TPHCM: 17 người chết, mỗi tuần hơn 3.000 người mắc sốt xuất huyết

Vân Sơn,
Chia sẻ

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn TPHCM tiếp tục duy trì ở mức cao. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 17 trường hợp tử vong, SXH cũng khiến nhiều người rơi vào tình trạng bệnh nặng, nguy kịch.

Sáng 11/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tuần qua trên địa bàn thành phố ghi nhận 3.066 ca mắc SXH, tương đương so với số ca mắc của tuần trước. Dịch SXH hiện vẫn đang ở mức cao so với cùng kỳ các năm.

Cộng dồn từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 39.449 trường hợp mắc bệnh SXH (tăng 378,8% với cùng kỳ năm 2021 là 8.240 ca). Trong đó, số ca sốt xuất huyết nặng là 679 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc 1.72% (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021 là 0,5%).

TPHCM: 17 người chết, mỗi tuần hơn 3.000 người mắc sốt xuất huyết - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Tuần qua, trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH tại thành phố Thủ Đức. Số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 17 trường hợp. Toàn thành phố ghi nhận thêm 181 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 96 phường, xã thuộc 20/22 quận huyện và thành phố Thủ Đức.

Thống kê từ HCDC cho thấy 7/22 quận, huyện đang có số ca bệnh trong tuần tăng so với số ca trung bình 4 tuần trước (quận 1, quận 6, quận 8, quận 11, quận Bình Tân, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình).

Ngoài phương án phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng, xử lý ổ dịch mới phát sinh, ngành y tế TPHCM kêu gọi người dân chung tay phòng chống SXH bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo HCDC muỗi truyền bệnh SXH sống tại các khu vực gần với nơi con người sinh sống và đẻ trứng tại những nơi có nước đọng (các lu/ vại/ thùng/ chai lọ/ xô/ chậu/ rác thải/ lốp xe). Trứng muỗi sẽ nở khi gặp nước và có thể chịu được điều kiện rất khô, sống trong nhiều tháng.

TPHCM: 17 người chết, mỗi tuần hơn 3.000 người mắc sốt xuất huyết - Ảnh 2.

Vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, muỗi truyền bệnh để ngăn chặn SXH (Ảnh: Phạm Nguyễn)

Để phòng tránh bệnh SXH, BS Nguyễn Hồng Tâm - Phó giám đốc HCDC, khuyến cáo mỗi người dân cần thực hiện các giải pháp che, đậy kín vật chứa nước sạch bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được để ngăn chặn muỗi tiếp xúc với nguồn nước đẻ trứng; thả các loài động vật ăn lăng quăng như: cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng.

Bỏ muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn vào dụng cụ bất đắc dĩ phải chứa nước nhưng không dùng tới để tiêu diệt lăng quăng; lật úp vật chứa, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn để tránh nước mưa; loại bỏ phế liệu, thu gom rác thải không để các vật đọng nước phát sinh lăng quăng.

Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên vệ sinh, làm sạch vật chứa nước, thay nước định kỳ mỗi 5 đến 7 ngày 1 lần. Cộng đồng cần thay đổi tập quán trữ nước, không sử dụng các vật chứa nước có nguy cơ đọng nước làm phát sinh lăng quăng mà thay bằng sử dụng trực tiếp từ vòi nước.

Chia sẻ