Ứng dụng y học tiên tiến, nâng tầm điều trị lĩnh vực chấn thương chỉnh hình

PV,
Chia sẻ

Các chuyên gia mang lại nhiều góc nhìn đa chiều, kết hợp giữa nghiên cứu mới nhất và kinh nghiệm thực tiễn, giúp các bác sĩ cập nhật kiến thức và nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Hội thảo đào tạo y khoa liên tục (CME) với chủ đề "Tiếp cận những vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ" do Bệnh viện FV tổ chức vừa qua tại TP.HCM đã thu hút gần 500 bác sĩ tham dự. Sự kiện quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, phục hồi chức năng, nội cơ xương khớp và gây mê hồi sức, mang đến những cập nhật mới nhất về các bệnh lý cơ xương khớp đang được quan tâm.

Hội thảo là một trong những hoạt động thường niên thể hiện cam kết của Bệnh viện FV trong việc tiên phong ứng dụng các phương pháp điều trị hiện đại, đồng thời chia sẻ kiến thức thực tiễn đến cộng đồng y khoa trong nước. Các bài trình bày trong chương trình không chỉ mang tính cập nhật, mà còn phản ánh kinh nghiệm điều trị thực tế, giúp bác sĩ nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

Ứng dụng y học tiên tiến, nâng tầm điều trị lĩnh vực chấn thương chỉnh hình - Ảnh 1.

500 bác sĩ tham dự hội thảo “Tiếp cận những vấn đề chấn thương chỉnh hình theo y học chứng cứ”

Trật khớp vai: Có cần phẫu thuật ngay từ lần đầu?

"Trật khớp vai lần đầu – điều trị bảo tồn hay phẫu thuật?" - Đây là câu hỏi được PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng – Chủ nhiệm bộ môn Chấn thương Chỉnh hình và Phục hồi chức năng, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, đặt ra ở phần mở đầu chương trình. Theo bác sĩ Hùng, không phải trường hợp nào cũng cần mổ. Có đến 50% bệnh nhân điều trị bảo tồn không bị tái trật khớp. Tuy nhiên, phẫu thuật – đặc biệt là nội soi Bankart – có thể làm giảm tỷ lệ tái trật xuống chỉ còn 10%, so với 55% nếu không can thiệp.

Việc quyết định điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ tổn thương xương, tần suất chơi thể thao và nhu cầu hoạt động của bệnh nhân. Những phân tích dựa trên y học chứng cứ giúp bác sĩ cá thể hóa lựa chọn điều trị cho từng trường hợp cụ thể.

Ngón chân cái vẹo ngoài – bệnh lý phổ biến nhưng ít được chú ý

Ứng dụng y học tiên tiến, nâng tầm điều trị lĩnh vực chấn thương chỉnh hình - Ảnh 2.

Hình chụp phim MRI và thực tế trước và sau phẫu thuật ngón chân cái vẹo ngoài tại Bệnh viện FV

TS.BS. Lê Trọng Phát – Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Phẫu thuật Bàn tay, Bệnh viện FV – cho biết, có tới 23% người trưởng thành trong độ tuổi 18–65 mắc tật ngón chân cái vẹo ngoài, phụ nữ nhiều hơn nam giới do thói quen đi giày cao gót. Đây là bệnh lý thường bị bỏ qua, đặc biệt ở giai đoạn nhẹ không triệu chứng.

Với các trường hợp nặng, phẫu thuật được chỉ định nhằm chỉnh lại trục xương và mô mềm. Bác sĩ Phát cho biết, Scarf, Lapidus là những kỹ thuật được đánh giá cao trên thế giới, trong đó kỹ thuật Scarf có tỷ lệ hài lòng của bệnh nhân lên tới 92%. "Nếu không xử lý đúng kỹ thuật, người bệnh có thể gặp biến chứng ảnh hưởng đến khả năng đi lại", bác sĩ Phát cảnh báo.

Bàn chân bẹt ở trẻ: Không phải lúc nào cũng cần điều trị

Một chủ đề khác cũng thu hút sự quan tâm tại hội thảo là tình trạng bàn chân bẹt mềm dẻo ở trẻ em – được trình bày bởi BS.CKII. Trương Hoàng Vĩnh Khiêm (Bệnh viện FV). Theo bác sĩ Khiêm, đến 100% trẻ 2 tuổi có bàn chân bẹt, nhưng phần lớn sẽ phát triển bình thường khi lớn lên. Chỉ những trường hợp có triệu chứng như đau chân, dáng đi bất thường mới cần can thiệp, và thường sau 8 tuổi.

Bác sĩ Khiêm cũng chia sẻ về kỹ thuật phẫu thuật nâng khớp dưới sên – một phương pháp đơn giản, thời gian mổ ngắn (5-15 phút) và mang lại hiệu quả cao. Tại FV, kỹ thuật này đã được áp dụng cho 50 ca với kết quả khả quan.

Ứng dụng y học tiên tiến, nâng tầm điều trị lĩnh vực chấn thương chỉnh hình - Ảnh 3.

Phẫu thuật điều trị bàn chân bẹt

Kiểm soát cơn đau sau thay khớp: Yếu tố then chốt thành công ca mổ

ThS.BS.CKII. Lý Quốc Thịnh – Trưởng khoa Gây Mê Hồi Sức, Bệnh viện FV – nhấn mạnh vai trò của giảm đau chu phẫu trong các ca thay khớp chi dưới (khớp gối, khớp háng). Tỷ lệ đau mạn tính sau phẫu thuật vẫn khá cao (7–23% với khớp gối, 13–44% với khớp háng), do đó bệnh viện đã triển khai chiến lược kiểm soát đau đa mô thức, bao gồm thuốc, phong bế thần kinh, vật lý trị liệu sớm và hỗ trợ tâm lý.

Đặc biệt, bệnh viện cũng áp dụng quy trình "Phục hồi sớm sau phẫu thuật (ERAS)" với mục tiêu giúp người bệnh có thể vận động ngay sau 24 giờ, rút ngắn thời gian nằm viện và cải thiện chất lượng sống.

Viêm đa khớp dạng thấp: Cần phát hiện và điều trị sớm

ThS.BS. Nguyễn Châu Tuấn (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM) đã chia sẻ về hướng điều trị mới trong bệnh viêm đa khớp dạng thấp – một bệnh mạn tính có nguy cơ gây biến dạng khớp và tàn phế. Theo bác sĩ Tuấn, việc chẩn đoán sớm và cá thể hóa điều trị là chìa khóa để kiểm soát bệnh. Các biện pháp kết hợp thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật sẽ giúp duy trì chất lượng sống cho người bệnh.

Thúc đẩy y học chứng cứ trong điều trị

Phát biểu tại hội thảo, ThS.BS. Vũ Trường Sơn – Giám đốc Y khoa Bệnh viện FV – khẳng định mục tiêu của chương trình là tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị, đồng thời mở rộng hợp tác nhằm mang lại lợi ích cao nhất cho người bệnh. Trong khi đó, PGS.TS.BS. Đỗ Phước Hùng nhấn mạnh, y học chứng cứ là công cụ thiết yếu giúp bác sĩ đưa ra quyết định đúng đắn giữa vô vàn thông tin trong thời đại số.

Hội thảo đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ giới chuyên môn. Theo cô Nguyễn Thị Chiến – nguyên giảng viên Trường Cao đẳng Y tế Ninh Bình – "đây là cơ hội quý giá để các bác sĩ trẻ cập nhật kiến thức, tiếp cận thực hành từ các chuyên gia đầu ngành, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị tại tuyến cơ sở".

Chia sẻ