Vị bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam khiến người Pháp phải nể phục, làm 2 điều chưa có tiền lệ
Vị giáo sư này được mệnh danh là “Hippocrates của Việt Nam” – người đặt nền móng cho nền y học hiện đại nước nhà.
Người đặt nền móng cho y học hiện đại Việt Nam
Giáo sư Hồ Đắc Di (1900–1984) là một trong những tượng đài lớn của nền y học Việt Nam thế kỷ 20. Ông không chỉ là một thầy thuốc, một nhà giáo mà còn là người truyền cảm hứng mạnh mẽ về y đức và giáo dục y khoa.
Ông là bác sĩ phẫu thuật đầu tiên của Việt Nam, được mệnh danh là người thầy thuốc tiên phong của các công trình y học hiện đại, người mở đường và định hướng cho những nghiên cứu thực hành y học.
Sinh ra trong một gia đình nho học, ông được định hướng theo con đường Tây y từ sớm. Ông theo học tại Trường Lycée Albert Sarraut (Hà Nội) trước khi được cử sang Pháp du học ngành y từ năm 1918 đến 1932.
Tại Pháp, GS Hồ Đắc Di học tập tại Bệnh viện Cochin dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Ferdinand Widal – một tên tuổi lừng danh của y học lâm sàng Pháp. Ông trở thành người Việt đầu tiên đỗ bằng Thạc sĩ Y khoa tại Pháp, tiếp tục thi đỗ bác sĩ nội trú và làm phẫu thuật tại Bệnh viện Tenon. Trong 4 năm, ông tích lũy nhiều kinh nghiệm quý báu về phẫu thuật và phương pháp điều trị hiện đại.

Giáo sư Hồ Đắc Di (đứng giữa). (Ảnh tư liệu)
Giáo sư Hồ Đắc Di trở về nước năm 1931 sau khi hoàn tất chương trình học và làm việc tại Pháp. Lúc đó, ông được bố trí làm bác sĩ tập sự tại Bệnh viện Huế, sau đó bị điều chuyển về Quy Nhơn. Thời gian này, ông chịu sự khinh miệt của người Pháp, theo tài liệu "GS Hồ Đắc Di – Hiệu trưởng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập".
Đến năm 1932, ông được mời công tác tại Trường Đại học Y và Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức). Tại đây, ông đã dũng cảm bày tỏ quan điểm cá nhân và kiên trì đấu tranh để được hành nghề phẫu thuật. Với sự kiên định ấy, GS Hồ Đắc Di trở thành bác sĩ Việt Nam đầu tiên được thực dân Pháp cho phép làm phẫu thuật tại Đông Dương.
Cũng trong giai đoạn này, ông công bố công trình nghiên cứu “Sốc do chấn thương” trên Tạp chí Y học Pháp tại Viễn Đông. Nể phục tài năng của ông, Hội đồng Giáo sư Trường Đại học Y Hà Nội (khi đó gồm toàn giáo sư người Pháp) đã phong ông hàm Phó giáo sư, sau đó là Giáo sư. Ông trở thành người Việt duy nhất đạt danh hiệu này dưới thời Pháp thuộc.
Đóng góp to lớn cho y học Việt Nam
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, GS Hồ Đắc Di được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiều trọng trách: Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Tổng Thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Vụ Đại học và Giám đốc Bệnh viện Đồn.
Ông là Hiệu trưởng đầu tiên và cũng là người giữ cương vị này lâu nhất trong lịch sử Trường Đại học Y Hà Nội – từ năm 1945 đến 1976. Trong suốt hơn 30 năm ấy, ông đã đào tạo hàng nghìn y sĩ, bác sĩ cho hệ thống y tế non trẻ của đất nước. Đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ông đã góp phần xây dựng đội ngũ y tế phục vụ tiền tuyến.

GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng và Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch sau ngày Hà Nội giải phóng (Ảnh tư liệu).
Một trong những học trò kiệt xuất nhất của ông là Giáo sư Tôn Thất Tùng – người sau này trở thành viện sĩ danh tiếng trong các Viện Hàn lâm trên thế giới.
GS Hồ Đắc Di cũng để lại nhiều công trình khoa học có giá trị bền vững, như: điều trị ngoại khoa viêm phúc mạc, bệnh lý túi mật, phẫu thuật lấy thai, phẫu thuật dạ dày – tá tràng… Nhiều phương pháp, kỹ thuật do ông tìm tòi và phát triển vẫn được áp dụng trong y học hiện nay.
Một nhà khoa học – một triết nhân
GS Hồ Đắc Di luôn đề cao y đức, lấy châm ngôn nghề nghiệp là “Tình thương yêu bệnh nhân và luôn đặt quyền lợi của bệnh nhân lên hàng đầu.” Ông không chỉ là thầy thuốc mà còn là người thầy mẫu mực, được các thế hệ học trò trân trọng gọi là “Cụ Di”.
Di sản của ông tiếp tục được Trường Đại học Y Hà Nội và ngành y tế Việt Nam kế thừa và phát triển. GS Hồ Đắc Di qua đời ngày 25/6/1984, nhưng tầm vóc và những đóng góp của ông vẫn nguyên vẹn giá trị. Ông đã tình nguyện hiến thân mình cho bộ môn Giải phẫu – để tiếp tục là một phần trong công tác giảng dạy và nghiên cứu y học.
Giáo sư Tôn Thất Tùng từng nhớ lại lời dạy của người thầy đáng kính: “Cụ Hồ Đắc Di thường bảo tôi: "Khoa học là sự nổi dậy của tư duy". Đã làm khoa học thì phải luôn luôn đặt lại vấn đề. Nếu không, thì chẳng còn gì để tìm kiếm nữa! Và cũng chẳng có gì để phát minh!”.
Giáo sư Phạm Khuê – một trong những học trò của ông – viết: “Sự nghiệp của Giáo sư Hồ Đắc Di là sự nghiệp khoa học. Cuộc sống của cụ Di là cuộc sống của một triết nhân”.
GS.TS. Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội – từng chia sẻ: “Giáo sư Hồ Đắc Di là giáo sư người Việt duy nhất tại Trường Đại học Y Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám. Tài năng và cống hiến của ông khiến cả các đồng nghiệp Pháp cũng phải nể phục. Trước ông, 6 hiệu trưởng của trường đều là bác sĩ, giáo sư người Pháp”.
(Tài liệu tham khảo: Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư, bác sĩ Hồ Đắc Di; Hiệu trưởng đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, và một số tài liệu khác)