Tôi từng không để dành nổi 100k/tháng, mãi sau này mới nhận ra: Tiết kiệm khó vì không biết 3 điều này!
Chuyện gì cũng thế, biết cách xử lý thì “chuyện to cũng hóa nhỏ”. Tiết kiệm cũng vậy.

Những năm đầu đi làm, tôi cũng vật lộn với mục tiêu tiết kiệm, hệt như một cuộc chiến không hồi kết mà bản thân nắm chắc phần thua. Nhưng rồi, tôi dần nhận ra tiết kiệm không phải là một bài toán khó, mà là cuộc chơi cần có chiến lược rõ ràng.
Sau khi hiểu rõ vấn đề, chẳng cần cố tôi cũng tiết kiệm được tiền.
1 - Tự động hóa việc tiết kiệm: Biến áp lực thành thói quen vô thức!
Đây là "chìa khóa" đầu tiên và quan trọng nhất. Hầu hết chúng ta đều muốn tiết kiệm, nhưng ý chí đó thường rất mong manh. Cứ để tiền nằm yên trong tài khoản chi tiêu, rồi đến cuối tháng mới nghĩ xem còn bao nhiêu để để dành, thì 99% là "bay sạch".

Ảnh minh họa
Vì tâm lý con người luôn có xu hướng "tự thưởng" và chi tiêu thoải mái khi thấy tiền có sẵn. Thế nên tốt nhất là hãy tự động hóa việc tiết kiệm.
Tôi cài đặt chế độ trích tiền từ tài khoản thanh toán vào tài khoản tiết kiệm vào ngày 29 hàng tháng - đúng 1 ngày sau khi tôi được nhận lương. Chỉ cần tốn công cài đặt 1 lần là từ những tháng sau, chẳng cần thao tác gì nữa, tiền tự "bay" vào tài khoản tiết kiệm, không thể rút ra, không thể "động vào".
Khi tiền được "cất đi" một cách tự động, tôi không còn nhìn thấy nó trong ngân sách chi tiêu hàng ngày, và buộc phải xoay sở với số tiền còn lại. Việc này biến mục tiêu tiết kiệm từ một nhiệm vụ đầy áp lực, thành một thói quen vô thức.
Tôi không cần phải nhắc nhở bản thân mỗi ngày, mà tiền vẫn được để dành một cách đều đặn.
2 - Tiết kiệm vì mục tiêu cụ thể: Biến con số khô khan thành động lực "vô song"!
Tiết kiệm mà không có mục tiêu rõ ràng cũng giống như lái xe mà không biết điểm đến. Bạn cứ đi mãi, rồi sẽ thấy chán nản và muốn dừng lại. Tôi nhận ra mình phải có một mục tiêu cụ thể, một mục tiêu có ý nghĩa, thì mới có động lực để tiết kiệm tiền.
Khi gán một "câu chuyện" vào một số tiền phục vụ mục tiêu trong tương lai, chuyện tiết kiệm không còn là vấn đề khô khan, khó nhằn nữa.
50 triệu đồng không chỉ là 50 triệu, mà là "tiền mua một chiếc xe máy phục vụ việc đi lại".
100 triệu không chỉ là 100 triệu, mà là "tiền đưa mẹ và bà đi trồng răng".
Nhờ nghĩ như vậy, mỗi lần định mua sắm thứ gì đó, tôi lại bất giác nghĩ tới mục tiêu của mình. Tôi hình dung về cảm giác hạnh phúc khi đạt được mục tiêu ấy, và thế là tự nhiên từ bỏ được ham muốn mua vài món đồ vô bổ.
3 - Khoản nào tốn tiền nhất, giảm ngay khoản đó!
Mỗi người có 1 cách chi tiêu, một hướng cắt giảm chi tiêu khác nhau. Tôi thì nghĩ rằng không nên quá tập trung vào việc cắt giảm những khoản chi nhỏ nhặt như một ly cà phê mỗi sáng hay vài nghìn tiền gửi xe. Điều này không sai, nhưng nó dễ gây mệt mỏi và tạo cảm giác "hà tiện", trong khi hiệu quả mang lại không quá lớn.
Thay vào đó, tôi tập trung vào những khoản chi lớn nhất trong ngân sách hàng tháng.

Ảnh minh họa
Những khoản chi lớn nhất với tôi là: Tiền thuê nhà, tiền đặt xe công nghệ, tiền ăn ngoài và mua sắm linh tinh.
Nhận diện được những khoản "ngốn" nhiều tiền nhất rồi, tôi chỉ tập trung vào việc nghĩ cách giảm ngân sách của những khoản đó lại thôi. Những khoản vốn đã hợp lý như tiền thuê nhà, điện nước, mua sắm đồ dùng thiết yếu,... thì thôi! Chẳng tốn công "soi" lại làm gì!