Tứ đại tuyệt chiêu tán gái những năm 70 của bố mẹ khiến con cháu chỉ biết ngỡ ngàng vì… ăn chơi quá!
Ai nói cách tán gái ngày xưa thì dễ dàng? Thời bố mẹ đã có những phát kiến đi vào lịch sử với trình độ cao siêu thế này cơ!
Chiều cuối năm, ông bà bô nhà tôi ngồi trước hiên ngắm dòng người lại qua. Cũng như những những ông bố bà mẹ quốc dân khác, hai cụ vẫn có những câu nói thuộc hàng kinh điển: “Chúng bay làm sao hiểu được…”, “chúng bay có sống ở thời tao với mẹ mày đâu”. Vâng, thời của bố mẹ tôi là những năm 70 của thế kỷ trước, thời của đặt gạch và xếp hàng, thời của những thanh niên thủ đô sống bằng phân phối và tem phiếu mà nay chỉ còn trong ký ức.
“Tụi trẻ con giờ lớn nhanh ông nhỉ?” – mẹ tôi bảo bố thế. “Thời tôi với bà, thích nhau là một chuyện, còn tán tỉnh đưa đẩy thì là cả một chân trời khác.” – bố tôi tiếp lời. “Một yêu anh có Seiko / Hai yêu anh có Peugeot cá vàng...” chỉ là một trong số những điều cơ bản trong sách tán gái mà thôi. Với khuôn mặt thư sinh cùng tài năng nói giỏi của mình, ông khẳng định tứ đại tuyệt chiêu của trai tráng thời ấy là…
Thời nào chẳng có yêu đương, mà đã yêu là phải có bí quyết!
1. Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ
Chuyện ham vật chất thì thời nào cũng có, nhất là cuối những năm 70 khó khăn thì tìm kiếm một anh du học sinh Liên Xô đâu phải ai cũng làm được. Thành ra, các cô gái thời ấy cũng đặt cho mình những tiêu chuẩn đi vào thơ ca sử sách:
“Một yêu anh có Seiko
Hai yêu anh có Peugeot cá vàng
Ba yêu anh có téc gang
Bốn yêu hộ tịch rõ ràng thủ đô…”.
Xe Peugeot trứ danh, một thời làm mưa làm gió đất Bắc (Ảnh: Internet).
“Ngày ấy trong lúc cao điểm, một chiếc Peugeot (xe Lơ) có thể đổi bằng một căn nhà mặt phố. Giá trị lắm. Quý lắm. Xe quý đến mức mà chỉ khi nào người ta có việc quan trọng mới đem Peugeot ra đường, sau đó lại lau lia sạch bong, ôm nhẹ nhàng để lên trên gác. Lần đầu tiên tôi hẹn gặp bà là phải giặt quần áo cho thằng Hưng một tuần cộng với một bao Thủ Đô nó mới cho mượn xe đấy!” – Bố tôi kể lể. Peugeot đã quý rồi nhưng thanh niên thời các cụ nhà tôi còn thích đồng hồ Seiko hơn hàng vạn lần cơ. Hàng Liên Xô chạy tự động, lại có thứ ngày tháng như một cái mác bảo đảm cho hai chữ “đại gia”. Có Seiko, các anh chỉ cần đứng yên xem đồng hồ, không cần phải hé răng câu nào các cô cũng tự động đổ.
Đồng hồ Seiko danh giá của những cậu ấm cô chiêu thời bấy giờ (Ảnh: Internet).
Lùi bước trước hai siêu phẩm trên nhưng không kém phần long trọng là dép nhựa Tiền Phong, dép đúc Trung Quốc hoặc dép Lào đế dày như đế bánh mì. Bố tôi nghĩ lại: “Dép Tiền Phong thì phải xắn quần cao hơn nửa gối, chân dẫm quai hậu thì mới đúng mốt. Tông Lào vàng chóe thì đế càng dày càng đẹp. Ở cái thời mà nghèo rớt mồng tơi, chân đất đi vạn dặm đường thì có đôi dép đúng là thêm vạn phần tự tin bà nhỉ?”.
Dép đúc Trung Quốc (trái) và dép tông Lào thần thánh (phải) (Ảnh: Internet).
“Đúng rồi, ông quên mũ cối tàu à?” – Mẹ tôi bổ sung. “Lúc ấy có câu chỉ cần đi dép tông Lào, mặc quần bò Thái, áo bay Liên Xô, đeo đồng hồ Seiko và đội mũ cối thì yên tâm là tán hoa khôi cũng đổ”. Mũ cối tàu ngày ấy giá 80 đồng, bằng một chỉ vàng, cao điểm đắt giá lên đến hai chỉ. Thấy các cụ ngày xưa tân thời không các chị? Khác gì tôi với các mẹ bây giờ, cũng đâu thể kìm lại trước một anh bước ra từ Mẹc, tay cầm Vertu, chân đi Salvatore Ferragamo và điểm thêm một chiếc Daniel Wellington trên tay cơ chứ?
2. Bí quá hóa… cưa đường
Trước đó, các đôi trai gái yêu nhau qua hai hình thức: một là mối lái qua gia đình, bạn bè; hai là học chung lớp rồi yêu. Sau khi hiệp định Paris được ký kết, trai gái Hà Nội phải về nông thôn sơ tán. Sự khác biệt văn hóa khiến người thành thị khó mà yêu được người nông thôn, bố tôi chậm rãi nhớ lại giai thoại thời ấy: “Khó kiếm người yêu nên người ta đành đi cưa đường, đại loại là tán gái ngoài đường. Chiều đến các anh con trai bắt đầu đem xe đạp sạch bong sáng bóng ra, đầu tóc chải chuốt, không quên dắt túi thêm mấy đồng bạc lẻ để có lỡ mời các em uống nước còn có tiền giữ thể diện”.
"Cưa đường" là một đặc sản thời kỳ những năm 70 của thế kỷ 20 (Ảnh: Internet).
“Không phải ai cũng tán đâu nhá! Mấy ông thanh niên chỉ dám nhắm các cô tươi tắn, tóc đuôi gà buộc cao lên thì mới dám thôi. Các cô áo sơ mi cổ lá sen, tóc tết đuôi sam thì không bao giờ có cửa vì các ông thấy nghiêm túc quá! Dạo ấy thanh niên trạc tuổi bố mày cứ đứng ở đầu ngõ rồi vờ hỏi đường, buông vài câu tán tỉnh, cô nào mà quay lại nhìn có nghĩa là có thể cưa tiếp, cứ thế đưa nhau ra đầu ngõ rồi dừng xe tâm sự.” – Mẹ tôi góp chuyện.
Nghe có vẻ “mì ăn liền” nhưng không ít các cặp thành đôi từ đó. Theo lời ông cụ nhà tôi thì hẹn hò phải ra công viên cho công khai, nhưng tình yêu thì vẫn xanh mặc cho bao trở ngại. Thế đấy, bác nào không biết cưa đường thì bác đấy thiệt!
3. Lai láng lãng mạn gỡ gạc cái ví không
“Anh chở tình anh trên xe đạp / Mặc ai kia ngó, mặc ai dòm / Dễ gì mang một cô công chúa / Đặt vào xe rồi khẽ cúi hôn” là áng thơ kinh điển của Bùi Chí Vinh. Bố tôi ngày ấy nghèo rớt mồng tơi, một tuần chỉ dám hẹn mẹ tôi một lần. Một lần ấy phải đánh đổi bằng gói kẹo cho ông Hoan, thuốc lá cho ông Hưng để có đôi dép và chiếc xe đạp chở người thương. Tài sản chẳng có gì ngoài tài thơ phú sến súa, ấy thế mà vẫn cưa đổ được bà cụ nhà tôi mới tài.
Thơ ca là cứu cánh cho nhiều chàng trai thời bấy giờ! (Ảnh: Internet).
Không có hoa tặng nàng thì mang tiếng không biết lãng mạn, có hoa khéo còn khổ hơn! Bạn của mẹ tôi, cô Hóa là một trường hợp như vậy: “Người thương tặng cô một bông hoa, đều như vắt chanh thứ bảy nào cũng thế. Được ba tuần, cô bị phê phán là yêu đương mùi mẫn kiểu tiểu tư sản”. Hoa tươi, khăn mùi xoa cũng đành tạm biệt, vì một lý lịch không dính đến hai chữ tư sản là thế!
Vậy nên yêu nhau thời ấy trong sáng lắm, bố tôi và các cụ giả như có lỡ thất bại thì cũng đành ngậm ngùi gửi thơ mà thôi:
“Bức thư tình anh giữ đến mai sau
Như báu vật và trở thành vô giá
Vì tình yêu có bao giờ mặc cả
Chẳng giá nào mua nổi nó em ơi
Bức thư tình và ý nghĩ xa xôi
Để ta thấy tình yêu thật xa vời”.
4. Đi “tour” bờ hồ
Hình thức mộng mơ nhất trên đời của các nam thanh nữ tú thập niên 70 là đi dạo bờ hồ Hoàn Kiếm. Với những chàng trai không khá giả lắm thì đây là một hình thức tiết kiệm mà vẫn dư phần lãng mạn. Nếu tăm tia ai đó đã lâu, chàng trai đánh bạo ngỏ lời, đôi ta sẽ đi dạo quanh hồ, ăn kem Tràng Tiền và lấp đầy dạ dày bằng một tô phở nóng. Dư giả, chàng có thể mua tặng nàng sách ở phố Đinh Lễ và ngồi tạm ghế đá nào đó để cùng bàn luận.
Còn gì thi vị hơn một buổi chiều dạo mát với người thương? (Ảnh: Internet).
Bố mẹ tôi thì chẳng có được niềm vui ấy. Với hai cụ tiền ăn còn chẳng đủ nữa là tiền ăn kem. Mỗi lần gặp nhau bố tôi chỉ dám mượn xe rồi đèo mẹ tôi vài chục vòng thành phố rồi về, giản đơn và tiết kiệm. Tình yêu của bố mẹ tôi cũng mang tính quốc dân như bao người thời ấy, tôi xin mượn lời nhà thơ Bùi Chí Vinh để kết lại dòng suy tư chiều nay: “Cảm ơn em dám ngồi xe đạp / Để cho anh quên mất mình nghèo / Cảm ơn em đã không đánh phấn / Nhìn anh bằng con mắt trong veo”.