Trường học khắc phục khó khăn khi thiếu giáo viên môn đặc thù
Thiếu giáo viên, khó khăn về nguồn tuyển, đặc biệt ở một số môn học đặc thù như ngoại ngữ, tin học, nghệ thuật... là thực trạng đang diễn ra tại nhiều địa phương.
Theo con số thống kê thì, chỉ tiêu giáo viên dành cho các môn học mới đến năm 2025, 2026 còn thiếu hơn 26.000 giáo viên. Để gỡ nút thắt này, nhiều trường học tại các địa phương đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp phù hợp.
Toàn tỉnh Tuyên Quang đến nay chỉ có duy nhất một lớp học cấp THPT được học môn âm nhạc. Do trước đó, nhà trường có cả khối THCS nên sẵn có giáo viên cũ. Nhìn học sinh say mê, hào hứng trong các giờ học, cô Hồng chia sẻ nỗi thiệt thòi với các em chưa được theo học bộ môn này đúng như nguyện vọng.
Thực tế, trong đợt khảo sát nguyện vọng môn học đầu năm, trường THPT Hàm Yên có tới 20% học sinh lựa chọn các môn nghệ thuật. Thế nhưng vì không có giáo viên, nhà trường đã không thể triển khai dạy học.
Thầy Nguyễn Văn Hanh - Hiệu trưởng trường THPT Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang - chia sẻ: "Khi khảo sát các tổ hợp lựa chọn đầu năm, rất nhiều em học sinh đăng ký môn âm nhạc và mỹ thuật. Tuy nhiên không có giáo viên nên chúng tôi phải thực hiện dân vận để xếp các em phù hợp với nguồn lực giáo viên ở trường".
Một dẫn chứng cụ thể khác cho việc thiếu giáo viên ở các bộ môn mới là công việc chuyên môn chính của các giáo viên đang đứng lớp giờ Tin học khối 3. Đa phần các nhà trường đều chưa có giáo viên chuyên trách bộ môn này. Như tại trường Tiểu học Ỷ La, thầy Hiệu phó đang phải tạm thời đứng lớp.
Thầy giáo Đặng Văn Thư - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Ỷ La, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang - cho biết: "Hiện nay giáo viên văn hóa đang dạy Tin học sẽ không đảm bảo hiệu quả, về lâu dài cần có giáo viên có chuyên môn Tin học".
Năm học này, lần đầu tiên môn học Tiếng Anh và Tin học sẽ trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, thay vì tự chọn như trước đây. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều thiếu giáo viên các môn này. Bài toán thiếu giáo viên đang được tạm thời giải quyết bằng nhiều cách.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Trưởng Phòng giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang - cho biết: "Giáo viên các trường THCS trong cùng xã được bố trí hỗ trợ các trường tiểu học môn học này. Tỉnh Tuyên Quang cũng có kế hoạch bồi dưỡng giáo viên để kịp thời đứng lớp theo yêu cầu".
Trước đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn cụ thể về các giải pháp có tính linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, dù nỗ lực đến đâu, việc xoay xở tình thế của các nhà trường hiện nay để dạy chương trình mới đang được ví chẳng khác nào cảnh "vừa chạy vừa xếp hàng".