Trao đổi phương pháp mới, tối ưu hiệu quả trữ noãn trong điều trị hiếm muộn

G.BẢO,
Chia sẻ

Các bác sĩ, chuyên viên phôi học đến từ nhiều bệnh viện, trung tâm Hỗ trợ sinh sản trên cả nước vừa có buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn tại Hà Nội.

Ngày 22/2, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội phối hợp cùng đơn vị Hỗ trợ sinh sản hàng đầu Nhật Bản - Kato Ladies Clinic (Tokyo, Nhật Bản) tổ chức chương trình tập huấn với chủ đề “Tối ưu hóa trữ đông trứng/noãn bằng phương pháp thủy tinh hóa” với sự đồng hành của hãng Kitazato (Nhật Bản) và công ty Intesco. Buổi tập huấn thu hút sự tham gia của rất nhiều bác sĩ, chuyên viên phôi học đến từ các Bệnh viện, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản lớn trên cả nước.

Trao đổi phương pháp mới, tối ưu hiệu quả trữ noãn trong điều trị hiếm muộn - Ảnh 1.

Chủ tịch Tập đoàn Kato (Nhật Bản) - Bác sĩ Keiichi Kato cùng đoàn chuyên gia cấp cao của Kato Ladies Clinic tham gia tập huấn.

Trong Hỗ trợ sinh sản, bảo quản lạnh trứng/noãn là một kỹ thuật quan trọng không thể thiếu trong điều trị vô sinh - hiếm muộn cũng như bảo tồn khả năng sinh sản cho nữ giới trong một số trường hợp cần trì hoãn việc sinh con vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Sự ra đời của phương pháp thủy tinh hoá trong trữ đông trứng/noãn đã hỗ trợ bảo quản chất lượng noãn được tốt nhất so với các phương pháp đông lạnh trước kia.

Trao đổi phương pháp mới, tối ưu hiệu quả trữ noãn trong điều trị hiếm muộn - Ảnh 2.

Các bác sĩ, chuyên viên phôi học tham gia tập huấn.

ThS Nguyễn Minh Đức - Trưởng Labo Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết: “Phương pháp thủy tinh hóa ngày nay đã có sự cải tiến nhất định. Với việc đặt bệnh nhân là trung tâm, nhờ áp dụng những cải tiến của phương pháp thủy tinh hóa mới, tỷ lệ sống của noãn sau khi rã đông đã lên tới hơn 90%. Từ đó, đảm bảo cho bệnh nhân có một chu kỳ hỗ trợ sinh sản tự tin hơn khi tiến hành lưu trữ trứng/noãn.

Việc làm này có ý nghĩa rất lớn đối với những bệnh nhân buộc phải dừng chu kỳ điều trị hoặc phải chờ chu kỳ điều trị trước khi có tinh trùng và càng có ý nghĩa hơn khi trong thời đại mới, phụ nữ hoàn toàn có thể lựa chọn trữ đông noãn ở thời điểm tốt nhất cho việc sinh sản”.

Trao đổi phương pháp mới, tối ưu hiệu quả trữ noãn trong điều trị hiếm muộn - Ảnh 3.

Các học viên trao đổi tại buổi tập huấn.

Tại buổi tập huấn, Tiến sĩ Hirofumi Morita đã chia sẻ cũng như hướng dẫn quy trình thực hiện trữ đông trứng/noãn đang được áp dụng. Với sự cải tiến về cách thức tiến hành, môi trường, trang thiết bị y tế thì việc trữ đông trứng/noãn bằng phương pháp thuỷ tinh hoá mới đã giúp tối ưu kết quả điều trị, góp phần không nhỏ vào thành công của một chu kì thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại đơn vị Hỗ trợ sinh sản hàng đầu Nhật Bản này.

Sau phần chia sẻ của Tiến sĩ Hirofumi Morita, các học viên tham gia buổi tập huấn tiếp tục đến với phần thực hành trữ đông trứng/noãn theo phương pháp thuỷ tinh hoá mới dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia cao cấp đến từ Kato Ladies Clinic. Tại đây, các chuyên gia, học viên tham dự đã có những thảo luận sôi nổi, nhiều vấn đề được giải đáp nhằm đưa ra những cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

“Buổi tập huấn có ý nghĩa rất quan trọng với các bác sĩ, chuyên viên phôi học tại đơn vị Hỗ trợ sinh sản bởi trong trữ đông noãn có rất nhiều kĩ thuật khó đòi hỏi người thực hiện phải có thao tác chuyên nghiệp và tay nghề cao. Hôm nay, chúng tôi đã cố gắng hết sức để hướng dẫn cho các học viên cách thức thực hiện theo đúng quy trình của Kitazato nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất cho việc trữ và rã đông noãn. Điều quan trọng nhất của việc trữ noãn là tỷ lệ thành công sau khi rã nên việc thực hiện đúng quy trình là rất quan trọng và các bác sĩ/chuyên viên phôi học có mặt trong buổi hôm nay đã làm rất tốt những điều đó” - Tiến sĩ Hirofumi Morita nói.

Trao đổi phương pháp mới, tối ưu hiệu quả trữ noãn trong điều trị hiếm muộn - Ảnh 4.

Trao chứng nhận tham gia tập huấn cho các học viên.

Được biết, tập huấn “Tối ưu hóa trữ đông trứng/noãn bằng phương pháp thủy tinh hóa” là một trong rất nhiều khoá tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học được tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả điều trị vô sinh - hiếm muộn cho bệnh nhân; góp phần quan trọng trong việc bảo toàn giống nòi nói chung và bảo tồn khả năng sinh sản ở nữ giới nói riêng. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các bác sĩ/chuyên viên phôi học trên cả nước tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thực hành kĩ thuật mới, chung tay xây dựng và phát triển chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam ngày một vững mạnh.

Chia sẻ