Tình duyên lận đận của "vua" truyện chưởng Kim Dung

Theo Hôn Nhân & Pháp Luật,
Chia sẻ

Người vợ đầu tiên của Kim Dung xuất thân cành vàng lá ngọc, là mối tình đầu của ông. Để đến được với nhau, Kim Dung đã phải nỗ lực rất nhiều. Đáng tiếc, kết hôn không bao lâu, người đẹp lặng lẽ bỏ ông mà đi vì không chịu được cuộc sống cô đơn, nghèo khó.

Kim Dung là cái tên không xa lạ gì với nhiều thế hệ, đặc biệt là những người mê tiểu thuyết và những bộ phim kiếm hiệp Hồng Kông. Ngoài tiểu thuyết, Kim Dung còn là người sáng lập nên tờ Minh Báo nổi tiếng của Hồng Kông và là Tổng biên tập đầu tiên của tờ báo này.

Tuy nhiên, vốn là người ít khi nói về những chuyện riêng tư, cuộc sống hôn nhân của tác gia kiếm hiệp cho tới nay vẫn còn là một bí mật mà ít người biết tới…

Mối tình đầu lỡ dở

Cuộc đời Kim Dung trải qua 3 cuộc hôn nhân nhưng cả 3 cuộc hôn nhân đều không khiến vị tác giả của những bộ tiểu thuyết kiếm hiệp kinh điển cảm thấy thỏa mãn. Kim Dung từng nói rằng: “Cuộc sống tình ái của tôi không thực sự viên mãn, cũng chẳng thể nói là đẹp. Nói chung là không viên mãn, cũng chẳng lấy gì làm lý tưởng”.

Cái lý tưởng mà Kim Dung nói ở đây chính là nhất kiến chung tình, vừa gặp đã yêu, là bách niên giai lão và ông nói rằng, mình đã không làm được. Trong cuộc sống hôn nhân, Kim Dung nói rằng, ông có lỗi với người khác và người khác cũng có lỗi với ông. Nói chung, với ông, hôn nhân là thứ không hề hoàn mỹ.

Người vợ đầu tiên của Kim Dung xuất thân cành vàng lá ngọc, là mối tình đầu của ông. Để đến được với nhau, Kim Dung đã phải nỗ lực rất nhiều. Đáng tiếc, kết hôn không bao lâu, người đẹp lặng lẽ bỏ ông mà đi vì không chịu được cuộc sống cô đơn, nghèo khó. Đây chính là điều mà Kim Dung cho rằng “người khác đã có lỗi với ông”.

Cuộc hôn nhân đầu tiên của Kim Dung là sản phẩm của tình yêu sét đánh. Chuyện xảy ra vào khoảng mùa hè năm 1947, Kim Dung khi đó 23 tuổi, là một biên tập viên trẻ tuổi được giao đảm nhiệm chuyên mục “Giải đáp thắc mắc của tiến sĩ Meo Meo” trên tờ Đông Nam nhật báo ở Hàng Châu.

Đây là chuyên mục giải đáp tất cả các thắc mắc về các tri thức khoa học thường thức của các độc giả, chính vì vậy, rất được độc giả thời bấy giờ yêu thích. Trong số các độc giả đặc biệt yêu thích chuyên mục này có một người tên là Đỗ Dã Thu. Người này thường xuyên gửi các câu hỏi rất hay nên khiến Kim Dung chú ý.

Vì thế, mỗi khi nhận được câu hỏi của độc giả này, Kim Dung thường ưu tiên trả lời trước. Nhờ vậy, hai người bắt đầu liên hệ qua lại nhiều hơn. Một thời gian sau, Kim Dung thấy đây là một cậu bé thú vị, do vậy muốn được làm quen, kết bạn. Sau khi hẹn thời gian, Kim Dung tới thăm nhà Đỗ Dã Thu.

Tại nhà họ Đỗ, ngoài độc giả nhỏ tuổi Đỗ Dã Thu, Kim Dung còn gặp cha mẹ của cậu bé và cả cô chị tên là Đỗ Dã Phần, năm đó mới 17 tuổi. Ngay từ lần đầu gặp mặt, Kim Dung đã có ấn tượng rất tốt với Dã Phần, cảm giác như đây chính là cô gái mà mình tìm kiếm lâu nay. Vì vậy, ngày hôm sau, Kim Dung gửi tới nhà họ Đỗ bốn tấm vé mời nhà họ Đỗ đi xem kịch.

Ấn tượng của nhà họ Đỗ với anh chàng biên tập Kim Dung cũng không tệ, do vậy đối xử với ông rất khách khí. Từ đó, Kim Dung bắt đầu thường xuyên qua lại nhà họ Đỗ. Không lâu sau đó, nhà họ Đỗ phát hiện ra rằng, Kim Dung có ý với cô chị Đỗ Dã Phần.

Nhà họ Đỗ là gia đình giàu có có tiếng, do vậy, cảm thấy mối quan hệ này không mấy môn đăng hộ đối, tuy nhiên, may mắn là ấn tượng nhà họ Đỗ với Kim Dung khá tốt nên cũng không ngăn cản tình cảm giữa hai người.

Tình duyên lận đận của
Kim Dung và người vợ đầu tiên.

Tháng 10 năm 1947, Kim Dung thi vào tờ “Đại Công Báo” tại Thượng Hải làm biên tập viên. Kể từ đó, Kim Dung rời khỏi Hàng Châu và bắt đầu ít qua lại nhà họ Đỗ. Trong thời gian này, Kim Dung và Đỗ Dã Phần vẫn thường xuyên thư tín qua lại. Tình cảm giữa hai người vẫn tiến triển khá tốt. Tới tháng 3 năm 1948, Kim Dung được chuyển tới làm biên tập viên tiếng Anh của tờ “Đại Công Báo” tại Hong Kong.

Lúc đó, chuyện tình giữa Dã Phần và Kim Dung mới bước vào giai đoạn nồng cháy nhất, do vậy, Kim Dung hoàn toàn không muốn rời Thượng Hải. Đỗ Dã Phần cũng không muốn Kim Dung đi Hong Kong. Trước khi Kim Dung lên đường, Đỗ Dã Phần đã tới Thượng Hải để đưa tiễn, nói: “Mỗi ngày chúng ta sẽ cầu nguyện một lần, để mong anh sớm quay trở về”.

Lúc bấy giờ, ông chủ của tờ Đại Công Báo hứa rằng, Kim Dung chỉ đi Hong Kong khoảng nửa năm là có thể trở về. Tuy nhiên, nửa năm sau, vẫn chưa có ai tới thay cho Kim Dung. Lúc bấy giờ, tình cảm giữa Kim Dung và Dã Phần vẫn tiếp tục phát triển, hai người đã bắt đầu tính tới chuyện lập gia đình.

Vì thế, Kim Dung từ Hong Kong bay về Hàng Châu, chính thức cầu hôn Dã Phần. Sau khi nhà họ Đỗ đồng ý, vào mùa thu năm đó, hôn lễ của hai người được tổ chức một cách long trọng tại Thượng Hải. Chuyện tình yêu sét đánh kết thúc trong viên mãn.

Không lâu sau đó, Dã Phần theo Kim Dung tới Hong Kong. Do sống ở Hàng Châu đã lâu, Đỗ Dã Phần không biết tiếng Quảng Đông mà lúc bấy giờ, người Hong Kong cũng không nói tiếng phổ thông. Chính vì vậy, Dã Phần gần như không thể giao tiếp với bên ngoài, cuộc sống gặp nhiều điều bất tiện.

Trong khi đó, Kim Dung một mình làm công tác biên dịch tin tức tiếng Anh khá bận rộn, thường xuyên về muộn. Nhiều hôm, Kim Dung làm việc xuyên đêm tới sáng mới về. Ở nhà một mình lại không có con nên Dã Phần cảm thấy rất cô đơn.

Thêm vào đó, vốn xuất thân “cành vàng lá ngọc”, từ nhỏ đã quen với cuộc sống cơm bưng nước rót, nay lại phải sống nơi đất khách quê người, thu không đủ chi, Đỗ Dã Phần bắt đầu cảm thấy không thể tiếp tục cuộc sống ở Hong Kong được nữa. Sau nhiều lần căng thẳng, Đỗ Dã Phần quyết định một mình về Hàng Châu, hai vợ chồng trẻ chưa cưới nhau được bao lâu đã sống ly thân. Tới năm 1953, sau gần 5 năm kết hôn, Kim Dung và Đỗ Dã Phần quyết định ly hôn.

Nguyên nhân khiến hai người ly hôn cho tới nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Có người nói rằng, Đỗ Dã Phần cảm thấy chán ghét cuộc sống nghèo khổ ở Hồng Kông nên muốn về quê, hai vợ chồng không thể thống nhất được chuyện này nên mới ly hôn.

Lại có người nói, do Đỗ Dã Phần không thể có con nên Kim Dung mới quyết định ly hôn. Cả hai giả thuyết này đều có sự hợp lý nhất định. Chỉ có điều, cho tới nay, dù nhiều người đã gặng hỏi, song Kim Dung vẫn nhất định không chịu tiết lộ nguyên nhân thực sự.

Lại một cuộc hôn nhân thất bại

Mọi chuyện trong cuộc đời con người đôi khi là sự sắp đặt đầy mỉa mai của tạo hóa. Nếu như người vợ đầu tiên bỏ Kim Dung mà đi vì không thể cùng ông chung vai sát cánh vượt qua những ngày tháng khó khăn thì chính Kim Dung lại là người đã bỏ rơi người vợ thứ hai của mình.

Người ta nói rằng, chỉ vì một câu nói khách khí của cô nhân viên quán rượu đã khiến Kim Dung kết thúc cuộc hôn nhân với Chu Mai - người vợ thứ hai - người đã cùng ông bước qua nhiều hoạn nạn. Có lẽ, đây chính là điều mà Kim Dung nói rằng ông “từng có lỗi với người khác”.

Người vợ thứ hai của Kim Dung tên là Chu Mai, còn gọi là Chu Lộ Tây hay Rosy. Chu Mai sinh năm 1933 tại Hong Kong, tốt nghiệp Đại học Hồng Kông, là một nữ phóng viên tài hoa và đầy nhiệt tâm với nghề. Chu Mai và Kim Dung kết hôn vào tháng 5 năm 1956, 3 năm sau khi Kim Dung ly hôn với người vợ đầu tiên. Hai người là đồng nghiệp, lại cùng là những người có kinh nghiệm phong phú trong nghề báo.

Lúc bấy giờ, ngoài công việc biên tập, Kim Dung bắt đầu sáng tác tiểu thuyết võ hiệp và trở nên nổi tiếng. Thu nhập từ việc xuất bản sách của Kim Dung không tệ, bản thân Chu Mai là phóng viên lâu năm, tích lũy cũng khá. Chính vì vậy, hai người quyết định chung tay sáng lập nên tờ Minh Báo.

Đây là một tờ báo hoàn toàn do hai vợ chồng Kim Dung gây dựng. Kim Dung làm tổng biên tập, nắm việc kinh doanh tổng thể, còn Chu Mai phụ trách phần tin tức. Ban đầu, lượng tiêu thụ của Minh Báo không tốt, áp lực của vợ chồng Kim Dung rất lớn. Nhất là kể từ khi con trai của hai người chào đời, gánh nặng kinh tế càng lớn hơn.

Thời gian đó, hai người gần như làm việc thâu đêm suốt sáng nhưng hai vợ chồng rất gần gũi. Một cốc cà phê để khỏi buồn ngủ, hai vợ chồng cũng uống chung. Cứ như vậy, với sự nỗ lực phi thường, hai vợ chồng Kim Dung và Chu Mai đã duy trì được tờ Minh Báo.

Đặc biệt là khi tờ Minh Báo trở thành nơi đăng tải độc quyền các tác phẩm tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, lượng tiêu thụ của tờ Minh Báo đã tăng lên đáng kể. Cho tới năm 1966, tờ Minh Báo đã phát triển lên tới quy mô của tập đoàn, trở thành một trong những tờ báo lớn nhất ở Hồng Kông.

Lúc bấy giờ, Chu Mai đã lần lượt sinh cho Kim Dung 2 đứa con trai và 2 đứa con gái. Với sự phát triển của Minh Báo, đáng ra, Chu Mai có thể yên tâm ở nhà chăm sóc gia đình con cái. Tuy nhiên, Chu Mai lại là một người phụ nữ tham vọng và thích theo đuổi sự nghiệp hơn là gia đình.

Sau tờ Minh Báo, Chu Mai một mình sáng lập nên các tờ Hoa Nhân Dạ Báo và Minh Báo Vãn Báo, dồn toàn bộ tâm sức của mình vào sự nghiệp. Cũng vì thế, Chu Mai đã không tính được rằng, Kim Dung vì sự thiếu hụt trong tình cảm vợ chồng mà tìm đến người phụ nữ khác. Sau đó không bao lâu, Kim Dung và Chu Mai quyết định chia tay.

Lúc đó con trai cả của Kim Dung và Chu Mai là Tra Truyền Hiệp đang học tại Đại học Columbia ở Mỹ từng nhiều lần gọi điện, viết thư khuyên cha mình không nên ly hôn với mẹ. Tuy nhiên, tình cảm giữa Kim Dung và Chu Mai đã rạn nứt tới mức không thể hàn gắn được.

Lúc bấy giờ, để bảo vệ quyền lợi của các con mình, Chu Mai đã đưa ra hai điều kiện ly hôn với Kim Dung: một là, Kim Dung phải đưa ra một khoản tiền bồi thường cho mình. Hai là, người phụ nữ mà Kim Dung kết hôn sau này phải “làm kế hoạch” để đảm bảo Kim Dung không có thêm người con nào khác. Kim Dung đồng ý cả hai điều kiện này. Sau khi ly hôn, tất cả những người con mà Chu Mai sinh cho Kim Dung đều sống với bố.

Kể từ sau khi ly hôn với Kim Dung, Chu Mai sống độc thân. Cho tới mùa đông năm 1998, Chu Mai mắc bệnh qua đời, thọ 63 tuổi. Chu Mai là người đã cùng với Kim Dung bước qua giai đoạn nhiều sóng gió và khó khăn nhất trong cuộc đời. Đáng tiếc, vào thời điểm sự nghiệp của Kim Dung huy hoàng nhất, bà lại phải chịu cảnh cô đơn một mình. Có lẽ đây cũng là một lý do khiến Kim Dung mãi tới sau này vẫn cảm thấy rằng, mình là người có lỗi với Chu Mai.

Tình yêu tuổi xế chiều

Lâm Di Lạc là người vợ thứ ba của Kim Dung. Xét về tuổi tác, Lâm Di Lạc kém Kim Dung tới 29 tuổi, thuộc vào hai thế hệ hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, cặp uyên ương vong niên này dù kết hôn hơn 20 năm nay vẫn thân mật như những đôi tình nhân thuở ban đầu. Có lẽ, cuộc hôn nhân có chút lệch pha này lại giúp cuộc sống những năm cuối đời của tác giả kiếm hiệp Kim Dung có thêm chút màu sắc.

Tình duyên lận đận của
Kim Dung và người vợ ba

Kim Dung gặp Lâm Di Lạc trong một lần rất tình cờ. Những năm 1970, khi vợ của Kim Dung là Chu Mai sáng lập tờ “Hoa Nhân Dạ Báo”. Đây cũng là một tờ báo thuộc tập đoàn Minh Báo. Tuy nhiên, sau đó, Chu Mai và Tổng biên tập của tờ báo này là Vương Thế Du có bất đồng ý kiến. Mâu thuẫn không được giải quyết triệt để nên càng ngày càng thêm trầm trọng.

Vương Thế Du cho rằng mình bị chèn ép, nổi giận từ chức, mang theo toàn bộ đội ngũ phóng viên do Vương xây dựng. Điều này khiến Hoa Nhân Dạ Báo rơi vào tình trạng ngưng trệ. Chuyện của Vương Thế Du khiến một người phụ nữ tham vọng như Chu Mai cảm thấy mất mặt và bao nhiêu nỗi tức giận đối với Vương Thế Du, Chu Mai đều đem đổ lên đầu Kim Dung.

Bản thân Kim Dung thì cho rằng, trong sự việc của Vương, Chu Mai đã xử lý không tốt. Đến khi sự việc không như ý lại đổ lên đầu Kim Dung nên cảm thấy rất bực bội. Vì thế, hai người cãi nhau một trận lớn. Sau khi cãi nhau, Kim Dung cảm thấy rất buồn bực, quyết định tới một quán rượu ở gần cơ quan uống cà phê để giải khuây.

Tại đây, Kim Dung đã gặp cô nhân viên phục vụ 16 tuổi Lâm Di Lạc. Lúc bấy giờ, như rất nhiều cô gái trẻ thời bấy giờ, Lâm Di Lạc rất thích tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Vì vậy, khi thấy Kim Dung bước vào quán thì cô nhận ra ngay, phục vụ rất nhiệt tình, đon đả. Kim Dung thấy cô gái trẻ tuổi, xinh đẹp và đầy sức sống thì cũng có cảm tình.

Nhân lúc đó, quán vắng người nên hai người ngồi nói chuyện và cảm thấy rất vui vẻ. Khi thanh toán, Kim Dung đã boa cho Lâm Di Lạc 10 tệ tiền phục vụ. Lâm Di Lạc nhìn thấy đồng 10 tệ thì rất kinh ngạc vì trước nay chưa có vị khách nào lại hào phóng với nhân viên phục vụ ở quán tới như vậy. Bởi lẽ, vào thời bấy giờ, 10 tệ mà Kim Dung đưa cho Lâm Di Lạc bằng cả nửa tháng lương của cô.

Lâm Di Lạc băn khoăn một hồi, cảm thấy rằng số tiền quá lớn và cô không thể nhận được nên trả lại cho Kim Dung và nói: “Chú viết sách để kiếm tiền, cũng chẳng dễ dàng gì. Cháu thích sách của chú, có cơ hội quen biết chú là cháu đã vui lắm rồi. Cháu không thể nhận tiền của chú”.

Mấy câu nói khách khí của cô gái trẻ tuổi và xinh đẹp đã khiến một nhà văn đình đám thời bấy giờ cảm thấy lòng dạ lâng lâng. Không ai ngờ rằng, câu nói đó sau này đã biến Lâm Di Lạc trở thành người vợ thứ ba của tác gia võ hiệp Kim Dung.

Sau cuộc gặp đó, trong đầu Kim Dung lúc nào cũng luẩn quẩn hình ảnh của cô gái trẻ Lâm Di Lạc. Sau đó, bất cứ khi nào có thời gian rỗi, Kim Dung lại tới quán của Lâm Di Lạc, khi uống cốc cà phê, lúc uống ly rượu. Lâu dần, Kim Dung và Lâm Di Lạc bắt đầu qua lại mật thiết hơn. Một lần, Kim Dung cao hứng uống khá nhiều rượu, bị say và gục xuống bàn ngủ luôn tại quán.

Lâm Di Lạc cùng một nhân viên phục vụ khác dìu Kim Dung vào ghế sôfa nằm nghỉ. Lâm Di Lạc cũng có cảm tình với Kim Dung nên tranh thủ lúc giải lao để vào thăm ông. Đúng lúc Lâm Di Lạc bước vào thì Kim Dung cũng vừa tỉnh dậy. Lâm Di Lạc nói: “Chú Kim, chú thấy khỏe hơn chưa?

Vừa nãy chú uống nhiều quá”. Nói xong, Lâm Di Lạc rót cho Kim Dung một cốc trà nóng uống để giải rượu. Kim Dung cầm cốc trà nóng từ tay Lâm Di Lạc rồi đột ngột nắm lấy đôi tay nhỏ nhắn của cô gái trẻ, đột ngột nói: “Em có muốn lấy anh không? Em có sợ anh quá già không?” Những câu hỏi dồn dập và đột ngột của Kim Dung khiến Lâm Di Lạc lúng túng không biết trả lời ra sao.

Một hôm sau, Kim Dung lại tới quán rượu, lặng lẽ quan sát Lâm Di Lạc với hy vọng rằng, cô sẽ trả lời câu hỏi của mình. Lâm Di Lạc lúc này mới bước lại gần, nói nhỏ với Kim Dung: “Em rất thương anh và em sẽ chăm sóc anh thật tốt”. Kể từ đó, đôi tình nhân một già một trẻ bắt đầu đến với nhau. Không lâu sau đó, Kim Dung mua một căn nhà để hai người dọn tới sống cùng nhau.

Ban đầu, vợ của Kim Dung là Chu Mai không hề biết chuyện này. Lúc đó, Kim Dung vì bận viết các bài xã luận cho Minh Báo rất muộn mới về nhà, có hôm không về nên Chu Mai không nghi ngờ gì. Sau đó, Chu Mai phát hiện ra rằng, Kim Dung mặc dù không về nhà nhưng lại vẫn sai người đi ra bên ngoài lấy bài viết của mình để mang về in. Cảm thấy nghi ngờ, Chu Mai đã vặn hỏi người này. Kết quả, Chu Mai phát hiện Kim Dung có người phụ nữ khác.

Khi mọi chuyện vỡ lở, Kim Dung là người đề xuất chuyện ly hôn. Sau khi chấp nhận các điều kiện do Chu Mai đưa ra, Kim Dung và Lâm Di Lạc tổ chức một hôn lễ đơn giản rồi chính thức về ở với nhau. Sau đó, Kim Dung đưa Lâm Di Lạc sang Úc du học. Bốn năm sau, Lâm Di Lạc lại quay trở về bên cạnh Kim Dung, trở thành một trợ thủ đắc lực của ông.

Khác với Chu Mai, một người phụ nữ đầy tham vọng, Lâm Di Lạc là một người vợ hiền lành và an phận đúng nghĩa. Không được phép sinh con với Kim Dung, song Lâm Di Lạc vẫn chăm sóc 3 đứa con của Chu Mai và Kim Dung một cách rất ân cần và không một lời oán thán.

Cách hành xử của Lâm Di Lạc khiến ngay cả Chu Mai cũng không thể nói nửa câu bất mãn với cô. Có điều, việc không thể có con với nhau cũng là một thiệt thòi ghê gớm đối với một người phụ nữ trẻ tuổi và hiền lành như Lâm Di Lạc.


Chia sẻ