý học, việc uống nước khi lo lắng không chỉ nhằm giải khát, mà còn giống như một “nghi thức trấn an”. Hành động nhấp một ngụm nước buộc bạn tạm ngừng, hít thở chậm lại và tạo cảm giác như mình đang kiểm soát được tình hình.

Chuyên gia giao tiếp tại Toronto Speech Therapy gợi ý: "Hãy dùng nước như một công cụ. Một ngụm nước không chỉ làm ẩm cổ họng, mà còn là cái cớ để dừng lại, hít thở và lấy lại nhịp điệu bình tĩnh trong đầu bạn.”

Vì sao khi căng thẳng, nhiều người lại uống nước liên tục? - Ảnh 3.

4. "Đánh lạc hướng” tâm lý

Một lý do khác khiến con người uống nước khi căng thẳng là để trì hoãn phản ứng trong các tình huống áp lực như khi bị hỏi bất ngờ trong họp báo, thuyết trình quên lời hay bị soi mói từ đám đông. Việc uống nước giúp tạo một “khoảng đệm” ngắn để người nói lấy lại kiểm soát, suy nghĩ lại và điều chỉnh cảm xúc.

Nước có vai trò gì trong buổi thuyết trình?

Giọng nói là công cụ quan trọng với bất kỳ ai thường xuyên nói trước đám đông, từ giảng viên, phát thanh viên, ca sĩ cho đến những người thường xuyên thuyết trình. Một yếu tố tưởng chừng đơn giản nhưng lại đóng vai trò sống còn với sức khỏe giọng nói chính là: uống đủ nước. Vậy nước lọc có thể mang lại những lợi ích gì cho giọng nói?

Giữ Ẩm Cho Dây Thanh Quản

Dây thanh quản là bộ phận rất mỏng manh, được tạo thành từ lớp màng nhầy phủ trên cơ. Tương tự như mọi cơ khác trong cơ thể, dây thanh cần được giữ ẩm để hoạt động hiệu quả. Khi thiếu nước, chúng sẽ trở nên khô và dễ bị kích ứng, dẫn đến khàn giọng, nói khó, thậm chí tổn thương giọng.

Vì sao khi căng thẳng, nhiều người lại uống nước liên tục? - Ảnh 4.

Độ đàn hồi của dây thanh là yếu tố then chốt để bạn có thể phát ra nhiều cao độ và sắc thái giọng khác nhau. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, dây thanh giữ được độ mềm dẻo, co giãn linh hoạt – từ việc nói nhỏ nhẹ đến hát những nốt cao vút. Ngược lại, mất nước khiến dây thanh cứng lại, giới hạn khả năng phát âm và tăng nguy cơ mỏi, đau giọng khi nói lâu.

Nâng cao độ bền khi nói lâu

Nếu phải thuyết trình dài, hát hay giảng dạy suốt buổi, giọng nói cần sự bền bỉ. Việc uống đủ nước giúp dây thanh tránh mệt mỏi, giữ được âm sắc ổn định trong thời gian dài. Những người làm nghề sử dụng giọng nhiều thường nếu không uống đủ nước có thể dẫn đến giọng xuống sức, dễ tổn thương, mất dần chất lượng.

Giọng nói không chỉ phát ra từ dây thanh mà là kết quả của một hệ thống âm thanh phức tạp, nơi giọng "dội" qua cổ họng, miệng để tạo nên độ vang. Khi được giữ ẩm, lớp niêm mạc cổ họng, miệng mềm mại, giúp âm thanh phát ra rõ nét, tròn trịa và giàu cảm xúc hơn.

Cùng với đó, nếu vừa trải qua một buổi nói dài, bị khàn tiếng hay viêm thanh quản, uống nước là yếu tố hỗ trợ hồi phục vô cùng hiệu quả. Cung cấp nước đầy đủ sẽ giúp các tổn thương mau lành, đưa giọng trở về trạng thái khỏe mạnh nhanh hơn.

Giảm Thiểu Căng Thẳng

Ngoài lợi ích trực tiếp cho giọng, việc uống nước đầy đủ còn giúp tăng cường tuần hoàn, duy trì năng lượng và cải thiện khả năng tập trung – những yếu tố quan trọng cho việc thuyết trình, giảng dạy hay giao tiếp hiệu quả. Bạn sẽ cảm thấy tỉnh táo, nói lưu loát, tự tin hơn.

Khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết hormone stress nhiều hơn nếu bị mất nước; ngược lại, uống nước ổn định giúp bạn giảm hồi hộp, cảm thấy tự tin hơn. Việc nhấp nước đều đặn giúp làm ẩm dây thanh, giảm căng thẳng, điều hòa nhịp thở và duy trì giọng nói rõ ràng, khỏe khoắn.

Những ngụm nước còn đóng vai trò như điểm dừng tự nhiên, giúp người nói điều tiết tốc độ, tạo khoảng nghỉ cho người nghe tiếp nhận thông tin hiệu quả hơn. Một hành động nhỏ, nhưng mang lại lợi ích lớn cả về sinh lý lẫn tâm lý.

Nguồn: WaterH, torontospeechtherapy, Virtualorator.com

Chia sẻ