Trong mắt giáo viên, trẻ có 3 điều này mới gọi là thông minh!
Nếu giáo viên đã dạy lớp một thời gian dài thì thật ra cũng có thể nhận ra đặc điểm của từng em qua những chi tiết nhỏ.
- Bài viết của cô Trần - một giáo viên lâu năm tại Trung Quốc:
Là một giáo viên đã làm công tác giáo dục nhiều năm, tôi thường xuyên nghe các bậc phụ huynh hỏi một câu như thế này: "Thưa cô, cô có thể nhìn một cái là biết con tôi có thông minh hay không không?". Thành thật mà nói, đây là một câu hỏi rất khó trả lời.
Mấy hôm trước, tôi gặp một phụ huynh vừa đi họp phụ huynh về.
Chị nói với tôi: "Cô Trần ơi, tôi thấy một chuyện khá thú vị. Trong buổi họp, cô giáo chủ nhiệm nhận xét học sinh nào cũng giống nhau, kiểu như "bé khá thông minh, chỉ là cần chăm chỉ hơn một chút trong việc học". Cô nói xem, giáo viên thật sự có thể nhìn qua là biết đứa nào thông minh, đứa nào kém à?".
Nghe vậy, tôi bật cười.
Tôi nói: "Đó không phải là chuyện có thể nhìn một cái là biết được đâu. Nhưng mà, nếu giáo viên đã dạy lớp một thời gian dài thì thật ra cũng có thể nhận ra đặc điểm của từng em qua những chi tiết nhỏ".
Trước tiên, ta hãy nói về chữ "thông minh". Trong mắt nhiều phụ huynh, trẻ thông minh là phải lanh lợi, hay nói, tính cách sôi nổi. Nhưng thực tế, những đặc điểm đó không hoàn toàn gắn liền với năng lực học tập.
Tôi từng biết một số học sinh học rất giỏi, nhưng lại có tính cách khá trầm, ít nói, thậm chí hướng nội.

Ảnh minh hoạ
Vậy, trong mắt giáo viên, một đứa trẻ thông minh trông như thế nào?
Trước tiên, khả năng tập trung là một chỉ số rất quan trọng. Trong giờ học, có những học sinh ánh mắt chăm chú, có thể theo kịp mạch bài giảng của giáo viên. Ngược lại, có những em ánh mắt lơ đãng, như thể nghe mà không hiểu gì cả. Sự khác biệt này, giáo viên nhìn một cái là biết ngay.
Tiếp theo là hiệu quả học tập. Có em chỉ cần giảng một lần là hiểu ngay kiến thức mới. Cũng có em phải giảng đi giảng lại nhiều lần mới hiểu được. Sự khác biệt này cũng dễ dàng nhận ra trong quá trình giảng dạy hàng ngày.
Tư duy linh hoạt cũng là một đặc điểm quan trọng. Trẻ thông minh thường biết vận dụng kiến thức một cách linh hoạt, biết suy luận từ cái đã học ra cái chưa học. Ví dụ, tôi từng dạy một học sinh chỉ cần nghe tôi giảng một dạng bài là có thể làm được tất cả các bài tương tự.
Khả năng suy luận như thế thực sự khiến người ta ấn tượng.
Tuy nhiên, tôi muốn nhắc các phụ huynh rằng: Thông minh không đồng nghĩa với học giỏi.
Tôi đã gặp nhiều học sinh rất thông minh, nhưng vì thói quen học tập kém mà kết quả lại thua cả những bạn có vẻ "bình thường" nhưng rất chăm chỉ. Tôi có một học sinh như thế: Hồi tiểu học rất thông minh, nhưng hay quên làm bài tập, hay để sót sách vở.
Lên cấp 2, kết quả học tập của em ấy tụt dốc không phanh. Lý do rất đơn giản: Cường độ học ở cấp 2 tăng cao, chỉ dựa vào sự lanh lợi thì không còn đủ nữa.
Vì thế, tôi thường nói với phụ huynh: Thay vì cứ lo con mình có thông minh không, hãy quan tâm nhiều hơn đến thói quen học tập của con.
Vì chính thói quen tốt mới là nền tảng cho sự phát triển lâu dài.
Vậy làm sao để xây dựng thói quen học tập tốt? Dưới đây là một vài gợi ý dành cho các bậc phụ huynh:
- Rèn luyện sự tập trung: có thể thông qua các trò chơi nhỏ hoặc đọc sách để luyện khả năng chú ý của trẻ.
- Lập kế hoạch học tập: giúp trẻ xây dựng thời gian biểu hợp lý và hỗ trợ các em thực hiện đúng.
- Khuyến khích tư duy chủ động: đừng vội vàng đưa ra đáp án, hãy để trẻ tự suy nghĩ và tìm câu trả lời.
- Tạo môi trường học tập tốt: chuẩn bị cho trẻ một không gian yên tĩnh, thoải mái để học.
- Khen ngợi vừa phải: kịp thời ghi nhận sự tiến bộ của trẻ, nhưng tránh khen quá đà để trẻ không tự mãn.
Cuối cùng, mỗi đứa trẻ đều có điểm sáng riêng.
Là cha mẹ, nhiệm vụ của chúng ta là phát hiện và nuôi dưỡng những điểm mạnh ấy, chứ không phải chỉ biết dán nhãn "thông minh" hay "không thông minh".
Mấy hôm trước, tôi thấy một bức tranh biếm họa khá thú vị. Trong đó vẽ một lớp học với nhiều học sinh khác nhau: Có em đang chăm chú nghe giảng, có em lơ đãng, có em thì lén đọc sách ngoài chương trình.
Dưới bức tranh có dòng chữ: "Bạn có nhìn ra ai là học sinh giỏi không?".
Tranh này khiến nhiều người bàn tán. Có người nói học sinh giỏi là đứa đang nghe giảng, người khác thì bảo đứa đọc sách mới là thông minh.
Thật ra, điều đó chỉ cho thấy: Chúng ta không nên dùng một tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá trẻ em.
Tôi có một người bạn, con trai chị ấy hồi nhỏ trông không lanh lợi lắm, nói chuyện chậm, lại khá nhút nhát. Nhưng cậu bé lại rất thích vẽ, từ nhỏ đã thể hiện năng khiếu nghệ thuật rõ rệt. Bây giờ, em ấy đã trở thành một họa sĩ trẻ đầy triển vọng.
Câu chuyện này cho thấy: Mỗi đứa trẻ đều có thiên phú và thế mạnh riêng.
Chúng ta nên nhìn nhận sự phát triển của trẻ bằng một góc nhìn rộng mở hơn, thay vì chỉ chăm chăm vào điểm số.
Cuối cùng, hãy tự hỏi: Chúng ta mong con mình trở thành người như thế nào? Là người đứng đầu bảng điểm? Hay là người bản lĩnh trong cuộc sống? Là giỏi sách vở? Hay là người chiến thắng trong đời thực?
Tôi nghĩ, quan trọng nhất là bồi dưỡng con trở thành người tử tế, chính trực và có trách nhiệm. Những phẩm chất này còn quý giá hơn sự thông minh đơn thuần rất nhiều.
Là giáo viên, tôi mong có thể giúp mỗi đứa trẻ khám phá tiềm năng của mình, tìm được con đường phù hợp để phát triển.
Là cha mẹ, chúng ta càng nên nhìn con bằng ánh mắt trân trọng, trao cho con niềm tin và sự hỗ trợ đủ đầy.
Hãy nhớ rằng: Mỗi đứa trẻ đều là một cá thể độc nhất vô nhị.
Thay vì bận tâm con có thông minh không, chi bằng dành nhiều thời gian hơn để thấu hiểu con, đồng hành cùng con trưởng thành.
Đó mới là điều quan trọng nhất, phải không?