Tối ngồi xem phim "Sex Education", tôi quyết định làm một việc mà 10 năm nay không dám nghĩ đến
Tôi ngồi phịch xuống sàn, dựa lưng vào tường, điện thoại vẫn sáng màn hình...
Tôi xem bộ phim "Sex Education" trong một buổi tối thứ Bảy buồn thiu, chẳng có lịch làm nhạc, cũng không ai gọi tôi ra phòng tập. Căn hộ thuê theo tháng vẫn ngổn ngang những dây loa và nệm sàn cũ kỹ. Khi Otis - nhân vật chính trong phim - cãi nhau với mẹ vì bà cứ can thiệp quá sâu vào đời sống riêng tư của cậu, tôi đã bật cười, cười vì thấy mình trong đó. Nhưng rồi đến đoạn Otis khóc vì hiểu rằng mẹ làm vậy là do sợ mất con, tôi lại im lặng, im lặng đến mức nghe rõ tiếng quạt trần xoay vòng.
Tôi năm nay 30. Và gần 10 năm nay, tôi chưa từng quay về nhà.
Bố tôi là giáo viên toán, mẹ tôi là giáo viên văn. Từ nhỏ, tôi đã sống trong một ngôi nhà mà bữa cơm trưa cũng là một buổi học phụ đạo. Tôi từng bị mẹ phạt đứng góc tường chỉ vì điểm kiểm tra văn dưới 8, còn bố thì đập tan cái đàn organ nhựa tôi dành dụm mãi mới mua được, chỉ vì "thứ vớ vẩn ấy không nuôi được bản thân".
Nhưng tôi thích âm nhạc và nhảy. Lần đầu tiên tôi xem video của nhóm Big Bang nhảy trên sân khấu là lúc tôi 15 tuổi. Từ đó, mỗi tối, khi bố mẹ tắt đèn đi ngủ, tôi lén dậy, bật nhỏ nhạc và tập theo những bước nhảy ấy. Tôi thấy mình thật sự vui vẻ và hạnh phúc.
Năm 18 tuổi, sau một trận cãi nhau kịch liệt, tôi bỏ nhà ra đi. Tôi sống bằng cách dạy nhảy ở các trung tâm nhỏ cho trẻ em, rồi sau này tự mở một kênh YouTube về nhạc và vũ đạo. Cũng không đến nỗi nghèo, nhưng tôi biết, trong mắt bố mẹ, tôi là đứa "hư hỏng, không nên người".
Mỗi lần bạn bè hỏi về gia đình, tôi thường gượng gạo nói bố mẹ ở dưới quê, đều già rồi, nói như vậy thôi để người ta đỡ phải hỏi nhiều, và cũng đỡ khiến tôi phải nhớ lại tuổi thơ không mấy vui vẻ.
Nhưng tối nay, khi nhìn Otis nghẹn ngào nói lời xin lỗi với mẹ, còn bà ôm cậu vào lòng mà nước mắt lưng tròng, tôi mới thấy tim mình đau nhói. Tôi chợt nghĩ nếu tôi quay về, liệu bố có tha thứ cho tôi không? Liệu mẹ có ôm tôi, hay sẽ chỉ lạnh lùng nói: "Về làm gì nữa?".
Tôi từng oán trách họ quá nhiều. Cho đến giờ, khi đã lớn, đi qua biết bao thất bại, tôi mới hiểu có thể họ không biết cách yêu tôi đúng cách, nhưng họ yêu thương tôi và muốn tôi trưởng thành thật tốt, đó là sự thật.
Bố mẹ tôi từng lớn lên trong một thế hệ đói nghèo, nơi học hành là con đường duy nhất để sống sót. Họ nghĩ nếu tôi học giỏi, tôi sẽ không khổ như họ đã từng. Chỉ là họ không hiểu rằng mỗi người có một ước mơ khác nhau. Và tôi cũng đã mất quá nhiều năm để hiểu điều đơn giản đó.

Tôi đã cầm điện thoại lên, đặt xuống, rồi lại cầm lên không biết bao nhiêu lần trong đêm đó. Trong đầu cứ lặp đi lặp lại câu thoại của Otis: "Con không biết phải nói gì… con chỉ biết con xin lỗi".
Tôi mở danh bạ, lướt đến dòng tên "Bố", mà tôi chưa từng bấm vào suốt gần một thập kỷ. Bàn tay tôi run lên khi nhấn nút gọi, tim đập mạnh như thể tôi đang chuẩn bị bước lên sân khấu lớn nhất đời mình. Một hồi chuông… rồi hai… tôi thầm mong người bắt máy sẽ là mẹ. Mẹ dễ nói chuyện hơn nhưng rồi một giọng trầm khàn quen thuộc cất lên: "Alo?"
Là bố.
"Ai đấy?" - Bố hỏi lại, giọng không còn mạnh mẽ như xưa mà đã đượm phần mỏi mệt.
Tôi hé môi, nhưng cổ họng nghẹn cứng. Tôi không thể thốt ra lời nào, hàng trăm câu đã soạn trong đầu giờ bay biến sạch. Tôi chỉ nghe thấy tiếng tim mình đập và đâu đó là tiếng côn trùng văng vẳng từ đầu dây bên kia, thứ âm thanh chỉ có ở quê, từng theo tôi đi vào giấc ngủ.
"Alo? Ai gọi đấy? Gọi mà không nói gì là thế nào?", tiếng bố có vẻ mất kiên nhẫn.
Tôi vội cúp máy, cảm giác xấu hổ, tiếc nuối và hụt hẫng xộc lên đến nghẹn họng.
Tôi ngồi phịch xuống sàn, dựa lưng vào tường. Điện thoại vẫn sáng màn hình, hiện dòng chữ "Cuộc gọi kết thúc – 00:18s". 18 giây, 18 giây ngắn ngủi sau 10 năm không dám về nhà.
Lúc ấy, tôi ước chi mình mới chỉ 18 tuổi, có thể vô tư giận dỗi mà không phải đối mặt với nỗi sợ: sợ bố mẹ già rồi, sợ họ không còn đủ thời gian để đợi tôi quay về, sợ rằng mình đã bỏ lỡ quá lâu, đến mức không còn cơ hội làm lại.
Đêm ấy, tôi thức trắng và sáng hôm sau, tôi đặt vé xe về quê.
Tôi không biết bố mẹ sẽ đón tôi như thế nào nhưng có lẽ không sao, chỉ cần tôi dám về đối mặt thì hy vọng vẫn còn, phải không?