Thủng màng nhĩ vì viêm tai giữa
Viêm tai giữa nếu không được điều trị đúng, để tái phát nhiều lần sẽ trở thành bệnh mãn tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Ngọc Đức - trưởng khoa tai mũi họng Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn (TP.HCM) - cảnh báo như vậy về bệnh viêm tai giữa.
Tưởng rối loạn tiền đình
Người nhà của bà T.K.H. (80 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) kể giữa tháng 4-2014, bà H. đột nhiên bị xây xẩm, chóng mặt, không đứng dậy nổi. Những triệu chứng này chỉ thoáng qua khoảng một hai phút rồi hết nhưng sau đó lại xuất hiện. Triệu chứng này kéo dài khoảng nửa tháng khiến bà H. rất mệt mỏi, khó chịu, ăn uống không được và không dám đi đâu.
Ngày 1-5, bà H. lại bị chóng mặt nặng, không ngồi dậy được và cứ phải nằm nhắm mắt. Cháu của bà là một bác sĩ lão khoa đang làm việc ở một bệnh viện tại TP.HCM nghe tin đã đến nhà khám và chẩn đoán bà bị rối loạn tiền đình.
Ngày 3-5, người nhà bà H. ra nhà thuốc mua thuốc trị rối loạn tiền đình theo toa của bác sĩ này. Sau khi uống thuốc bà H. thấy bớt chóng mặt, nhưng không hết hẳn mà vẫn còn lơ mơ. Khi đi lại bà cảm thấy không vững nên phải vịn tường hoặc đồ đạc trong nhà mới dám đi. Ngày 20-5, thấy sức khỏe bà không tốt, gia đình đưa bà vào Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cấp cứu.
Sau khi hỏi bệnh sử (bà H. khai trước đó khoảng chục năm thấy có ù tai, mỗi khi gội đầu xong thấy tai hay bị chảy nước), làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán bà H. bị viêm tai giữa bên phải mãn tính, thủng màng nhĩ, cho điều trị thuốc kháng sinh... Sau ba ngày điều trị, bà H. xuất viện và tiếp tục uống thuốc thêm hơn một tháng thì hồi phục hoàn toàn.
Không ít trường hợp bệnh nhân bị viêm tai giữa mà không biết nên chỉ điều trị triệu chứng như trường hợp bà H. nói trên.
Viêm tai giữa nếu không được điều trị đúng, để tái phát nhiều lần sẽ trở thành bệnh mãn tính, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Phân loại viêm tai giữa
Theo bác sĩ Ngọc Đức, dựa theo thời gian mắc bệnh, nguyên nhân, triệu chứng và dấu hiệu lâm sàng, bác sĩ chia viêm tai giữa thành hai loại: viêm tai giữa cấp tính (bệnh kéo dài dưới một tháng) và viêm tai giữa mãn tính (bệnh kéo dài trên ba tháng).
Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên. Bệnh nhân đột ngột sốt, đau tai, chảy mủ tai, nghe kém. Ngoài ra, còn xuất hiện các dấu hiệu khác như chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy. Khi khám tai, bác sĩ thấy màng nhĩ bệnh nhân phồng, đỏ, có bóng khí hoặc có dịch sau hòm nhĩ, màng nhĩ còn có thể bị thủng. Với viêm tai giữa cấp, bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa bằng thuốc kháng sinh hoặc kháng viêm tại chỗ hay toàn thân.
Viêm tai giữa mãn có nhiều thể lâm sàng (tiết dịch và thủng nhĩ). Với viêm tai giữa mãn tiết dịch, bệnh nhân không có triệu chứng rõ rệt, ngoại trừ than phiền nghe kém. Trường hợp này ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân còn được bác sĩ làm thủ thuật trích rạch màng nhĩ, đặt ống thông nhĩ để dịch thoát ra ngoài, nạo VA (nếu là trẻ em có phì đại VA) để bớt viêm nhiễm tiết dịch.
Bệnh nhân bị viêm tai giữa mãn thủng nhĩ thường có triệu chứng chảy mủ tai, nghe kém. Soi tai thấy màng nhĩ thủng, hòm nhĩ có thể sạch hoặc ứ dịch, mô hạt viêm, polyp hòm nhĩ. Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh uống hoặc nhỏ tai, vệ sinh tai, khống chế mô hạt viêm, phẫu thuật vá nhĩ giúp ngăn cản sự xâm nhập vi trùng vào hòm nhĩ và phục hồi sức nghe.
Đặc biệt, khi viêm tai giữa mãn, vi khuẩn xâm nhập mê đạo xương gây ra viêm mê nhĩ mủ khiến bệnh nhân bị chóng mặt, nôn ói, nghe kém. Điều trị bao gồm thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch trực tiếp chống lại các tác nhân gây bệnh phổ biến ở viêm tai giữa mãn để hạn chế tổn hại đến các cơ quan tiền đình. Thuốc ức chế tiền đình được sử dụng trong giai đoạn cấp tính để giảm chóng mặt và buồn nôn.
Phòng ngừa từ nhỏ
Theo bác sĩ Ngọc Đức, viêm tai giữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vì vòi nhĩ ở trẻ nhỏ ngắn hơn, hẹp hơn, nằm ngang hơn so với người lớn. Nếu trẻ 1 tuổi bị viêm tai giữa tái phát nhiều lần, không được điều trị dứt điểm, khi lớn lên sẽ bị những đợt viêm tai giữa tái phát và thành bệnh mãn tính.
Nguyên nhân gây bệnh viêm tai giữa thường là do bệnh nhân bị nhiễm trùng, dị ứng, yếu tố môi trường (nhóm trẻ đi nhà trẻ dễ bị bệnh viêm đường hô hấp, viêm tai giữa hơn nhóm trẻ được chăm sóc ở nhà; hít phải khói thuốc lá làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hô hấp và viêm tai giữa), thời tiết (vào mùa viêm đường hô hấp cấp - mùa đông, thu, xuân - tỉ lệ bệnh nhân viêm tai giữa gia tăng nhiều nhất), không được bú sữa mẹ, các bệnh lý khác (hở hàm ếch, suy giảm miễn dịch, VA phì đại)...
Để phòng ngừa bệnh, bác sĩ Ngọc Đức khuyên phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ đối với viêm tai giữa cấp, cho trẻ bú sữa mẹ (thời gian trẻ bú mẹ càng lâu, tỉ lệ viêm tai giữa càng thấp), tiêm ngừa cúm và phế cầu (hai loại virút và vi khuẩn gây bệnh viêm đường hô hấp đã có văcxin phòng ngừa), phẫu thuật vá nhĩ và đặt ống thông vòi nhĩ sớm để ngăn ngừa tái phát viêm tai giữa.