Tôi gây chuyện từ cái Tết đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng chẳng nói chẳng rằng mà có ngay hành động này

Miss Tơ,
Chia sẻ

Lại một năm nữa sắp qua đi và cứ mỗi dịp thế này là tôi lại không khỏi nhớ về cái Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố, đã lấy chồng được hơn 3 năm nay. Chồng tôi là dân tỉnh lẻ, anh lên thành phố học đại học và ở lại lập nghiệp. Chúng tôi quen nhau qua bạn chung của hai đứa. Sau hơn 1 năm hẹn hò thì tôi và anh quyết định về chung một nhà, đến nay đã có với nhau một cô công chúa nhỏ.

Nói thì có vẻ đơn giản như thế nhưng từ lúc yêu rồi cưới và đến tận bây giờ, chúng tôi đã trải qua không ít sóng gió. Có thể kể sơ sơ như một vài lần cãi vã gay gắt đến mức tôi đã nghĩ đến chuyện chia tay hay một vài "nhân tố" thứ 3 định chen ngang chuyện tình cảm của chúng tôi. Và đặc biệt là sự phản đối không nhỏ đến từ gia đình cả 2 đứa khiến chúng tôi cảm thấy mệt mỏi. 

Ngày đó bố mẹ tôi sợ con gái lấy chồng xa lại lấy ở quê sẽ vất vả còn bố mẹ chồng tôi lại sợ con dâu thành phố đỏng đảnh, không được như kỳ vọng "vợ hiền, dâu thảo" của ông bà. Nhìn chung, bên nào cũng có cái lý của mình để phản đối chúng tôi đến với nhau. Thế nhưng cuối cùng, bằng tình yêu mãnh liệt của tuổi trẻ cả hai vợ chồng tôi đã thuyết phục được bố mẹ đồng ý.

Tôi gây chuyện từ cái Tết đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng chẳng nói chẳng rằng mà có ngay hành động này  - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Quả thực, đúng như những gì bố mẹ 2 bên lo lắng, vợ chồng tôi đã gặp không ít vất vả trong năm đầu tiên kết hôn. Tôi bị say xe, riêng đi lại đã vô cùng khó khăn. Chồng tôi lại là con trưởng nên giỗ chạp gì cũng phải có mặt. Nhưng đi nhiều thành quen, bằng cách nào đó mà tôi đã vượt qua được chuyện này. Tuy nhiên đáng kể nhất phải kể đến cái Tết đầu tiên của tôi ở nhà chồng.

Tôi là con gái một nên từ bé tới lớn, tôi chỉ tập trung vào việc học. Đương nhiên tôi có được mẹ dạy nấu ăn nhưng cũng chỉ biết làm những món đơn giản. Hơn nữa, mọi thứ đều mua sẵn ở ngoài chợ nên về nhà, tôi chỉ cần thêm chút gia vị rồi xào nấu là có một bữa cơm ngon. Khi còn hẹn hò, mỗi lần về quê, tôi vẫn còn là khách nên thường được nhờ rửa bát hoặc phụ giúp xào nấu đơn giản mà thôi. 

Nhưng Tết năm đầu tiên làm dâu, tôi đã thành con cái trong nhà nên đương nhiên phải đảm đương những chuyện quan trọng hơn. Năm đó tôi phải về quê chồng từ ngày 28 để chuẩn bị cỗ bàn. Nhà chồng tôi ở quê nên đến giờ vẫn giữ thói quên thịt gà, gói bánh chưng ngày Tết. Năm đó có con dâu mới nên mẹ chồng lại càng muốn tôi trổ chút "tài nghệ" trước mặt các cô bác trong nhà cho bà "mát mặt".

Ngày cúng tất niên, mẹ chồng tôi đã nhờ con dâu làm thịt gà. Chuyện này với tôi chẳng khác nào đi đày bởi con gà sống cô cũng chỉ mới đứng từ xa nhìn chứ đừng nói đến cắt tiết, vặt lông. Đang hoang mang thì may thay chồng tôi biết vợ trước nay chỉ quen mua sẵn ngoài chợ, không biết làm gà nên anh vào phụ. Anh bảo: "Em giữ chân đi để anh cắt tiết cho". 

Tôi gây chuyện từ cái Tết đầu tiên về làm dâu, mẹ chồng chẳng nói chẳng rằng mà có ngay hành động này  - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Khỏi phải nói, tôi mừng như chết đuối vớ được cọc. Yên tâm đã có chồng giúp nên tôi nhắm mắt nhắm mũi giữ cho chồng. Ai dè, đang giữ thì con gà giãy mạnh quá, tôi buông tay ra theo phản xạ làm con gà đạp mạnh khiến chồng cũng giật mình thả tay ra nốt. Kết quả là gà chưa kịp cắt tiết, vẫn còn sống nhăn, chạy quanh sân khiến hai vợ chồng hụt hơi đuổi theo bắt. Cảnh tượng nhà chồng tôi lúc đó có thể nói là vô cùng sinh động. Cuối cùng bố chồng tôi phải ra giúp sức mới có thể "thu phục" con gà. 

Đến bây giờ kể lại tôi vẫn vô cùng ngại ngùng vì chuyện này. Bởi có lẽ đây chính là lý do khiến mẹ chồng tôi từng phản đối đám cưới của con. Đang lo sợ bà sẽ khó chịu và càng không ưa tôi thì mẹ chồng tôi lại bình thản bảo: "Ông làm con gà hộ 2 đứa đi. Cái Thu hôm sau mẹ làm thịt gà thì vào cùng để mẹ chỉ cho nhé!"

Và bây giờ, sau 3 năm được mẹ chồng "huấn luyện", tôi đã có thể làm thịt gà một cách dễ dàng. Nhưng cứ mỗi dịp Tết nhất là câu chuyện năm nào của tôi lại được cả nhà nhắc lại như một "truyền thuyết". 

Chia sẻ