TP.HCM: Người già, trẻ nhỏ bệnh hô hấp tăng đột biến dịp cận Tết

Bài, ảnh: Thiên Kim,
Chia sẻ

Bệnh hen phế quản và COPD chiếm khoảng 80% trong tổng số lượt người bệnh đến khám vì các vấn đề hô hấp, tập trung ở người già và trẻ nhỏ.

Thông tin này được Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM (BV ĐHYD) cho biết trong ngày 13/12.

Theo đó tính riêng tháng đầu năm năm 2018, số lượt người bệnh đến khám các vấn đề hô hấp tại đây tăng khá nhiều. Trong đó, bệnh hen phế quản và COPD chiếm khoảng 80%, những bệnh khác như cảm cúm, ho… chiếm khoảng 20%. Người già và trẻ nhỏ là những đối tượng chủ yếu mắc bệnh, trong đó người già chiếm khoảng 70% lượt khám.

TP.HCM: Người già, trẻ nhỏ bệnh hô hấp tăng đột biến dịp cận Tết - Ảnh 1.

Thời điểm Đông-Xuân, lượng bệnh nhân nhập viện vì vấn đề hô hấp tại các BV thường tăng cao có thể gây nên tình trạng quá tải.

ThS BS. Nguyễn Như Vinh – Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp của BV cho biết: "Cúm ác tính là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm nhất. Cảm cúm đa phần là tự hết chứ chưa có thuốc đặc trị, nhưng cúm ác tính có thể dẫn đến tử vong mà không có dấu hiệu báo trước.

Bên cạnh đó, bệnh viêm phổi cũng đặc biệt nặng nề đối với trẻ nhỏ vì nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể tử vong. Còn người lớn mắc viêm phổi đa phần phải điều trị nội trú. Ngoài ra, hen suyễn và COPD cũng là những bệnh nguy hiểm, gây tử vong nếu vào đợt cấp mà không nhập viện kịp thời".

Như trường hợp bé P.H.A (3 tuổi quê Đồng Nai) nhập viện mới đây. Những ngày giữa tháng 1/2018, bé A. bị sốt nhẹ, ho húng hắng, thở khò khè. Gia đình chủ quan trước những triệu chứng vì cho rằng đây chỉ là cảm cúm thông thường nên đã mua thuốc theo đơn cũ cho bé uống. Hết đơn thuốc, bé không đỡ mà còn nặng hơn với những triệu chứng khó thở, bỏ ăn và tình trạng ngày càng xấu đi.

TP.HCM: Người già, trẻ nhỏ bệnh hô hấp tăng đột biến dịp cận Tết - Ảnh 2.

Trẻ cần được tiêm vắc xin để phòng chống bệnh đường hô hấp.

Tại BV ĐHYD sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận bé bị viêm phổi cấp do virus. Vì không có thuốc đặc trị nên bé được điều trị nâng đỡ, uống thêm vitamin C, và sử dụng các loại thuốc hỗ trợ khác. May mắn điều trị kịp thời, bé đã khỏe và đã được xuất viện.

Theo các bác sĩ, đa số trẻ dưới 6 tuổi có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp cấp, viêm phổi, áp xe phổi, tràng khí, tràng dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, các bậc cha mẹ nên theo dõi trẻ khi trẻ có những dấu hiệu khác thường, nên đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để điều trị đúng và kịp thời. Trẻ em cần tiêm chủng đầy đủ, nhất là mũi phòng bệnh thường gặp lúc giao mùa.

TP.HCM: Người già, trẻ nhỏ bệnh hô hấp tăng đột biến dịp cận Tết - Ảnh 3.

ThS BS. Nguyễn Như Vinh khuyên người dân nên giữ cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cuờng vận động.

"Ngoài ra, phụ nữ mang thai cũng là đối tượng cần quan tâm vì sức đề kháng trong giai đoạn mang thai yếu hơn bình thường. Thai phụ khi mắc cảm cúm thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên hàng đầu với thai phụ, bằng cách hạn chế tiếp xúc với người đang mắc bệnh hô hấp" – các bác sĩ cung cấp.

Trong một diễn biến liên quan, chiều 13/12, Bộ Y tế cũng đã có cuộc họp khẩn về phòng chống cúm trong thời điểm đông xuân và Tết Nguyên đán 2018. GS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế yêu cầu các BV luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng để ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh bùng phát.

Một số cách phòng tránh các loại bệnh giao mùa theo ThS BS. Nguyễn Như Vinh:

- Giữ cho cơ thể khỏe mạnh bằng cách tăng cường vận động.

- Ăn đầy đủ chất và các nhóm dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng.

- Tiêm phòng vaccine cúm đầy đủ.

- Cần giữ gìn vệ sinh cá nhân, nhà ở thông thoáng, ít bụi bẩn.

- Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi, nếu dùng tay che miệng thì nên rửa sạch với xà phòng, tránh khạc nhổ bừa bãi.

- Hạn chế thức ăn lạnh, giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

- Sử dụng đều đặn và đầy đủ đơn thuốc của bác sĩ đối với những bệnh mạn tính để tránh trường hợp bệnh tái phát nặng hơn.

Chia sẻ