Tuyến giáp “thích nhất” 3 loại trái cây: Phụ nữ ăn còn giúp cân bằng nội tiết cực đỉnh, phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính
Dù bạn có đang điều trị tuyến giáp hay không, việc thêm 3 loại trái cây trên vào chế độ ăn uống hằng ngày là bước đầu giúp bạn khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tuyến giáp là một tuyến nhỏ hình con bướm nằm ở phía trước cổ dưới da. Tuyến giáp là một phần của hệ thống nội tiết và kiểm soát nhiều chức năng quan trọng của cơ thể bằng cách sản xuất và giải phóng (tiết ra) một số hormone nhất định.
Khi tuyến giáp rối loạn, dù là suy giáp hay cường giáp thì cơ thể đều có thể gặp hàng loạt triệu chứng phiền toái như mệt mỏi, tăng cân, rụng tóc, trầm cảm hay tim đập nhanh.

Theo bác sĩ Ritika Samaddar (Trưởng khoa Dinh dưỡng lâm sàng và Chế độ ăn kiêng tại Bệnh viện Max, Saket, Ấn Độ), một chế độ ăn lành mạnh là nền tảng giúp kiểm soát tình trạng tuyến giáp hiệu quả.
Bác sĩ Samaddar nhấn mạnh rằng: "Người mắc bệnh tuyến giáp nên ăn uống điều độ, ưu tiên thực phẩm tươi, tự nhiên và giàu dinh dưỡng. Trái cây không chỉ giúp cải thiện trao đổi chất mà còn hỗ trợ kiểm soát cân nặng, điều rất quan trọng ở người bị suy giáp".
Đặc biệt, có 3 loại trái cây được coi là "bạn thân" của tuyến giáp, không chỉ hỗ trợ cân bằng nội tiết tố mà còn giúp phòng ngừa nhiều bệnh mãn tính.
Tuyến giáp "thích nhất" 3 loại trái cây, hãy ăn để bảo vệ nội tiết tố
1. Quả mọng: Kho báu chất chống oxy hóa
Việt quất, dâu tây, nam việt quất… đều thuộc nhóm quả mọng giàu chất chống oxy hóa mạnh mẽ như anthocyanin và vitamin C. Những dưỡng chất này giúp bảo vệ tuyến giáp khỏi tác động tiêu cực của các gốc tự do, nguyên nhân làm rối loạn chức năng tuyến giáp và tăng nguy cơ suy giáp.
Ngoài ra, quả mọng còn giúp giảm viêm, hỗ trợ hệ miễn dịch – điều rất quan trọng với những người mắc bệnh tuyến giáp có yếu tố tự miễn như viêm tuyến giáp Hashimoto.
Gợi ý dùng: Ăn tươi, thêm vào sữa chua hoặc sinh tố buổi sáng.
2. Táo: Làm sạch cơ thể và bảo vệ nội tiết
Không chỉ là loại trái cây phổ biến, táo còn giàu pectin - một loại chất xơ hòa tan giúp đào thải kim loại nặng như thủy ngân và cadmium ra khỏi cơ thể. Đây là yếu tố quan trọng vì các kim loại nặng có thể cản trở chức năng tuyến giáp.

Thêm vào đó, táo cung cấp lượng lớn vitamin C, kali và chất chống oxy hóa giúp giảm viêm, cân bằng cholesterol và cải thiện sức khỏe tim mạch - những vấn đề thường đi kèm ở người có rối loạn tuyến giáp.
Gợi ý dùng: Ăn táo cả vỏ để giữ lại tối đa chất xơ và dinh dưỡng.
3. Bơ: "Siêu thực phẩm" nuôi dưỡng tuyến giáp
Bơ chứa một tổ hợp chất dinh dưỡng hoàn hảo cho phụ nữ, đặc biệt là những người có vấn đề về nội tiết. Loại quả này cung cấp vitamin E, B5, B6, folate, kali và chất béo lành mạnh. Đây là những thành phần có lợi cho sức khỏe tuyến giáp.

Vitamin E trong bơ có thể giúp điều chỉnh hệ miễn dịch, trong khi vitamin B hỗ trợ chuyển hóa năng lượng, vốn bị trì trệ ở người bị suy giáp. Chất béo không bão hòa đơn trong bơ cũng giúp giảm viêm và tăng hấp thu vitamin tan trong chất béo như vitamin D, vốn rất quan trọng cho tuyến giáp.
Gợi ý dùng: Ăn nửa quả bơ vào bữa sáng, thêm vào salad hoặc nghiền làm sốt.
Thực phẩm nên tránh nếu bạn bị rối loạn tuyến giáp
Bên cạnh việc bổ sung trái cây có lợi, bạn cũng cần tránh hoặc hạn chế một số thực phẩm sau để tránh làm trầm trọng thêm bệnh lý:
Đậu nành và sản phẩm từ đậu nành: Có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu thuốc điều trị tuyến giáp.
Rau họ cải (bắp cải, cải xoăn, súp lơ): Nên ăn chín, tránh ăn sống thường xuyên nếu đang bị suy giáp.
Cà phê: Không nên uống vào sáng sớm khi mới dùng thuốc tuyến giáp.
Đường và thực phẩm chế biến sẵn: Gây viêm và tăng cân – điều không có lợi cho người bị rối loạn nội tiết.
Sản phẩm từ sữa động vật: Có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng hormone, gây khó khăn cho quá trình điều trị.