Tội ác tày trời của "nữ y tá tử thần" chỉ trong 59 ngày đã tìm cách đoạt mạng 13 sinh mạng trẻ em
Vụ án về nữ y tá tử thần này đã khiến cả nước Anh phải rùng mình kinh hãi và ám ảnh không ngừng dù đã nhiều năm trôi qua.
Beverley Allitt được mệnh danh là "y tá tử thần" vì đã liên tục sát hại hơn chục đứa trẻ mà mình chăm sóc trong bệnh viện. Hội chứng Proxy Munchausen, hội chứng rối loạn nhân cách nghiêm trọng, được coi là nguyên nhân chính khiến cô có những hành động mất nhân tính đến vậy. Vụ án về nữ sát thủ hàng loạt này đã khiến cả nước Anh phải rùng mình kinh hãi và ám ảnh không ngừng dù đã nhiều năm trôi qua.
Theo Biography, vụ giết người của Allitt diễn ra trong 59 ngày, kéo dài từ cuối mùa đông đến mùa xuân năm 1991. Phương pháp giết người của Allitt khiến nhiều người phải kinh hãi và không thể tin được, vì cô ta thích tiêm một lượng lớn insulin vào người nạn nhân khiến nạn nhân sốc và qua đời.
Vào tháng 5/1993, Allitt đã bị Tòa án Nottingham Crown kết án. Ả nhận 13 bản án tù chung thân, có nghĩa là phải dành toàn bộ quãng thời gian còn lại của mình trong song sắt. Allitt là một trong những kẻ giết người hàng loạt khét tiếng nhất nước Anh và được biết đến với cái tên là "Thiên thần chết chóc".
Từ đứa trẻ lập dị đến kẻ giết trẻ em và hội chứng Munchausen
Beverley Gail Allitt sinh ngày 4/10/1968 tại Grantham, Lincolnshire, Anh. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã có những hành vi khác thường so với những đứa trẻ cùng lứa. Allitt thường xuyên muốn gây sự chú ý của mọi người xung quanh bằng những cách kì quặc nhất có thể. Cô thường xuyên quấn băng quanh người dù không hề bị thương, thích tự làm đau chính mình và muốn được vào bệnh viện. Lớn lên, Allitt trở nên to béo, hung hăng và thường xuyên gây sự với mọi người.
Allitt còn từng tìm kiếm sự chú ý từ các vị bác sĩ ở nhiều bệnh viện khác nhau. Thậm chí có lần Allitt còn thuyết phục được bác sĩ rằng mình bị đau ruột thừa và tiến hành cắt bỏ ruột thừa, trong khi cô hoàn toàn khỏe mạnh và bình thường. Tiếp theo, quá trình chữa lành vết thương bị cản trở liên tục do Allitt liên tục chọc vào vết mổ khiến vết thương không thể lành lại. Lý thuyết được chấp nhận phổ biến nhất xung quanh sự khác lạ trong tính cách của Allitt là hội chứng Munchausen, một hội chứng rối loạn nhân cách nghiêm trọng.
Và khi không nhận được sự chú ý từ người khác, cho dù cô đã tự làm hại bản thân mình, cô chuyển hướng về phía người khác. Thật không may, điều này xảy ra đúng khoảng thời gian Allitt quyết định trở thành y tá.
Beverley Allitt trở thành y tá
Trong quá trình được đào tạo trở thành y tá, hành vi bất thường của Allitt đã khiến nhiều người e ngại. Cô bôi phân lên tường nhà dưỡng lão, đốt cháy rèm phòng tắm và nghỉ học liên tục.
Trong khoảng thời gian này, Allitt cũng có bạn trai. Nhưng bạn trai của cô dần phát hiện ra sự khác thường của bạn gái mình. Mối quan hệ của cả hai kết thúc khi Allitt buộc tội bạn trai hiếp dâm mình và khiến mình mang thai, dù sau đó thông tin này đã bị coi là giả mạo.
Tuy thi trượt nhiều lần và không thể có được bằng y tá chính thức, Allitt vẫn được nhận vào làm tại Bệnh viện Grantham và Kesteven ở Lincolnshire năm 1991 do cơ sở này đang thiếu người trầm trọng. Allitt được chỉ định làm việc tại Phòng trẻ em số 4. Làm việc cùng Allitt còn có 2 y tá khác, một người làm ca đêm và một người làm ca ngày. Chính vì vậy những tội ác liên hoàn của Allitt đã không bị phát hiện trong một thời gian dài.
Beverley Allitt bắt đầu tội ác
Nạn nhân đầu tiên của Allitt là Liam Taylor vào ngày 21/2/1991. Cậu bé 7 tuổi được đưa vào bệnh viện trong tình trạng sung huyết phổi. Khi nhập viện, Allitt trấn an cha mẹ cậu bé rằng cậu bé sẽ chóng khỏi và khuyên họ về nhà nghỉ ngơi. Tối hôm đó, bệnh tình của Liam bỗng trở nên nghiêm trọng, khuôn mặt tái nhợt, suy tim và ngừng thở. May mắn rằng Liam đã sống sót nhờ thiết bị hỗ trợ sự sống nhưng lại bị tổn thương não nghiêm trọng. Cha mẹ Liam cuối cùng quyết định rút ống thở để cậu bé không còn phải chịu đau đớn nữa. Lúc này, tội ác của Allitt vẫn chưa được ai khám phá ra.
Beverley Allitt, làm việc tại Bệnh viện Grantham và Kesteven.
2 tuần sau, Timothy Hardwick, 11 tuổi được chuyển đến phòng số 4 do Allitt phụ trách vì bị bại não và mắc chứng động kinh. Allitt ngay lập tức hào hứng nhận chăm sóc cậu bé. Một lần nữa, bệnh nhân của Allitt lại gặp vấn đề về hô hấp. Khi chuyển vào phòng cấp cứu, mạch của cậu bé đã không còn đập nữa.
Nạn nhân thứ 3 của Allitt là Kayley Desmond, 1 tuổi. Cô gái nhỏ được chuyển đến phòng số 4 do bị sung huyết phổi. Mặc dù Kayley đang dần hồi phục nhưng chỉ 5 năm ngày sau khi nhận được sự chăm sóc của Allitt, cô bé đã bị ngừng tim và phải cấp cứu gấp.
May mắn rằn Kayley đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần và được chuyển đến một bệnh viện khác gần đó. Tại đây, các bác sĩ phát hiện ra những dấu hiệu đầu tiên về cách thức mà Allitt gây hại cho những đứa trẻ, đó là một vết châm nhỏ ở dưới nách của Kayley. Tuy nhiên, sau đó vết châm này được cho là một mũi tiêm phòng nên tội ác của Allitt lại tiếp tục được che giấu.
Paul Crampton, 5 tuổi bị nhiễm trùng phế quản đã trở thành nạn nhân thứ 4 của Allitt. Cậu bé bị sốc insulin vào ngày 20/3/1991 và bị lên cơn đau tim trong khi được Allitt chăm sóc. May mắn rằng cậu bé đã được cứu chữa kịp thời và thoát chết trong gang tấc.
Sau 4 sự cố không thể giải thích được đối với những bệnh nhân đang dần hồi phục đã khiến mọi nghi ngờ đổ dồn về phía Allitt. Khám nghiệm tử thi về các nạn nhân cho biết nguyên nhân tử vong là tự nhiên, tuy nhiên tiến sĩ Nelson Porter đã lo ngại về tỷ lệ tử vong cao một cách kì lạ trong 2 tháng qua, nên ông đã đưa ra một cuộc điều tra chính thức.
18 ngày sau, một xét nghiệm đã phát hiện ra nồng độ kali bất thường trong máu của Claire, nạn nhân thứ 5 của Allitt. Cảnh sát sau đó đã bắt tay vào cuộc điều tra và tìm thấy một loạt những bằng chứng về một tội ác có chủ đích.
Beverley Allitt, cuối cùng cũng bị bắt giữ vào năm 1993.
Cảnh sát nhanh chóng nhận ra Allitt là nghi phạm chính trong một loạt những cái chết bất thường của trẻ em thời gian qua. Tháng 7/1991, cảnh sát đã thu thập đầy đủ bằng chứng về hành vi giết người của Allitt. Đồng thời, cảnh sát cũng điều tra quá khứ của Allitt và phát hiện ra cô bị mắc chứng rối loạn nhân cách nghiêm trọng trong nhiều năm.
Allitt xuất hiện khá thoải mái trong các cuộc thẩm vấn. Cô ta phủ nhận tất cả mọi chuyện và tuyên bố rằng mình chỉ đang cố gắng giúp đỡ những đứa trẻ. Tuy nhiên, với những chứng cớ không thể chối bỏ, vào ngày 23/5/1993 Allitt đã bị kết án 13 năm tù với 4 tội giết người, 3 tội cố ý giết người, 6 tội gây tổn thương nghiêm trọng đến người khác
Tất cả các bằng chứng đều ghi nhận về nồng độ cao của insulin, kali và các vết đâm khác mà Allitt thực hiện đã được đưa ra trình bày trước tòa. Cô cũng bị buộc tội đã bôi bẩn và làm hỏng nhiều thiết bị y tế để ngăn chặn oxy chảy qua ống thở vào người nạn nhân.
(Tổng hợp)