Tôi quẳng gánh lo chi tiêu từ ngày chia tiền vào ví điện tử

Lam Anh,
Chia sẻ

Chia 15 triệu thành 4 khoản vào các ví điện tử khác nhau: tiền sinh hoạt, tiền mua sắm - giải trí - du lịch, tiền thuê nhà, tiền tiết kiệm và các khoản đột xuất phát sinh, Thu Hồng (Hà Nội) không còn lo âm, thậm chí có tháng dư dù chẳng cần cắt giảm nhu cầu nào.

* Bài viết được chia sẻ bởi Thu Hồng, 25 tuổi, hiện đang sống độc thân trong 1 căn chung cư cho thuê tại Hà Nội. Nhu cầu ăn uống, mua sắm, giải trí cao và nhà ở cao nên Thu Hồng gần như lúc nào cũng đối mặt với stress vì tiền bạc. Một năm vừa qua, Thu Hồng thực hành theo lối sống tối giản và miệt mài tìm cách quản lý tài chính, điều này đã giúp tiền bạc không còn là nỗi lo với Hồng nữa.

Độc thân, thu nhập không thấp nhưng tháng nào tiền cũng "âm" 

Làm sale cho công ty bất động sản khá lớn ở Hà Nội khoảng hơn 1 năm, mặc dù kinh nghiệm chưa có nhiều nhưng thu nhập của Thu Hồng hầu như đều ở mức 8 chữ số, mức trung bình nhất cũng rơi vào khoảng 15 triệu đồng (bù trừ cho những tháng không có tiền hoa hồng). 

Có thể nhiều người sẽ thấy, con số 15 triệu với 1 người độc thân - không có áp lực quá lớn về mục tiêu mua nhà sắm xe thì sẽ không cần phải lo lắng quá nhiều về chuyện tiền bạc. Thế nhưng, vì không biết cách tiêu pha nên Thu Hồng luôn rơi vào tình trạng không có tiền dư hàng tháng, 25 tuổi vẫn chưa có vài triệu để tiết kiệm, thậm chí có những tháng "âm".

Tôi quẳng gánh lo chi tiêu từ ngày chia tiền vào ví điện tử - Ảnh 1.

Ảnh: Timo

Sau đó, kể từ cuối năm 2022, khi công việc nói chung bị ảnh hưởng, Thu Hồng mới bắt đầu thực hiện tiết kiệm nhưng vẫn không khả quan.

Ban đầu, Thu Hồng chia rất nhỏ các khoản nhưng đều để chung tiền vào một ví, kết quả lẫn lộn hết cả vào nhau dẫn tới việc thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu trước hụt sau.

Không chỉ thế, Thu Hồng cũng từng sử dụng các ứng dụng quản lý thu chi, lập kế hoạch tài chính từng tháng bằng excel nhưng không thể nhớ để kiểm soát hết được. Và vì không thể lúc nào cũng kè kè điện thoại để ghi chép mãi nên sau khi tổng kết tiền theo tháng, Thu Hồng thường phải mất rất nhiều thời gian để ngồi nghĩ xem tiền của mình đi đâu.

Đây cũng là lý Thu Hồng chìm đắm trong 1 thời gian khá dài đầy sự lo lắng về tương lai.

Chia nhỏ tiền về các ví điện tử khác nhau để quản lý quỹ chi tiêu

Từ tháng 10 năm ngoái, Thu Hồng bắt đầu thực hiện việc chia nhỏ tiền về các ví điện tử theo phương pháp phong bì. Cụ thể, thay vì cách thông thường chia tiền mặt vào các quỹ phong bì khác nhau, Thu Hồng phân chia theo từng ví điện tử khác nhau. Các khoản cụ thể bao gồm: tiền sinh hoạt, tiền mua sắm - giải trí - du lịch, tiền thuê nhà, tiền tiết kiệm và các khoản đột xuất, phát sinh. 

Sau khi nhận lương, Thu Hồng ngắt ngọn luôn 4 triệu để dành. Còn lại 11 triệu, Thu Hồng tiến hành chia vào 4 ví khác, trên mỗi tấm thẻ đều có viết rõ các khoản. Thu Hồng nhận thấy, việc để nguyên tiền trong các ví điện tử giúp cô bớt gặp phải tình trạng tiêu xài bừa bãi, hoang phí, lẹm vào khoản nọ khoản kia dẫn tới tình trạng thiếu trước hụt sau.

Tôi quẳng gánh lo chi tiêu từ ngày chia tiền vào ví điện tử - Ảnh 2.

Ảnh: NVCC

Cụ thể, các ví điện tử sẽ được phân chia rõ ràng như sau:

1. Tiền thuê nhà: 5,5 triệu/tháng cùng chi phí dịch vụ khác như điện, nước, wifi,... 

2. Tiền phí sinh hoạt, đi chợ: 3,5 triệu/tháng.

3. Mua sắm: 2 triệu/tháng, những lúc cần mua sắm, Thu Hồng sẽ dùng khoản này.

4. Đột xuất: 1 triệu/tháng cho các khoản cưới hỏi, thăm bệnh, sinh nhật...

Vì sống 1 mình nên nhu cầu ăn uống của Thu Hồng khá đơn giản. Để bớt lãng phí hoặc tạo ra cảm giác chán nản khi nấu xong 1 bữa mà còn thừa quá nhiều, Thu Hồng luôn chuẩn bị nhiều hơn 1 chút để hôm sau mang đi làm. Bữa ăn vẫn luôn đảm bảo một món mặn, rau và canh....

Về cơ bản, việc phân chia này giúp Thu Hồng tạo thói quen chỉ tiêu tiền vào đúng mục đích đã định, không lẫn lộn tiền nọ với tiền kia. Cách này thực sự hiệu quả so với việc ghi rất chi tiết nhưng không phân loại tiền bạc. Bởi, đôi khi để một cục tiền trong ví, thường xuyên nhìn thấy, bạn sẽ vẫn nghĩ bạn giàu và lại mua sắm phung phí, dù thực ra tài khoản đó đã âm, thậm chí đang tiêu lẹm vào khoản khác. Số tiết kiệm hàng tháng sẽ dồn cho đến khi chẵn 20 triệu thì Thu Hồng đem mở sổ ngân hàng.

Hơn nữa, việc phân bổ từng khoản tiền theo ví điện tử như thế này cũng giúp Thu Hồng hưởng lợi từ các ưu đãi riêng của thẻ khi thanh toán. Đó cũng là lý do Thu Hồng thường lựa chọn phân bổ mục đích thanh toán theo đặc điểm ưu đãi riêng của từng dòng ví điện tử.

Sau khi áp dụng cách này đồng thời cắt giảm các ham muốn thừa thãi, Thu Hồng khá ngạc nhiên vì ngân sách dành cho các nhu cầu mua sắm, giải trí, du lịch và sinh hoạt hàng tháng còn thừa. Trước đó, đây vốn dĩ là những khoản khiến Thu Hồng dễ bị mất kiểm soát trong chi tiêu nhất. Số tiền thừa ra, dù ít dù nhiều, Thu Hồng cũng chuyển về ví tiết kiệm. Tích tiểu thành đại, sau vài tháng, Thu Hồng cảm thấy thoải mái và bớt áp lực hơn rất nhiều.

Nhìn chung, với Thu Hồng, theo đuổi hành trình tích luỹ, hướng đến làm chủ tài chính là 1 điều nên làm trong năm 2023 với nhiều sự bấp bênh về kinh tế này.

Theo báo cáo từ Công ty dịch vụ tài chính Permata Bank vào năm 2021, nhân sự trẻ tuổi, đặc biệt là Millennials được cho là thế hệ rất khó khăn trong việc để dành tiền.

Điều này cũng được khẳng định bởi nghiên cứu của Luno và Dahlia Research trên 7.000 người trẻ. Kết quả cho thấy 69% không thể tiết kiệm thường xuyên.

Permata Bank liệt kê 6 nguyên nhân của vấn đề này bao gồm: Họ thường đổ tiền cho những sản phẩm mới nhất và tốt nhất; Mua sắm bốc đồng; Lương thấp; Nợ nhiều; Không biết cách quản lý tài chính cá nhân; và Mang tâm lý "ta chỉ sống một lần trên đời".

Chia sẻ