Truyền máu song thai: Hội chứng nguy hiểm, khó cứu khi mang thai đôi
Một trong những nguy hiểm khó cứu khi mang thai đôi là hội chứng truyền máu song thai.
Những nguy cơ tiềm ẩn khi song thai
TS. BS Lê Thị Thu Hà – Trưởng khoa hậu sản M (BV Từ Dũ) cho hay, hội chứng truyền máu song thai là hội chứng khá hiếm gặp, tỷ lệ chung trên thế giới khoảng 3 – 5/ ngàn. Hội chứng này chỉ xảy ra trong trường hợp song thai cùng trứng và có chung một bánh nhau. Nguyên nhân do sự thông nối mạch máu giữa hai thai khiến cho máu của một thai sẽ truyền cho thai còn lại. Khi lượng máu ít đi thì lượng máu đến thận giảm, nước tiểu ít dẫn tới túi ối thai cho sẽ giảm, còn thai nhận máu do một lượng máu lớn nên thường phát triển lớn hơn. Lượng ối của thai nhận cũng sẽ nhiều hơn. Từ đó dẫn tới sự chênh lệch về lượng ối, một thai sẽ thiểu ối còn một thai đa ối. Cân nặng hai thai cũng chênh lệch nhau trên 20% làm thai cho dễ suy dinh dưỡng, có thể tử vong trong bụng mẹ.
BS Thu Hà cũng cho hay, ngoài hội chứng truyền máu song thai, mang thai đôi còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với người mẹ và em bé. Với người mẹ thường sinh khó. Bà mẹ mang thai song sinh bụng lại to, tủ cung to nên dễ đờ tủ cung sau sinh gây băng huyết và tỷ lệ sinh non cũng cao hơn. Ngoài ra có thể gặp nguy cơ tiền sản giật, tiểu đường trong thai kỳ… Còn với em bé ngoài hội chứng truyền máu song thai thì có nguy cơ sinh non có thể khó sống hoặc gặp những bệnh lý nguy hiểm về sau. Trẻ cũng dễ bị dị tật bẩm sinh, thai suy dinh dưỡng, tự hư hoặc hai thai tự dính nhau, hội chứng thuyên tắc ối…
Một trong những nguy hiểm khó cứu khi mang thai đôi là hội chứng truyền máu song thai. Ảnh minh họa
Giải pháp nào cho hội chứng truyền máu song thai?
Nguồn gốc chính của hội chứng truyền máu song thai là do sự thông nối mạch máu giữa hai thai và người ta dựa vào cơ chế sinh bệnh để chữa trị. Theo BS Lê Thị Thu Hà, cho đến nay chưa có điều trị đặc hiệu với hội chứng này.
Để can thiệp vào những ca song thai bị hội chứng này, các bác sỹ dùng phương pháp quang đông tách mạch máu, luồng thông bằng nội soi bào thai. Cho ống nội soi vào buồng tử cung người mẹ để quan sát luồng thông mạch máu giữa hai thai, sau đó đốt laser đối với các mạch máu nối nhau ở phần nông của bánh nhau. Song cách điều trị này mới chỉ thực hiện được ở một số trung tâm trên thế giới, chi phí điều trị rất đắt. Ngoài ra nó vẫn tiềm ẩn rủi ro, tai biến như sinh non, nhiễm trùng, xuất huyết… và không phải bất kỳ trường hợp nào cũng sử dụng. Hai giải pháp khác phổ biến hơn là bác sỹ có thể cắt màng ối thông nối giữa hai thai hoặc chọc hút nước ối ở thai nhận, giảm thiểu tình trạng đa ối.
“Khi mắc truyền máu song thai, để tránh những nguy hiểm người mẹ nên chấm dứt thai kỳ ở tuổi thai 34 – 36 tuần sớm hơn tuổi thai đủ tháng là 40 tuần vì để càng lâu trong bụng mẹ, nguy cơ cho em bé bị càng nhiều. Còn nếu sớm hơn thì bé sẽ khó nuôi” – BS Hà cho hay.
Các bác sỹ chuyên khoa sản khuyến cáo, mang song thai phần nào ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng những nguy cơ này có thể kiểm soát được nếu thai phụ sớm khám và theo dõi thường xuyên tại các cơ sở y tế. Mỗi lần khám, cần siêu âm để theo dõi sự phát triển của thai. Vì song thai dễ có tình trạng thai to, thai bé và các bọc ối cũng dễ chênh lệch. Nhất là 3 tháng cuối càng phải theo dõi chặt chẽ để có thể dưỡng thai ít nhất 34 tuần tuổi vì dễ bị sinh non.
Đối với hội chứng thai truyền máu cho nhau là vấn đề có nguy cơ cao và có thể xảy ra đột ngột, bất cứ lúc nào khi đang mang thai nên càng cần được kiểm tra bằng siêu âm thường xuyên. Tuy nhiên thai phụ có thể nghi ngờ song thai nếu tăng cân quá nhiều, tử cung lớn hơn so với tháng mang thai; ốm nghén nghiêm trọng: buồn nôn và nôn vọt rất nhiều; có những cử động của thai nhi sớm hơn bình thường.
“Tất cả chị em phụ nữ khi bắt đầu có thai 1 – 2 tuần cần đi khám ngay. Các bác sỹ sẽ kiểm tra tình trạng mẹ và bào thai, đặc biệt trẻ mang song thai sẽ được theo dõi sát. Khi phám đều đặn, các bác sỹ sẽ tư vấn vấn đề dinh dưỡng, cách chăm sóc thai kỳ, dự phòng và phát hiện sớm những bệnh lý có thể xảy ra trong quá trình mang thai, nguy cơ sinh. Bà mẹ mang thai song sinh cũng cần chọn nơi sinh là bệnh viện lớn, có phòng mổ…” – BS Hà khuyên.