Lại thêm 1 chia sẻ từ phụ huynh gây tranh cãi: Niềm vui chính đáng hay vô tình "xát muối" vào lòng người khác?

Minh Châu,
Chia sẻ

Bạn nghĩ sao về câu chuyện dưới đây?

Kỳ thi vào lớp 10 đã khép lại nhưng dư âm vẫn chưa dứt trong nhiều gia đình, đặc biệt là ở các nhóm phụ huynh trên mạng xã hội. Một chia sẻ gần đây trong một group đông thành viên đã thu hút hàng trăm lượt bình luận.

Cụ thể một phụ huynh cho hay: "Trong lớp có bạn đỗ nhiều trường chuyên, có bạn học tốt nhưng thiếu chút may mắn chưa có bến đỗ nào. Phụ huynh những bạn đỗ vui vẻ lên nhóm Zalo lớp buôn bán tưng bừng về trường chuyên mới đỗ, hóng tiếp Ams thì về lý cũng không có gì sai, nhưng nhìn thấy giống như ai đó ngồi nhem nhem hải sản cười đùa trước mặt những người thiếu lương thực vậy…".

Lại thêm 1 chia sẻ từ phụ huynh gây tranh cãi: Niềm vui chính đáng hay vô tình

Chia sẻ khiến phụ huynh tranh luận

Dòng tâm sự khiến không ít người đồng cảm. Trong bối cảnh hàng nghìn học sinh Hà Nội đang chờ xét điểm chuẩn các trường công lập, còn nhiều gia đình vẫn trong tâm trạng hồi hộp, lo lắng thì những lời ăn mừng, chúc tụng dồn dập từ một nhóm phụ huynh có con đỗ trường top đã vô tình khiến không khí trong nhóm trở nên nhạy cảm.

Nhiều người mô tả nhóm Zalo lớp như "một sàn diễn", nơi phụ huynh nào có con đỗ trường danh tiếng thì hồ hởi khoe điểm, ảnh giấy báo trúng tuyển, thậm chí còn rủ nhau chụp ảnh check-in cổng trường mới. Trong khi đó, những phụ huynh khác chỉ biết lặng im, hoặc lặng lẽ rời nhóm.

Những ý kiến trái chiều

Câu chuyện ngay lập tức dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt. Một bộ phận phụ huynh bày tỏ sự đồng cảm với người viết chia sẻ trên. Họ cho rằng, thời điểm này, nên có sự tinh tế trong cách bày tỏ niềm vui. "Ai rồi cũng có niềm vui riêng, nhưng nên biết đâu là lúc, đâu là nơi. Khoe quá đà ngay trong nhóm chung của lớp cũ, trong khi nhiều người vẫn đang buồn, là thiếu nhạy cảm", một phụ huynh nhận xét.

Tuy nhiên, không ít người lại có quan điểm ngược lại. Một phụ huynh khác thẳng thắn: "Mình lại nghĩ khác. Học cách chấp nhận thôi, không thể bắt ai cũng nghĩ như mình được. Nếu con chưa đỗ, mình động viên con cố gắng lần sau. Thất bại không phải là do người khác khoe, mà là khi mình bỏ cuộc".

Nhiều ý kiến cũng nhấn mạnh rằng, mạng xã hội hay nhóm chat là nơi giao lưu tự do, ai có niềm vui thì có quyền chia sẻ. "Nếu bản thân đang tâm lý yếu, có thể lựa chọn không đọc. Không thể cấm người khác được vui chỉ vì mình buồn", một phụ huynh bày tỏ.

Ở một góc nhìn khác, một số người cho rằng, thay vì bận tâm đến những lời chúc mừng hay hình ảnh con người khác, mỗi gia đình nên tập trung vào cảm xúc và trạng thái tâm lý của chính con mình, hướng con nhìn về những cơ hội phía trước.

Niềm vui là chính đáng, nhưng mỗi người cần học cách điều chỉnh cảm xúc của mình

Nhìn rộng ra, bản chất của câu chuyện này không phải là đúng – sai giữa hai nhóm phụ huynh. Bởi thực tế, việc phụ huynh chia sẻ niềm vui khi con đỗ trường chuyên, trường top hoàn toàn là điều chính đáng. Ai làm cha mẹ cũng có quyền tự hào, có quyền bày tỏ những khoảnh khắc hạnh phúc sau bao tháng ngày đồng hành cùng con học tập, ôn luyện.

Việc khoe con đỗ trường nào, đạt điểm bao nhiêu, đăng ảnh giấy báo trúng tuyển… về bản chất không phải hành động xấu. Vấn đề chỉ nằm ở "cách thức" và "bối cảnh" chia sẻ. Khi chọn chia sẻ trong những group chung – nơi có cả những phụ huynh vẫn đang lo lắng cho con chưa có kết quả – thì sự tinh tế, tiết chế một chút, có thể khiến niềm vui ấy trở nên trọn vẹn hơn.

Nhưng ở một góc nhìn khác, bản thân những phụ huynh đang buồn, cũng cần học cách quản lý cảm xúc và tự điều chỉnh kỳ vọng. Không thể đòi hỏi xã hội phải "đồng cảm tuyệt đối", càng không thể bắt người khác ngừng niềm vui chỉ vì mình đang thất vọng. Thay vì để bản thân rơi vào vòng xoáy so sánh, ghen tỵ, buồn bã, hãy chọn cách tạm rời xa những luồng thông tin có thể khiến mình tổn thương.

Bài học sâu xa hơn là làm cha mẹ, ai cũng sẽ còn nhiều lần chứng kiến con mình đối diện với những thành công – thất bại trong đời. Việc giúp con chấp nhận thất bại, vượt qua nỗi buồn, dạy con nhìn nhận thành công của người khác một cách bao dung và cầu thị… đôi khi lại quan trọng hơn bất kỳ tấm giấy báo đỗ nào.

Cuộc đời không chỉ có một kỳ thi lớp 10, cũng không chỉ có những "Ams", "Chu Văn An" hay "Kim Liên". Điều cốt lõi nhất là con có một nội lực vững vàng, biết nỗ lực tiến lên, và không đánh mất niềm tin vào chính mình, dù kết quả hôm nay có ra sao.

Kỳ thi nào rồi cũng sẽ qua, nhưng bài học về lòng kiên cường, sự bao dung và khả năng kiểm soát cảm xúc thì sẽ còn theo con suốt cả cuộc đời.

Góc Nhìn Tuyến bài chia sẻ quan điểm của chuyên gia, phụ huynh về các vấn đề giáo dục nóng hổi. KHÁM PHÁ
Chia sẻ